Cuộc đua làm chủ dự án nhiệt điện 2,5 tỷ USD tại Thanh Hóa
Hiện có 5 nhà đầu tư đang quan tâm đến dự án xây dựng tổ hợp nhà máy nhiệt điện LNG tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Đây là dự án đặc biệt quan trọng trong nỗ lực biến Nghi Sơn thành trung tâm điện lực Quốc gia.
Dự án Nhà máy điện khí Nghi Sơn đã được bổ sung trong Quy hoạch Điên VIII, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng. Cùng với Nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhiệt điện Nghi Sơn 2, dự án nhiệt điện LNG Nghi Sơn sẽ góp phần đưa Nghi Sơn thành trung tâm điện lực lớn nhất Bắc Trung Bộ.
Cuộc chạy đua dự án nhà máy điện khí Nghi Sơn
Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn có quy mô xây dựng 1 nhà máy điện LNG có công suất 1.500MW; 1 bến cảng nhập khí LNG; đê chắn sóng dài khoảng 1 km và các công trình hạ tầng phụ trợ phục vụ cảng nhập LNG gồm: Kho chứa LNG và trạm tái hóa khí trên bờ với quy mô 1 bồn chứa khoảng 230.000m3; 1 trạm tái hóa khí công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm, hạ tầng kỹ thuật cho kho chứa LNG và trạm tái hóa khí xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện LNG, công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm.
Diện tích thực hiện dự án dự kiến khoảng 68,2 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 58.026 tỷ đồng, tương đương khoảng gần 2,5 tỷ USD. Địa điểm dự án tại khu vực phía Nam cảng Nghi Sơn, thuộc xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Tiến độ thực hiện dự án vận hành thương mại trước năm 2030.
Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn của 5 nhà đầu tư.
Thứ nhất, Tổ hợp nhà đầu tư Tập đoàn điện lực lớn nhất Nhật Bản JERA và Tập đoàn SOVICO (Việt Nam).
Thứ 2, Tổ hợp nhà đầu tư Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS), Tập đoàn xây dựng và kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) và Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát.
Thứ 3, Nhà đầu tư Tập đoàn năng lượng Gulf đến từ Vương quốc Thái Lan.
Thứ 4, Nhà đầu tư SK E&s, tập đoàn công nghiệp đa ngành đến từ Hàn Quốc.
Thứ 5, Tổ hợp nhà đầu tư Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam và Tập đoàn T&T.
Ai chiếm ưu thế hơn trong cuộc đua này?
Trong số các nhà đầu tư, Tổ hợp nhà đầu tư JERA – SOVICO đã theo đuổi dự án từ năm 2020. Trong đó JERA đã có nhiều chuyến khảo sát thực địa và làm việc tích cực với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa từ tháng 2 năm 2023 đến nay. Đối với SOVICO, tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam này đã theo đuổi dự án từ năm 2020. Đây cũng là nhà đầu tư đã đề xuất địa điểm cụ thể xây dựng nhà máy ở khu vực phía nam khu kinh tế Nghi Sơn.
Trong tổ hợp này, JERA liên doanh giữa Tokyo Electric Power và Chubu Electric Power là doanh nghiệp phát điện lớn nhất tại Nhật Bản. Công ty tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo ở khắp châu Á, bao gồm cả Ấn Độ và Thái Lan.
JERA đã vận hành nhà máy nhiệt điện khí tại Việt Nam từ năm 2005. Công ty Nhật Bản này coi Việt Nam là "ưu tiên", nơi họ "có tiềm năng mạnh mẽ để tham gia vào cả LNG và các dự án năng lượng tái tạo." JERA đặt mục tiêu nâng công suất phát điện năng lượng tái tạo lên 5.000 MW vào năm 2025.
Công ty này đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện chạy bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và các cơ sở xếp dỡ LNG tại Việt Nam
Về phần mình, công ty Nhật Bản cho biết Việt Nam là thị trường quan trọng trong ASEAN. Đầu năm 2023, JERA đã bắt đầu hoạt động toàn diện tại quốc gia Đông Nam Á với công ty con Jera Energy Vietnam Co Ltd. tại Hà Nội.
Tháng 8 năm 2022, JERA cũng đã công bố chi khoảng 15 tỷ yên (tương đương 112 triệu USD) để mua lại 35,1% cổ phần của Công ty CP Điện Gia Lai - GEC để mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Thành viên còn lại trong liên danh là Tập đoàn SOVICO, gắn liền với tên tuổi nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, người cũng là yếu nhân tại Hãng hàng không Viet Jet, ngân hàng HDBank và công tư tài chính HD Saigon.
Đối thủ lớn của JERA – SOVICO là tổ hợp nhà đầu tư Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS), Tập đoàn xây dựng và kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) và Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát.
Trong liên danh này, ngoài 3 ông lớn đến từ Hàn Quốc, Tập đoàn Anh Phát là doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn nhất tại Thanh Hóa. Anh Phát hoạt động đầu tư đa ngành trong đó trụ cột và nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn được biết đếm trong lĩnh vực kinh doanh nước sạch, hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư các khu nghỉ dưỡng, du lịch, nhà hàng cao cấp tại địa phương. Tại Khu kinh tế Nghi Sơn, ngoài nhà máy cung cấp nước sạch và tổng kho xăng dầu doanh nghiệp này cũng đang đầu tư dự án Khu công nghiệp Đồng Vàng có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ. Anh Phát cũng là chủ đầu tư khu vực bến số 3, số 4 và số 5 cảng Nghi Sơn có tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng.
Tập đoàn năng lượng Gulf cũng là một đối thủ tiềm năng. Được biết trong thời gian qua, giữa tập đoàn kinh tế đến từ Thái Lan này và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chuyến thăm, tiếp xúc song phương nhằm tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thanh Hóa, trong đó có dự án Nhà máy nhiệt điện LNG tại Nghi Sơn. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng đã có những chuyến viếng thăm đến trụ sở Tập đoàn này tại Thái Lan để xúc tiến đầu tư.
Bên cạnh việc theo đuổi dự án LNG tại Nghi Sơn, mới đây, Tập đoàn năng lượng hàng đầu Thái Lan này cũng đã đánh tiếng mong muốn đầu tư nhà máy điện khí có quy mô đầu tư lên đến 5 tỷ USD tại tỉnh Nam Định.
Ngoài ra, nhà đầu tư SK E&s và Tổ hợp liên danh PV Power bắt tay cùng Tập đoàn T&T cũng là những nhân tố có thể gây bất ngờ.
Tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Đây là dự án lớn thứ 3 của tỉnh sau dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cơ bản thống nhất với tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tiến hành các quy trình dự án phải chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Công tác đấu thầu phải diễn ra một cách công bằng, công khai, minh bạch.