Cư dân Fresca Riverside bất an khi phát hiện lỗi PCCC
Trong khi hàng loạt sai phạm về xây dựng, công trình xuống cấp chưa được Sea Holdings giải quyết thì mới đây, cư dân tại chung cư Fresca Riverside lại phát hiện nhiều vấn đề liên quan đến PCCC.
“Ngòi nổ ngầm” tại Fresca Riverside
Như Reatimes đã phản ánh, chung cư Fresca Riverside do Công ty CP bất động sản Sea Holdings (Sea Holdings) làm chủ đầu tư, Công ty CP Xây dựng Phước Thành (Công ty Phước Thành) thi công, chính thức hoạt động từ tháng 6/2020.
Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng sinh sống, cư dân tại đây đã bức xúc với hàng loạt vấn đề trong xây dựng và công trình xuống cấp nghiêm trọng. Cư dân đã nhiều lần gửi thư và phản ánh trực tiếp với Sea Holdings, nhưng bị chủ đầu tư này trốn tránh.
Đáng chú ý, trong khi những sai phạm về xây dựng chưa được giải quyết thì mới đây, cư dân chung cư Fresca Riverside lại phát hiện thêm lỗi về hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại chung cư này.
Cụ thể, trong thư gửi chủ đầu tư, cư dân phản ánh phòng kỹ thuật điện tầng đang được bố trí trong phòng sinh hoạt cộng đồng (SHCĐ) tại tầng 2. Phòng này còn chứa cả cáp điện, busway và ống nước chữa cháy. Thậm chí, lỗ mở xuyên sàn cũng không được chủ đầu tư bịt chất chống cháy.
Cũng theo phản ánh của cư dân, bản vẽ thiết kế hệ thống điện được ông Phạm Nguyên Cát, đại diện Sea Holdings và tổng thầu Phước Thành đóng dấu hoàn công lại không có phòng SHCĐ. “Giả sử khi cư dân đang tập trung tại phòng SHCĐ, xảy ra sự cố ở phòng kỹ thuật điện này thì chuyện gì sẽ xảy ra?”, cư dân tại Fresca Riverside bày tỏ.
Một vấn đề khác liên quan đến PCCC còn được cư dân phản ánh là thùng rác đang được đặt ở khu vực thang bộ thoát hiểm. Cư dân lo ngại trong trường hợp xảy ra cháy rác tại khu vực này, họ sẽ khó khăn trong việc thoát hiểm.
Đặc biệt, nhiều cư dân tại Fresca Riverside lo sợ lịch sử cháy chung cư như Carina Plaza sẽ lặp lại vì dân cư đã vào ở hơn 3 tháng nhưng hệ thống PCCC không liên động được. “Tính mạng của hơn cả ngàn con người ở chung cư Fresca Riverside đang bị đe dọa hàng ngày. Với những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng trên, cư dân chúng tôi yêu cầu Sea Holdings trả lời cho toàn bộ cư dân cách xử lý triệt để”, đại diện cư dân yêu cầu.
Trước phản ánh của cư dân về vấn đề an toàn PCCC, mới đây, chủ đầu tư đã có văn bản phản hồi. Theo đó, chủ đầu tư cho biết công trình đã được nghiệm thu PCCC đưa vào vận hành. “Chủ đầu tư đã bàn giao hệ thống cho ban quản lý và có văn bản xác nhận giữa nhà thầu – chủ đầu tư - ban quản lý. Cư dân vui lòng liên hệ ban quản lý toà nhà để biết thêm thông tin”, văn bản phản hồi từ chủ đầu tư ghi rõ.
Cư dân có quyền phản ánh đến các cơ quan chức năng để xử lý
Theo Luật sư Trần Thị Thùy Trinh, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, Khoản 3, Điều 13 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014; Điều 5, Luật PCCC 2001 và Khoản 2, Điều 4 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, quy định chủ đầu tư chỉ được bàn giao nhà cho người dân khi công trình nhà ở đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng, trong đó có việc nghiệm thu PCCC theo quy định.
Trường hợp không đủ điều kiện bàn giao, thiếu an toàn thì cư dân có quyền yêu cầu chủ đầu tư khắc phục, đảm bảo an toàn trong công tác PCCC, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của cư dân. Nếu chủ đầu tư không khắc phục thì cư dân có quyền phản ánh, khiếu nại vụ việc đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý.
Về hình thức xử phạt, Luật sư Trinh cho biết, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC. Trong đó, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 100 triệu đồng).
Bên cạnh đó, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm của cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy, Luật sư Trinh nói rằng, còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung, như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
“Đối với hành vi vi phạm về lĩnh vực PCCC, chủ đầu tư không chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, mà trong trường hợp chủ đầu tư vi phạm công tác PCCC dẫn đến thiệt hại về tài sản của cư dân, thì người dân có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định Bộ luật dân sự.
Nếu người có thẩm quyền của Chủ đầu tư không xử lý kịp thời những vi phạm về công tác PCCC, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người khác thì có thể chịu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ Luật hình sự hiện hành (tội vi phạm quy định về PCCC)”, Luật sư Trinh nói thêm.
Cần yêu cầu chủ đầu tư cam kết bằng văn bản
Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quản lý Nhà Toàn Cầu – Global Home cho rằng, trong trường hợp phát hiện các vấn đề liên quan đến PCCC, cư dân cần phản ánh đến chủ đầu tư và đơn vị quản lí PCCC để giải quyết.
Thêm vào đó, trong hợp đồng mẫu mà chủ đầu tư bắt buộc đăng kí tại Cục Cạnh tranh - Bộ Công Thương có nội dung yêu cầu chủ đầu tư đảm bảo quyền lợi khách hàng. Cư dân có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ bằng văn bản chứng minh đã nghiệm thu đầy đủ các hạng mục công trình, trong đó có hệ thống PCCC. Nếu chủ đầu tư không cung cấp được đồng nghĩa với việc chưa đủ điều kiện đưa cư dân vào ở.
“Cư dân cần yêu cầu chủ đầu tư cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm về các vấn đề mà cư dân phản ánh. Văn bản cam kết này từ chủ đầu tư sẽ là căn cứ trước cơ quan có thẩm quyền nếu cư dân khiếu nại đến các cơ quan chức năng. Trước đây, đã có tiền lệ chủ đầu tư đưa cư dân vào ở khi chưa đủ điều kiện, dẫn đến cư dân phải dọn ra ngoài thuê nhà, chờ chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục liên quan”, ông Thành nói.
Còn xét về mức độ nguy hiểm, ông Thành đánh giá có nhiều cấp độ. Cấp độ nặng sẽ gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về người và của, tiêu biểu là vụ cháy chung cư Carina, quận 8, TP.HCM xảy ra năm 2019.