'Đại gia' bất động sản Hà Đô ghi nhận lãi tăng nhờ mảng năng lượng
Nhìn vào cơ cấu doanh thu của Hà Đô, có thể thấy, bất động sản đã không còn là mảng đóng góp lớn nhất cho doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp kể từ đầu năm nay. Ngược lại, doanh thu từ mảng năng lượng tăng mạnh đã trở thành “cứu cánh” cho Hà Đô khi lĩnh vực bất động sản suy yếu.
Mảng bất động sản tại Hà Đô suy yếu
CTCP Tập đoàn Hà Đô (Hà Đô, Mã: HDG) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với doanh thu thuần đạt 837 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp 506 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 65,3% xuống 60,4%.
Trong kỳ, hoạt động tài chính Hà Đô âm khi doanh thu đạt 43 tỷ đồng, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ, chủ yếu do lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng và phát sinh thêm doanh thu hoạt động tài chính khác. Trong khi đó, chi phí tài chính lên đến 130 tỷ đồng, tăng 53% co với cùng kỳ với chủ yếu là chi phí lãi vay (128 tỷ đồng), tăng mạnh 60% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, chi phí vận hành cũng tăng lên đáng kể, cụ thể là chi phí bán hàng tăng 9,6 lần lên 17 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 16% lên 43 tỷ đồng.
Kết quả, Hà Đô ghi nhận LNST quý 3/2022 tăng 25% lên hơn 310 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết, lợi nhuận quý này tăng là do doanh thu từ mảng năng lượng tăng mạnh so với cùng kỳ, trong khi các lĩnh vực khác vẫn duy trì ổn định.
Luỹ kế 9 tháng, doanh nghiệp đem về hơn 2.492 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, đáng chú ý là mảng điện có sự bứt phá mạnh khi doanh thu tăng gấp đôi, đạt 1.463 tỷ đồng, chiếm 59% tổng doanh thu; mảng bất động sản suy giảm với doanh thu chỉ 796 tỷ đồng, giảm 41% và chỉ chiếm 32% tổng doanh thu. Doanh thu dịch vụ khách sạn cùng với doanh thu cung cấp dịch vụ và cho thuê bất động sản đầu tư ghi nhận hơn 260 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Kết quả, Hà Đô đã có lãi trước thuế tăng 44%, đạt 1.244 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 43%, đạt 1.040 tỷ đồng. Với kết quả này, Hà Đô đã hoàn thành 77,3% chỉ tiêu lợi nhuận năm nay (1.344 tỷ đồng) sau 9 tháng.
Có thể thấy, bất động sản đã không còn là mảng đóng góp lớn nhất cho doanh thu và lợi nhuận của Hà Đô kể từ đầu năm nay. Cụ thể, mảng bất động sản của Hà Đô thiếu hụt dự án quy mô lớn trong kế hoạch phát triển ngắn hạn. Trong đó, kế hoạch mở bán giai đoạn 3 của dự án Charm Villas (Hà Nội) với tổng diện tích 30 ha gồm 528 căn biệt thự đơn lập, song lập và liền kề tiếp tục bị trì hoãn tới quý 2/2023 sau 2 lần mở bán vào tháng 12/2020 và tháng 1/2021.
Điều kiện thị trường không thuận lợi là nguyên nhân chính cho sự trì hoãn này. Trong khi đó, nhu cầu BĐS đang gặp nhiều thách thức hơn trong nửa cuối năm 2022 do lạm phát, lãi suất mua nhà tăng và room tín dụng hạn chế.
Liên quan đến lĩnh vực bất động sản, ban lãnh đạo Hà Đô cho biết công ty đang nghiên cứu đầu tư các dự án tại Hà Nội (huyện Thanh Oai), TP.HCM (huyện Bình Chánh) và tỉnh Ninh Thuận. Những dự án trên được kỳ vọng sẽ nâng tổng quỹ đất của Hà Đô lên 450 ha trong 5 năm tới.
Trước đó, Hà Đô cũng thông báo đang đàm phán để mua lại quỹ đất rộng 125 ha tại khu vực phía Tây Hà Nội với chi phí dự tính là khoảng 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên công ty vẫn chưa có thông báo chính thức về dự án này.
Trong nửa cuối năm 2023, công ty có kế hoạch mở bán 2 dự án tại TP.HCM là Green Lane (quận 8) và Hado Minh Long (TP. Thủ Đức) Dịch Vọng Complex (Cầu Giấy, Hà Nội), Noong Tha Central Park (Lào) và dự án Alila Bảo Đại Resort của mảng cho thuê văn phòng, khách sạn…Sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý và được đưa vào phát triển sẽ là động lực tăng giá cho cổ phiếu HDG.
Doanh thu chủ yếu đến từ mảng năng lượng
Nhìn vào cơ cấu doanh thu của Hà Đô 9 tháng qua, có thể nói mảng năng lượng đang là "cứu cánh" của công ty với 1.463 tỷ đồng/2.492 tỷ đồng tổng doanh thu thuần, chiếm 59% tổng doanh thu.
Trong giai đoạn 2023-2025, Hà Đô đặt mục tiêu sẽ phát triển thêm 478 MW điện năng lượng tái tạo để nâng tổng công suất phát điện của công ty lên 922 MW. Với chi phí đầu tư thấp, các nhà máy điện của Hà Đô thường xuyên đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn so với các công ty khác trong ngành.
Trong một báo cáo phân tích của VNDIRECT, đơn vị này dự báo lợi nhuận ròng giai đoạn 2023-2024 của công ty sẽ giảm dần từ mức cao của năm 2022. Dự kiến, doanh thu mảng năng lượng sẽ tăng 56,5% so với cùng kỳ trong năm 2022 trước khi giảm nhẹ 5,6% so với cùng kỳ ở năm tiếp theo.
Do đó, VNDIRECT điều chỉnh tăng dự phóng sản lượng điện năm 2022- 2023 lên lần lượt 1.342/1.221 triệu kWh (+48,8%/-9,0% so với cùng kỳ), cao hơn 10,7%/5,3% so với dự báo trước đó.
Dự phóng doanh thu mảng năng lượng của Hà Đô năm 2022 là 13,1%, năm 2023 là 8,7% lên lần lượt là 1.997 và 1.886 tỷ đồng so với cùng kỳ phản ánh cả sản lượng và giá bán điện cao hơn. Doanh thu cao hơn cũng sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp năm 2022-2023 lên 74,2%/71,5%, cao hơn 2,9/2,2 điểm % so với dự phóng trước đó.
VNDIRECT cũng cho biết, Hà Đô đang chờ đợi phê duyệt của Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8) để thực hiện kế hoạch tăng gấp đôi công suất điện vào năm 2025. Dự kiến sau khi Quy hoạch điện 8 được thông qua, HDG sẽ phát triển 2 dự án điện gió là Phước Hữu (50 MW) và Ea H\'leo (20 MW), những dự án đã được bổ sung vào dự thảo Quy hoạch điện 8. Công ty cũng đang rất tự tin siêu dự án điện gió An Phong (300 MW) sẽ được bổ sung vào Quy hoạch điện 8.
Nợ phải trả gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của Hà Đô đạt gần 15.870 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với thời điểm đầu năm. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn giảm từ 1.713 tỷ đồng về hơn 1.683 tỷ đồng (1.064 tỷ đồng trong đó là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng). Tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ hơn 230 tỷ đồng về hơn 185 tỷ đồng, tương ứng giảm 19% so với cùng kỳ.
Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn của Hà Đô giảm từ gần 197 tỷ đầu năm về hơn 165 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có khoản đầu tư trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi giá trị 518 tỷ đồng và khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn hơn 340 tỷ đồng.
Trong khi đó, hàng tồn kho tăng 12% lên 1.529 tỷ đồng, chủ yếu tăng giá trị các công trình xây dựng dở dang và hàng hóa. Ngoài ra, doanh nghiệp có 792 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tập trung chủ yếu tại hai dự án là Khu đô thị Linh Trung (hơn 490 tỷ đồng), Khu nghỉ dưỡng Bảo Đại (hơn 189 tỷ đồng),…
Nợ phải trả của Hà Đô tính đến hết quý III hơn 9.405 tỷ đồng, giảm 1.096 tỷ đồng so với đầu năm (chiếm hơn 59% nguồn vốn, gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu). Trong đó, chủ yếu là do khoản nợ vay tài chính giảm 780 tỷ về gần 6.595 tỷ (5.559 tỷ đồng là nợ vay ngân hàng). Với vốn chủ sở hữu 6.465 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Hà Đô là 1,45 lần.
Dòng tiền từ hoạt động tài chính trong 9 tháng đầu năm của doanh nghiệp âm gần 727 tỷ đồng, chủ yếu do các khoản tiền thu về từ đi vay giảm mạnh còn 148 tỷ đồng. Trong khi đó, Hà Đô đã trả nợ gốc vay với số tiền gần 1.105 tỷ và trả cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu số tiền hơn 422 tỷ đồng.