Đại gia bất động sản thích săn đất vàng của doanh nghiệp cổ phần hoá
Các vướng mắc, chồng chéo trong hành lang pháp lý cùng với việc loay hoay sửa đổi văn bản pháp luật là một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.
Cổ phần hoá mới đạt 28% kế hoạch
- Tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hoá tại các doanh nghiệp Nhà nước và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” diễn ra vào ngày 24/11, trong tham luận trình bày, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã báo cáo về tình hình thực hiện cổ phần hoá trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2020 đã phê duyệt phương án cổ phần hoá cho 7 đơn vị. Luỹ kế giai đoạn 2016 đến tháng 9/2020 có 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hoá với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.537 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn Nhà nước là 207.145 tỷ đồng, bằng 109% tổng giá trị phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hoá cả giai đoạn 2011 - 2015.
Về thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm 2020 đã thoái được 899 tỷ đồng, thu về 1.845 tỷ đồng. Luỹ kế tổng số thoái vốn từ 2016 đến tháng 9/2020 là 25.699 tỷ đồng, thu về 127.917 tỷ đồng.
Với những kết quả đạt được, ông Long nhận định: "Tiến độ cổ phần hoá chậm so với kế hoạch đặt ra. Theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN, giai đoạn 2017 - 2020 phải hoàn thành cổ phần hoá 127 doanh nghiệp nhưng đến nay mới đạt được 28% kế hoạch".
Cũng tại Hội thảo, dẫn chứng câu chuyện về quá trình cổ phần hoá bị chậm tiến độ, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế chia sẻ: “Một kế hoạch 5 năm khá rõ ràng về quá trình cổ phần hoá đã được ra đời vào năm 2016. Khi đó, nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu kế hoạch này có hoàn thành được không? Cho đến nay, kế hoạch cổ phần hoá và kế hoạch thoái vốn đang rất chậm. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2020 và chúng ta đã không thể đạt được mục tiêu trong tiến độ cổ phần hoá khi kết quả đạt được khá thấp”.
Cổ phần hoá chậm vì tư tưởng không dám làm
Chỉ ra nguyên nhân dẫn tới chậm cổ phần hoá, thoái vốn, Phó Trưởng ban, Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhận định, nguyên nhân đầu tiên là do dịch Covid-19 và những vấn đề cạnh tranh thương mại toàn cầu giữa các nước lớn. Điều này dẫn tới thị trường trở nên khó hấp thụ sản phẩm. Về mặt nguyên tắc, nếu thị trường không hấp thụ thì cũng không nên cổ phần hoá vì giá thấp.
Theo ông Long, đối tượng cổ phần hoá, thoái vốn trong giai đoạn cuối bao gồm một số Tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn như Mobifone, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… Đây là những đơn vị có tình hình tài chính rất phức tạp. Đặc biệt, nhiều loại tài sản lại không nằm trong quy định nào nên khó định giá.
Mặt khác, cũng theo ông Long, nhiều quy định mới về cổ phần hoá thoái vốn được ban hành theo hướng công khai, minh bạch với yêu cầu tránh thất thoát ngân sách Nhà nước. Sự thay đổi này cũng khiến quá trình cổ phần hoá diễn ra chậm vì phải xác định giá trị tài sản đúng theo quy trình.
Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn mà Nhà nước giữ lại quá cao nên các nhà đầu tư không mặn mà mua. Bởi nếu tỷ lệ vốn của Nhà nước chiếm tới 60 - 65% thì nhà đầu tư không có vai trò quyết định đến điều hành doanh nghiệp.
“Đặc biệt, nhiều cơ quan Nhà nước còn tư tưởng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, biện dẫn các khó khăn để không thực hiện dẫn tới quá trình cổ phần hoá bị chậm”, ông Long chỉ rõ.
Đồng quan điểm đó, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh, nguyên nhân chính của việc chậm quá trình cổ phần hoá đến từ vướng mắc trong quá trình xây dựng cơ sở chính sách: “Trong kế hoạch cổ phần hoá, giai đoạn khởi đầu có thể chậm vì chúng ta cần tạo ra khuôn khổ pháp lý để làm sao đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu đặt ra. Nếu xây dựng chính sách tốt, chúng ta sẽ vận hành nhanh chóng. Nhưng giai đoạn 2018 - 2019, chúng ta vẫn loay hoay với một số văn bản cổ phần hoá. Năm 2019, chúng ta đã bắt đầu sửa đổi một số bất cập trong văn bản nhưng một năm trôi qua, đến nay vẫn chưa thấy văn bản sửa đổi ra đời".
Đại gia bất động sản nhắm đất vàng của doanh nghiệp cổ phần hoá
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng, trong cổ phần hoá, đất đai là một bài toán phức tạp và tồn đọng nhiều bất cập.
Theo ông Nguyễn Hồng Long, quy tắc xác định giá đất đang gặp nhiều bất cập, dẫn tới tình trạng lợi ích thu được từ tài nguyên đất thất thoát.
Còn theo TS. Vũ Đình Ánh, thực tế, rất nhiều trường hợp cổ phần hoá có mục tiêu nhắm vào giá trị của đất. “Một số doanh nghiệp cổ phần hoá đang sở hữu quỹ đất lớn, nằm rải rác tại các tỉnh như Bắc Ninh, Thái Nguyên. Sự sôi động của thị trường bất động sản đã bắt đầu lan từ TP.HCM, Hà Nội sang các địa phương khác, đẩy giá đất gia tăng. Vấn đề xác định giá đất và quyền sử dụng đất sẽ thay đổi lớn khi thị trường có nhiều biến động”, vị chuyên gia này nhận định.
"Bởi giá trị lớn của đất, đặc biệt là vị trí đất vàng, đất kim cương đã khiến một số đại gia bất động sản tiếp cận đất bằng con đường tham gia cổ phần hoá doanh nghiệp. Một đại gia bất động sản đã tiết lộ rằng, họ không hướng tới việc lựa chọn quỹ đất cần giải phóng mặt bằng vì tốn kém tiền và thời gian, mà chỉ tập trung đến đất của doanh nghiệp cổ phần hoá. Đó là một cách tiếp cận bất động sản rất thông minh. Mô hình này sẽ còn tiếp tục phổ biến tại các địa phương".
Chỉ ra những bất cập từ định giá đất, ông Ánh cho rằng, hiện tại chưa có cơ chế rõ ràng về việc xác định quỹ đất của doanh nghiệp như thế nào nên nảy sinh rất nhiều bất cập. Điển hình như, báo cáo Kiểm toán Nhà nước sau cổ phần hoá phát hiện nhiều trường hợp quỹ đất không thông qua đấu giá. Và nguyên nhân của việc thất thoát lợi ích từ đất đai đến từ chính sự buông lỏng quản lý, dẫn tới không đấu giá đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Ánh, một vướng mắc khác liên quan đến phương pháp định giá đất kéo dài 20 năm nhưng chưa có kết quả đến từ sự chồng chéo của pháp luật. Những bất cập của Luật Đất đai đang tạo ra điểm nghẽn liên quan đến các bộ luật khác.
Kiến nghị về giải pháp, vị chuyên gia này đưa ra 2 vấn đề: “Điểm thứ nhất, chúng ta phải sớm ban hành sửa đổi một số văn bản về cổ phần hoá và tuyệt đối không bổ sung để tránh sự chồng chéo, thiếu rõ ràng hay những tranh luận kéo dài không dứt. Thứ hai, cần tăng cường công cụ kiểm toán Nhà nước. Nếu như làm tốt quá trình quản lý đất đai, chúng ta sẽ chống được thất thoát lên tới hàng nghìn tỷ đồng từ giá trị đất"./.