Đà Nẵng sẽ hình thành 5 trung tâm logistics chính tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 “trở thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng”, TP Đà Nẵng sẽ hình thành 5 trung tâm logistics chính tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp...
Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 21/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế của TP Đà Nẵng là “trở thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng”.
Thực trạng phát triển ngành logistics của Đà Nẵng hiện nay ra sao, TP có những định hướng gì phát triển và cơ hội đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng logistics của TP trông thời gian đến? Phóng viênDoanh nghiệp Việt Namđã có cuộc trao đổi với ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT Đà Nẵng về vấn đề này.
Ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT Đà Nẵng trả lời phỏng vấn Doanh nghiệp Việt Nam
Thưa ông, ông có đánh giá như thế nào về sự phát triển ngành logistics trên địa bàn TP hiện nay?
Ông Bùi Hồng Trung: Nằm ở trung điểm của cả nước, là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, là hạt nhân của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, TP Đà Nẵng hội tụ gần như đầy đủ những yếu tố quan trọng về hạ tầng cơ sở để ngành logistics phát triển mạnh mẽ. Trong thời gian qua, để thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện, ngành giao thông vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng đã có nhiều chiến lược đầu tư và phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông, đem lại những chuyển biến rõ nét.
Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã hình thành nên nhiều công trình lớn, hiện đại đáp ứng nhu cầu giao thương của TP Đà Nẵng; góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hòa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy đạt được những thành tựu đáng kể nhưng hoạt động logistics tại Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế cần cải thiện so với nhu cầu thực tiễn phát triển. Năng lực cung ứng dịch vụ, năng lực cạnh tranh và năng lực kết nối logistics giữa Đà Nẵng với các quốc gia trong khu vực và thế giới còn nhiều hạn chế… Chi phí vận tải đường bộ còn ở mức cao chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vận tải.
Bên cạnh đó, phần lớn hệ thống kho bãi của các doanh nghiệp cổ phần, tư nhân và liên doanh dành cho cung cấp dịch vụ logistics có quy mô nhỏ. Điều này có nghĩa hệ thống kho bãi và dịch vụ logistics của Đà Nẵng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sản xuất, dự trữ của địa phương và vùng lân cận mà chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hóa quốc tế ngày một gia tăng qua khu vực Đà Nẵng.
Ngoài ra, để phát triển thành trung tâm logistics thì liên kết Vùng phải chặt chẽ, song kết cấu hạ tầng giao thông của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung còn hạn chế, dễ chia cắt khi gặp bão lũ. Chưa kể, nguồn nhân lực phục vụ logistics ở Đà Nẵng vẫn thiếu, phần lớn do doanh nghiệp tự đào tạo mà chưa có trường đào tạo chuyên ngành cho logistics.
Từ thực tế đó, ông có thể cho biết định hướng phát triển cơ sở hạ tầng logistics TP Đà Nẵng trong thời gian tới?
Ông Bùi Hồng Trung: Tại Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 21/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế của TP Đà Nẵng là “trở thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng”.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị và khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế nêu trên, TP Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch 2581/KH-UBND ngày 20/4/2020 thực hiện Chương trình số 41-CTr/TU về triển khai thực hiện Chuyên đề “Tập trung phát triển dịch vụ logistics, cảng biển, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước”.
Theo đó, quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ hình thành 5 Trung tâm logistics chính được bố trí tại các đầu mối giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Cụ thể 5 trung tâm logistics chính mà ông vừa nêu sẽ được TP quy hoạch, bố trí thế nào?
Ông Bùi Hồng Trung: Trong 5 trung tâm logistics chính vừa nêu thì Trung tâm logistics Cảng Liên Chiểu có vai trò là trung tâm logistics cảng biển, quy mô đến năm 2030 là 35 ha, đến năm 2045 đạt 69 ha; vị trí đặt tại khu vực hậu cần cảng Liên Chiểu. Hiện BQL dự án đang lập quy hoạch chi tiết mặt bằng khu bến cảng Liên Chiểu.
Trung tâm logistics Hòa Nhơn là trung tâm logistics đường bộ, quy mô đến năm 2030 là 27 ha, đến năm 2045 đạt 54 ha; vị trí đặt gần nút giao giữa cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và đường Hoàng Văn Thái (phía Nam). Trung tâm này có chức năng cung cấp các dịch vụ kỹ thuật phương tiện vận tải đường bộ, dịch vụ logistics cho luồng hàng hóa Bắc – Nam và các tỉnh lân cận trung chuyển qua TP Đà Nẵng.
Trung tâm logistics đường sắt là trung tâm logistics phục vụ vận tải đường sắt, quy mô đến năm 2030 là 5 ha, đến năm 2045 đạt 10 ha; vị trí tại khu vực Hòa Liên, gần nút giao cắt của đường sắt quốc gia với đường bộ quốc gia và đường vành đai của TP Đà Nẵng.
Trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không, quy mô đến năm 2030 là 4 ha, đến năm 2045 đạt 8 ha; vị trí đặt trong hoặc gần khu vực Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Trung tâm logistics Khu công nghệ cao Đà Nẵng là trung tâm logistics khu công nghiệp, quy mô đến năm 2030 là 3 ha, đến năm 2045 dự kiến đạt 20 ha; vị trí đặt trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Trung tâm này có vai trò là trung tâm logistics phụ trợ trung tâm logistics hàng không và đường bộ
Ngoài ra còn có các trung tâm logistics nhỏ lẻ và các kho bãi khác với tổng quy mô đến năm 2030 đạt 26 ha, đến năm 2045 đạt 68 ha; bố trí theo thực tế nhu cầu và điều kiện quỹ đất của TP Đà Nẵng tại các địa điểm thuận tiện giao thông và gần các đầu mối sản xuất tiêu thụ hàng hóa... Các trung tâm này có vai trò hỗ trợ các trung tâm logistics tập trung nói trên; đồng thời thu gom, phân phối hàng hóa phục vụ TP Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
Một vấn đề được các nhà đầu tư hết sức quan tâm là khi hình thành thì các trung tâm logistics trên địa bàn TP sẽ được kết nối ra sao?
Ông Bùi Hồng Trung: Về hệ thống giao thông kết nối các trung tâm logistics, đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, TP Đà Nẵng sẽ xây dựng mới 1 tuyến đường sắt đơn khổ lồng kết nối trực tiếp Ga hàng hóa đường sắt Kim Liên mới với Trung tâm logistics Cảng Liên Chiểu, bảo đảm kết nối giữa cảng biển với các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt và đường biển trong hệ thống vận tải địa phương và quốc gia.
Xây dựng mới 1 tuyến đường bộ kết nối Cảng Liên Chiểu với QL 1A phía Nam hầm Hải Vân; xây dựng các đường kết nối các Trung tâm logistics Hòa Nhơn, Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Ga hàng hóa đường sắt Kim Liên với các trục giao thông đối ngoại. Đồng thời phối hợp Bộ GTVT đầu tư xây dựng đường cao tốc đoạn Hòa Liên – túy Loan; nâng cấp mở rộng QL 14B đoạn qua TP Đà Nẵng trong giai đoạn 2021-2025.
Về đường hàng không, đầu tư nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đáp ứng công suất 25 triệu khách/năm vào năm 2030, lên 30 triệu khách/năm sau năm 2030 và khối lượng hàng hóa thông qua cảng hàng không đến năm 2030 đạt 200.000 tấn/năm. Từng bước hình thành và phát triển Trung tâm logistics cảng hàng không (có nhu cầu vận tải lớn hơn 250.000 tấn/năm) theo đúng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
Về cảng biển và đường thủy, đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu thành cảng hàng hóa, container gắn với tổ chức không gian đô thị tại khu vực; chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, bến du thuyền và giữ cảng quân sự; đầu tư xây dựng tuyến đường thủy trung chuyển hàng container; hướng đến phát triển Đà Nẵng trở thành điểm trung chuyển, phân luồng hàng hóa của vùng và khu vực
Về đường sắt, tiếp tục xúc tiến, đẩy nhanh dự án di dời ga đường sắt ra khỏi khu vực nội thị, lồng ghép dự án này vào dự án đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Theo quy hoạch, nhà ga mới đã tính toán quỹ đất để xây dựng các trung tâm logistics gần khu vực ga. Các trung tâm này đều có thể được sử dụng chung cho đường bộ, đường thủy và đường hàng không.
Lãnh đạo ngành GTVT Đà Nẵng còn điều gì muốn gửi đến các nhà đầu tư quan tâm lĩnh vực logistics của TP?
Ông Bùi Hồng Trung: Với quy hoạch các trung tâm logistics cùng với việc cải thiện hệ thống giao thông TP, trong tương lai Đà Nẵng sẽ đáp ứng được điều kiện cần và đủ thúc đẩy dịch vụ kho bãi container hỗ trợ vận tải biển và vận tải đường bộ, vận tải đường thủy; dịch vụ chuyển phát, đại lý vận tải hàng hóa; dịch vụ quản lý hàng hóa lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng; dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan; dịch vụ kiểm tra vận đơn, môi giới vận tải hàng hóa, kiểm định hàng hóa, dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải....
Qua đó góp phần phát triển ngành dịch vụ logistics TP Đà Nẵng, tạo sức lan tỏa cho toàn khu vực miền Trung và có khả năng cung cấp một số dịch vụ logistics cạnh tranh trao đổi hàng hóa quốc tế trung chuyển trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng như tinh thần Nghị quyết 43/-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ. Đây là cơ hội để các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực logistics của TP Đà Nẵng trong thời gian đến.
Xin cảm ơn ông!