Đại biểu Quốc hội: Ngoài Vạn Thịnh Phát, còn những tảng băng khác chưa bị vỡ
Đại biểu Quốc hội cho rằng, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có thể chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ, vẫn còn những tảng băng khác chưa bị vỡ và người dân đang rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản.
Phát biểu thảo luận về các báo cáo công tác của Toà án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho biết, thời gian qua, có nhiều loại tội phạm giảm nhưng có nhiều loại lại tăng, nhất là tài sản bị thiệt hại tăng hơn 450%; án mạng tăng 12,65%, cướp tài sản tăng 44,40%...
Đại biểu Phạm Văn Hoà cũng nêu những vụ việc thể hiện sự phức tạp trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm như vụ án Vạn Thịnh Phát - khi các tội phạm thực hiện hành vi làm khống cả nghìn hồ sơ để vay, chiếm dụng trên 1 triệu tỷ đồng của Ngân hàng SCB. Trong đó, có hàng trăm nghìn tỷ tiền gửi của người dân. Thậm chí, trưởng đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ lên tới 5,2 triệu USD .
"Đây là vụ nhận hối lộ bằng tiền mặt nhiều nhất từ trước đến nay, số lượng tiền bị chiếm dụng, có khả năng thất thoát cũng nhiều nhất. Vụ này có thể chỉ là bề nổi của tảng băng bị vỡ, còn những tảng băng khác chưa bị vỡ", đại biểu nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Hoà cũng cho biết, người dân rất trông chờ vào việc thu hồi tài sản tiền của các đối tượng trong vụ án này. Cần tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, lấy lại lòng tin với người dân. Dư luận cũng rất quan tâm đến việc lãng phí tài sản công, mua sắm, bất động sản, chi tiêu... Số này lại không phát hiện xử lý, nếu lãng phí mà có số liệu chứng minh có thể thất thoát ngân sách không ít hơn tham nhũng.
Theo ông Hoà, dư luận cũng đang đặt vấn đề việc có hay không sự bắt tay giữa một số ngân hàng với các công ty bảo hiểm, giao cho nhân viên ngân hàng tư vấn khách hàng sai sự thật nhằm mục đích chuyển từ tiền gửi sang mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm đầu tư.
"Hậu quả có cả nghìn người đã gửi đơn khiếu nại làm giảm lòng tin người dân vào hệ thống ngân hàng và hoạt động bảo hiểm. Các vụ án tham nhũng lớn, đối tượng cầm đầu mặc dù được ngăn chặn kịp thời, nhưng vẫn còn lọt lưới những con cá to trốn khỏi đất nước chưa bắt giữ được, gây khó khăn cho công tác tố tụng", ông Hoà cho hay.
Về vụ án Vạn Thịnh Phát, ngày 17/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố đối với 86 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan.
Bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị truy tố ba tội danh gồm: Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng; Đưa hối lộ.
Các bị can còn lại bị truy tố về các tội danh: Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Đáng chú ý, trong số các bị can bị đề nghị truy tố, bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước, bị cơ quan điều tra cáo buộc nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD.