'Của hồi môn' DongA Bank và GPBank khi về chung nhà với hai ông lớn

Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) chính thức cập bến đỗ mới, đánh dấu trang mới trong hành trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.

Đúng như những thông tin trước đó, DongA Bank được chuyển giao bắt buộc về với Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), trong khi GPBank vè chung nhà với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Trên thực tế, trước khi chính thức “danh chính ngôn thuận” đón DongA Bank và GPBank, cả HDBank và VPBank cũng đều đã để lộ không ít động thái về việc tiếp nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém. Cả hai nhà băng đều đã lấy ý kiến cổ đông về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Hay đại diện của VPBank cũng từng tham gia lễ công bố các quyết định bổ nhiệm tân Chủ tịch và Tổng Giám đốc GPBank hồi tháng 9/2022. Còn HDBank cũng từng bước chuẩn bị nhân sự cho việc tiếp nhận DongA Bank.

GPBank và DongA Bank trước khi về nhà mới

GPBank “gia nhập” vào nhóm ngân hàng 0 đồng vào năm 2015 sau khi bộc lộ nhiều yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, kết quả kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu và quản trị điều hành kém hiệu quả trong nhiều năm.

Trước khi “ngã ngựa”, GPBank từng có một giai đoạn tăng trưởng thần tốc. Năm 2007 – thời điểm GPBank đổi sang tên mới, vốn điều lệ của ngân hàng ở mức 1.000 tỷ đồng. Chỉ 2 năm sau đó, con số này được nâng lên 2.000 tỷ đồng và đến năm 2010, GPBank đạt mục tiêu tăng vốn lên 3.018 tỷ đồng.

Cùng với đó, tín dụng của ngân hàng này cũng tăng một cách “đột biến”. Tăng trưởng tín dụng của GPBank năm 2009 lên tới 49,3%. Thế nhưng, điều đáng nói là tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này khi đó lại rất thấp, chỉ 1,83%.

'Của hồi môn' DongA Bank và GPBank khi về chung nhà với hai ông lớn - Ảnh 1

Trước những dấu hiệu lạ, GPBank đã lọt vào danh sách thanh, kiểm tra của NHNN. Nhiều lỗ hổng được hé lộ, GPBank được NHNN cho phép tìm đối tác để tái cơ cấu trong giai đoạn 2012 – 2015. Mặc dù vậy, sức khỏe của GPBank vẫn không được cải thiện, chính thức trở thành ngân hàng thứ 3 được mua với giá 0 đồng sau OceanBank (nay là MBV) và CBBank.

Dàn lãnh đạo cũ của GP Bank, gồm ông Tạ Bá Long, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Đoàn Văn An, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng vướng vào lao lý do gây thiệt hại gần 4.800 tỷ đồng cho ngân hàng.

Những năm sau khi bị mua lại với giá 0 đồng, tình hình kinh doanh, lỗ/lãi,… của ngân hàng này cũng không được tiết lộ. Duy chỉ một lần hiếm hoi kết quả kiểm toán năm 2017 tiết lộ tình hình nợ xấu của GPBank. Theo đó, nợ xấu của GPBank là 2.800 tỉ đồng, chiếm 59,32% dư nợ. Ngoài ra, tỷ lệ thu hồi nợ xấu đạt mức rất thấp, GPBank năm 2016 thu hồi 307 tỉ đồng nợ xấu, đạt 14,99% kế hoạch; ước tính chỉ có thể thu hồi 866 tỉ đồng nợ xấu, chiếm 31,53% tổng nợ xấu.

Trong khi đó, sau loạt sai phạm của lãnh đạo, DongA Bank từ chỗ ngân hàng đi đầu trong nhiều lĩnh vực, như phát hành thẻ hay sở hữu ATM hiện đại, đã trở thành “gánh nặng” của hệ thống ngân hàng. DongA Bank là ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt từ năm 2015. Tính đến cuối năm 2015, mức lỗ lũy kế đến 31.000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 25.000 tỷ đồng.

Những năm sau đó, DongA Bank cũng không công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn cập nhật tình hình hoạt động, kinh doanh qua các báo cáo quản trị hằng năm. Song, những cập nhật này vô cùng "cơ bản”, hầu hết chỉ xoay quanh việc “tiếp tục thua lỗ”, “lỗ kéo dài” hay “lỗ có xu hướng gia tăng”.

'Của hồi môn' DongA Bank và GPBank khi về chung nhà với hai ông lớn - Ảnh 2

Theo cập nhật gần nhất đến cuối năm 2021, DongA Bank gánh khoản lũy kế lên tới 12.465 tỷ đồng, kéo theo đó vốn chủ âm 6.855 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2021, DongA Bank lỗ trước thuế 1.611 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản của ngân hàng đạt 62.262 tỷ đồng. Trong khi ở thời kỳ đỉnh cao, lợi nhuận sau thuế của DongA Bank lên tới gần 950 tỷ đồng (năm 2011) và nằm trong top 10 ngân hàng thương mại lớn nhất hệ thống thời bấy giờ.

Áp lực từ 'kết hôn' trách nhiệm

Hai ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc DongA Bank và GPBank đều là hai ngân hàng sở hữu tiềm lực mạnh cùng với hệ thống quản trị chuyên nghiệp. Cả VPBank lẫn HDBank đều nằm trong nhóm những ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất hệ thống hiện nay. Đồng thời, tình hình kinh doanh của cả VPBank lẫn HDBank những năm qua liên tục tăng trưởng ấn tượng.

Việc chuyển giao ngân hàng yếu kém về ngân hàng thương mại lớn mạnh, có tiềm lực vững như VPBank hay HDBank được ví như điều kiện tiền đề công cuộc tái cơ cấu thành công. Bởi lẽ, đúng như tên gọi “ngân hàng yếu kém”, việc vực dậy những nhà băng như DongA Bank hay GPBank là thách thức vô cùng lớn, không phải ngân hàng nào cũng có đủ sức để tham gia hành trình gian truân này.

'Của hồi môn' DongA Bank và GPBank khi về chung nhà với hai ông lớn - Ảnh 3

Tuy nhiên, dù “ôm rơm” nhưng chưa chắc HDBank, VPBank phải “nặng bụng” bởi hành lang pháp lý cho chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã được xây dựng. Cùng với Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2024, các nhà băng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém sẽ được hưởng nhiều “đặc quyền” như được bán, phát hành cổ phần của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc cho nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với phương án chuyển giao bắt buộc; được sở hữu 100% vốn điều lệ của ngân hàng thương mại (NHTM) được chuyển giao bắt buộc trong trường hợp NHTM được chuyển giao bắt buộc chuyển đổi thành ngân hàng TNHH MTV,…

Như trường hợp của OceanBank và CBBank, sau khi được chuyển giao về MB và Vietcombank, hai ngân hàng 0 đồng này tiếp tục duy trì mô hình ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên và bước đầu đã có những tiến triển tích cuc

Trước mắt, những "cuộc chuyển nhà" này mang đến tin vui cho DongA Bank, GPBank, và cả hệ thống ngân hàng. Bởi dù sao thì, chúng ta cũng đã phải chờ đợi suốt một thập kỷ mới có thể chứng kiến thời khắc quan trọng này – một dấu mốc mở ra chặng đường mới cho công cuộc tái cơ cấu.

Khánh Tú

Theo VietnamFinance