Bị nghi ngờ trốn thuế, cơ quan thuế vào kiểm tra các tài khoản ngân hàng

Chuyên gia cho biết, cơ quan thuế có đủ công cụ để nhận diện người nộp thuế có rủi ro cao về pháp luật thuế và kiểm tra các tài khoản ngân hàng liên quan nếu có nghi ngờ hành vi trốn thuế

Trả lời Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance, ông Lê Văn Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Kế toán Thuế Keytas nêu một số trường hợp cơ quan thuế sẽ kiểm tra các tài khoản ngân hàng có liên quan đến người nộp thuế nếu nghi ngờ và có dấu hiệu của hành vi trốn thuế.

Thứ nhất, đóng tài khoản ngân hàng đã khai báo với cơ quan thuế của hộ, cá nhân kinh doanh. Thứ hai, giao dịch trên nhiều tài khoản cá nhân khác nhau của chủ hộ kinh doanh để chia nhỏ doanh thu.

Thứ ba, yêu cầu chuyển khoản vào nhiều tài khoản khác nhau của người thân như chồng, vợ, con… hoặc nhân viên để né doanh thu tính thuế. Thứ tư, ghi nội dung diễn giải không đúng bản chất giao dịch kinh tế xảy ra.

Và cuối cùng, giá trị giao dịch và số lượng giao dịch cao bất thường so với một cá nhân bình thường.

Cơ quan thuế có đủ công cụ để kiểm tra và nhận diện một người nộp thuế có rủi ro cao về thuế
Cơ quan thuế có đủ công cụ để kiểm tra và nhận diện một người nộp thuế có rủi ro cao về thuế

Theo ông Lê Văn Tuấn, cơ quan thuế có đủ công cụ để kiểm tra và nhận diện một người nộp thuế có rủi ro cao về thuế, như sự bất thường của dòng tiền tài khoản cá nhân, kiểm tra dòng tiền tại các đơn vị vận chuyển như EMS, Viettel Post, Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh. Hay dữ liệu hóa đơn điện tử đầu vào của hộ kinh doanh…

“Đầu vào của hộ kinh doanh 1 tỷ thì doanh thu bán ra về nguyên tắc không thể thấp hơn con số này”, ông Tuấn ví dụ.

Vị chuyên gia phân tích rõ, theo quy định tại Luật Quản lý thuế 2019, cơ quan thuế có quyền yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng trong trường hợp người nộp thuế có các dấu hiệu gian lận về thuế.

Bên cạnh đó, trong quá trình thanh, kiểm tra tại doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh, cơ quan thuế sẽ yêu cầu doanh nghiệp và hộ kinh doanh sao kê tất cả tài khoản của chủ doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh, nếu cơ quan thuế nghi ngờ rằng chủ doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh có phân tán dòng tiền ra nhiều tài khoản khác nhau để trốn tránh nghĩa vụ thuế.

Thậm chí, tài khoản của những người liên quan như vợ, chồng, người quen hay nhân viên của chủ doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh để xác minh nghĩa vụ thuế trong trường hợp các cơ quan chức năng cần mở rộng quy mô xác minh..

“Việc này đã diễn ra lâu nay và không có gì xa lạ với kế toán, chủ doanh nghiệp. Rất nhiều trường hợp buộc phải sao kê tài khoản của chủ doanh nghiệp hoặc vợ chủ doanh nghiệp”, ông Tuấn dẫn chứng.

Chuyên gia Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Kế toán Thuế Keytas
Chuyên gia Lê Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Kế toán Thuế Keytas

Do đó, ông Tuấn cho rằng, trường hợp tương tự cũng sẽ xảy ra đối với chủ hộ kinh doanh, nếu cơ quan thuế nghi ngờ trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh.

Không chỉ vậy, ông Tuấn cho hay nghiêm trọng hơn đã có nhiều trường hợp thực tế, người nộp thuế không chủ động thực hiện yêu cầu sao kê tài khoản ngân hàng của các cá nhân liên quan, thì cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ sang công an để tiến hành điều tra.

Và khi thực hiện đến bước này thì chắc chắn hành vi này không còn là vấn đề truy thu thuế nữa, mà có khả năng khởi tố hình sự một vụ án trốn thuế.

Do đó, ông Tuấn đưa ra lời khuyên đối với những người nộp thuế là hộ kinh doanh, cũng như các nước phát triển khác, Việt Nam đang ở giai đoạn tiến tới sự minh bạch, chủ động chấp hành nghĩa vụ thuế, chủ hộ kinh doanh nên thực hiện trung thực và đầy đủ nghĩa vụ thuế.

“Điều này giúp hạn chế rủi ro các khoản phạt, các khoản truy thu, tính lãi chậm nộp, hay tình huống đáng tiếc như bị khởi tố răn đe”, vị Giám đốc Keytas kết luận.

Xuân Thạch

Theo Vietnamfinance