VNDirect: Do thị trường không thuận lợi, Tập đoàn Hà Đô lùi lịch mở bán Charm Villas - GĐ 3 sang quý II/2023
Trước khó khăn chung của thị trường bất động sản, ban lãnh đạo Hà Đô vừa cho biết sẽ lùi lịch mở bán giai đoạn 3 dự án Hado Charm Villas sang quý II/2023, thay vì quý IV năm nay. VNDirect cho rằng, việc Hà Đô hoãn lịch mở bán dự án chính là do điều kiện thị trường không thuận lợi.
Tạm hoãn lịch mở bán dự án Hado Charm Villas
Theo thông tin của Chứng khoán VNDirect, Ban lãnh đạo CTCP Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) cho biết sẽ lùi lịch mở bán giai đoạn 3 dự án Hado Charm Villas sang quý II/2023, thay vì quý IV năm nay (bao gồm 130 căn còn lại, doanh thu ước tính khoảng 1.800 tỷ đồng). Trước đó, Hà Đô đã bán 240 căn hộ tại dự án Charm Villas với tỷ lệ hấp thu 94% chỉ sau 2 ngày mở bán.
VNDirect cho rằng, điều kiện thị trường không thuận lợi là nguyên nhân chính cho sự trì hoãn này. Nhu cầu bất động sản đang gặp nhiều thách thức hơn trong nửa cuối năm 2022 do lạm phát, lãi suất mua nhà tăng và room tín dụng hạn chế.
Do đó, đơn vị này dự phóng doanh thu mảng bất động sản của Hà Đô sẽ giảm 21,2% so với cùng kỳ, đạt 1.556 tỷ đồng. Cũng theo VNDirect, doanh thu mảng bất động sản của công ty giai đoạn 2022 - 2023 sẽ đến chủ yếu từ việc bàn giao 102/122 căn từ dự án Charm Villas.
Bên cạnh đó, doanh thu trung bình căn của năm 2023 cũng được dự báo sẽ thấp hơn do các dự án biệt thự có giá trị cao hầu như đã được bàn giao trong năm 2021 - 2022.
Song, biên lợi nhuận gộp mảng bất động sản năm 2022 - 2023 được kỳ vọng sẽ tăng 8,4 điểm % so với năm 2021 nhờ dự án Charm Villas có biên lợi nhuận gộp cao hơn 17,9 điểm % so với dự án Hado Centrosa (đã được bàn giao hết từ nửa đầu năm 2021).
Biên lợi nhuận gộp cao của Charm Villas đến từ việc giá bán trung bình tăng và chi phí quyền sử dụng đất thấp do dự án đã được phát triển từ năm 2008, bù đắp cho chi phí xây dựng cao hơn tại dự án trong năm 2021 - 2023.
Bên cạnh Charm Villas, trong nửa cuối năm 2023, công ty có kế hoạch mở bán 2 dự án tại TP HCM là Green Lane (quận 8) và Hado Minh Long (TP Thủ Đức). Hiện, thủ tục pháp lý của các dự án trên vẫn chưa hoàn thành.
Không riêng hai dự án này, VNDirect cho biết, tiến độ pháp lý của các dự án bất động sản hiện hữu của Hà Đô vẫn chưa hoàn tất, công ty cũng chưa công bố quỹ đất mới nào kể từ năm 2020. Do đó, VNDirect cho rằng, công ty sẽ thiếu hụt dự án quy mô lớn trong kế hoạch phát triển ngắn hạn.
Ban lãnh đạo Hà Đô cho biết đang nghiên cứu đầu tư các dự án tại Hà Nội (huyện Thanh Oai), TP HCM (quận Bình Chánh) và tỉnh Ninh Thuận, kỳ vọng sẽ nâng tổng quỹ đất của công ty lên 450 ha trong 5 năm tới.
Trước đó, công ty cũng thông báo đang đàm phán để mua lại quỹ đất rộng 125 ha tại khu vực phía Tây Hà Nội với chi phí dự tính là khoảng 1.000 tỷ đồng. Hiện, công ty chưa có thông báo chính thức về dự án này.
Hà Đô làm ăn ra sao sau 9 tháng đầu năm?
Trong quý 3/2022, Tập đoàn Hà Đô ghi nhận doanh thu 866 tỷ đồng (tăng 33,5% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng đạt 251 tỷ đồng. Tuy nhiên khoản lợi nhuận này của Hà Đô đến từ doanh thu mảng năng lượng với đóng góp 62% nhờ sản lượng điện tăng 154,7% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, doanh thu mảng bất động sản (BĐS) lại giảm 41,5% so với cùng kỳ, do trong kỳ chỉ bàn giao 15 căn hộ tại dự án Charm Villas so với mức cao của cùng kỳ năm trước (khi ghi nhận doanh thu từ Hado Centrosa). Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu của công ty tăng nhẹ 2,1% so với cùng kỳ lên 2.521 tỷ đồng và lợi nhuận ròng bứt phá 53,2% so với cùng kỳ lên 873 tỷ đồng, hoàn thành 70% dự phóng cả năm.
Về mảng năng lượng, Tập đoàn này đang có doanh thu vượt trội từ mảng năng lượng tái tạo thuộc top 4 công ty năng lượng có công suất lớn nhất tại thời điểm cuối năm 2022.
Dự báo lợi nhuận ròng giai đoạn 2023-2024 của công ty sẽ giảm dần từ mức cao của năm 2022. Dự kiến, doanh thu mảng năng lượng sẽ tăng 56,5% so với cùng kỳ trong năm 2022 trước khi giảm nhẹ 5,6% so với cùng kỳ ở năm tiếp theo.
Theo số liệu của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ghi nhận điều kiện thủy văn rất thuận lợi trong 9 tháng năm 2022. Nhờ vậy, sản lượng từ các nhà máy thủy điện của Hà Đô cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 149% so với cùng kỳ, lên 1.065 triệu kWh trong 9 tháng năm 2022, tương đương 84,2% kế hoạch cả năm.
VNDirect điều chỉnh tăng dự phóng sản lượng điện năm 2022- 2023 lên lần lượt 1.342/1.221 triệu kWh (+48,8%/-9,0% so với cùng kỳ), cao hơn 10,7%/5,3% so với dự báo trước đó.
Theo đó, VNDirect dự phóng doanh thu mảng năng lượng của Hà Đô năm 2022 là 13,1%, năm 2023 là 8,7% lên lần lượt là 1.997 và 1.886 tỷ đồng so với cùng kỳ phản ánh cả sản lượng và giá bán điện cao hơn. Doanh thu cao hơn cũng sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp năm 2022-2023 lên 74,2%/71,5%, cao hơn 2,9/2,2 điểm % so với dự phóng trước đó.
Ngoài ra, tình hình tài chính của Tập đoàn Hà Đô còn liên tục giảm tỷ lệ đòn bẩy giúp hạn chế bớt rủi ro từ lãi suất tăng kể từ thời điểm lợi nhuận ròng tăng trưởng mạnh từ 2018 và các khoản đầu tư lớn giảm dần từ cuối năm 2021.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2022, nợ vay của Hà Đô chủ yếu được tài trợ bởi các khoản vay lãi suất thả nổi. Công ty hiện chỉ có duy nhất khoản nợ vay 684 tỷ đồng bằng ngoại tệ (vay bằng Euro), chiếm 12% tổng nợ vay cuối quý 2/2022 do đó rủi ro tỷ giá là không đáng ngại.