Đà Nẵng: Thu hút vốn FDI tiếp tục giảm sút, nhiều doanh nghiệp FDI gặp khó
Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, các tháng cuối năm 2022 là khoảng thời gian rất khó khăn đối với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn TP, không chỉ đối mặt với trở ngại từ việc tiếp cận nguồn vốn, giảm sút về đơn hàng xuất khẩu mà còn đứt gãy chuỗi cung ứng về nguyên liệu…
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, tính từ đầu năm đến 15/12/2022, TP Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 33 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 13.869 tỷ đồng, tăng 6 dự án và tăng 79% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 12 dự án nằm ngoài Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao (KCN, KCNC) với tổng vốn đăng ký hơn 9.900 tỷ đồng và 21 dự án trong KCN, KCNC với tổng vốn đạt gần 4.000 tỷ đồng.
Tháng 12/2022, Công ty TNHH SSLV Việt Nam đã đóng cửa nhà máy tại Đà Nẵng, dời toàn bộ hoạt động về nhà máy tại Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Tuy vậy thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào TP năm 2022 vẫn chưa được cải thiện. Tính đến ngày 15/12/2022, toàn TP có 50 dự án FDI cấp mới chứng nhận, tuy tăng 6 dự án nhưng vốn đăng ký chỉ đạt hơn 70 triệu USD, bằng 47% cùng kỳ năm 2021. Tính đến 15/12/2022, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm, bao gồm cả vốn góp mua cổ phần của khu vực FDI đạt 135,3 triệu USD, gần bằng 79% so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Thống kê Đà Nẵng ghi nhận, sau ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, các doanh nghiệp (DN) FDI trên địa bàn đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp để giảm chi phí, tăng nguồn đơn hàng và tăng năng lực sản xuất; tập trung thực hiện các dự án dở dang và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án cũng như bổ sung thêm vốn vào tài sản mở rộng quy mô và phục vụ sản xuất kinh doanh.
Điển hình như Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, Công ty TNHH Đà Nẵng Fujikin, Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam, Công ty TNHH Marata Manufacturing Việt Nam Đà Nẵng, Công ty Fujikura Automotive Việt Nam... Tổng vốn đầu tư thực hiện của khu vực DN FDI trên địa bàn TP trong năm 2022 đạt gần 5.500 tỷ đồng, tuy nhiên tốc độ tăng còn khá khiêm tốn, chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ các năm trước.
Đáng chú ý, Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, các tháng cuối năm 2022 là khoảng thời gian rất khó khăn đối với các DN FDI. Không chỉ đối mặt với trở ngại từ việc tiếp cận nguồn vốn trong nước mà dòng vốn nước ngoài từ công ty mẹ cũng gặp khó khăn chung do những vấn đề về chi phí, giá cả tăng, lạm phát cao, chính sách thắt chặt tiền tệ ở hầu hết các quốc gia trên toàn cầu...
“Đây cũng là những yếu tố tác động tiêu cực đến các DN. Đặc biệt, sự giảm sút về đơn hàng xuất khẩu và đứt gãy chuỗi cung ứng về nguyên liệu khiến nhiều DN FDI rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, không ổn định hoặc đóng cửa”, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ nhấn mạnh tại cuộc họp báo ngày 30/12/2022 công bố số liệu kinh tế - xã hội TP năm 2022.
Ông đơn cử Công ty TNHH Tường Hựu đã giảm giờ làm 240 lao động, giảm 23% số lao động do số đơn hàng giảm 50% so với 6 tháng đầu năm; Công ty TNHH May mặc Whitex Việt Nam cho lao động nghỉ luân phiên dự kiến đến hết tháng 1/2023 do không có đơn hàng; Công ty TNHH SSLV Việt Nam đã đóng cửa nhà máy tại Đà Nẵng, dời toàn bộ hoạt động về nhà máy tại Quảng Nam và Quảng Ngãi...
Theo ông Vũ, thu hút vốn FDI là một động lực chính cho sự phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng trưởng kinh tế có mối tương quan thuận chiều với tốc độ tăng thu hút FDI. Việc gia tăng vốn FDI được giải ngân sẽ làm mở rộng quy mô sản xuất của các ngành kinh tế, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng. Ngoài những lợi ích trực tiếp, vốn FDI còn tạo ra những lợi ích gián tiếp nhờ tạo hiệu ứng lan toả sang những lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cũng nhấn mạnh, việc thu hút vốn FDI của TP chủ yếu tập trung vào Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin và các KCN. Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư xây dựng các KCN, cụm công nghiệp mới còn chậm tiến độ, chưa đảm bảo hạ tầng sẵn sàng cho các DN đầu tư sản xuất.