Doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ vì đất vàng

Sáng 24/11, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức hội thảo về lĩnh vực cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, chúng ta đã thoái được 899 tỷ đồng, thu về 1.845 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ vì đất vàng - Ảnh 1
Đất vàng Hãng phim truyện Việt Nam bị thâu tóm. Ảnh: Reatimes

GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đánh giá, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn nhà nước triển khai còn chậm, quá trình cổ phần hóa còn có nhiều vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

“Kết quả kiểm toán tại các doanh nghiệp nhà nước cho thấy việc xử lý các vấn đề tài chính trước khi cổ phần hóa và định giá doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, nhất là việc lựa chọn phương pháp định giá, xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán...”, GS.TS Đoàn Xuân Tiên cho hay.

Đại diện Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) cũng nêu lên thực tế khiến việc thoái vốn, cổ phần hoá còn chậm chạp. Đó là tại Việt Nam, việc xác định giá trị tài sản còn có trường hợp không chính xác, có sai sót trong việc xác định giá trị thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, hàng tồn kho,... dẫn đến xác định sai lệch giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá.

Nêu quan điểm tại hội thảo, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, cho rằng, tình trạng cổ phần hóa chậm trễ một phần lớn là do thủ tục xác định giá trị đất đai mất nhiều thời gian. Quá trình cổ phần hóa DNNN đã cho thấy nhiều sai phạm trong xử lý đất đai, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Trong nhiều trường hợp, đất đai là “miếng mồi ngon” để nhà đầu tư tích cực tham gia quá trình cổ phần hóa. Các đại gia bất động sản thường nhắm vào các doanh nghiệp cổ phần hoá có nhiều đất, các doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ vì đất, trong đó có những mảnh thuộc đất vàng, đất kim cương.

Một khó khăn khác, theo ông Ánh, lãnh đạo doanh nghiệp cổ phần hóa không muốn báo cáo một cách đầy đủ, rõ ràng về quỹ đất họ đang có, vì đó là lợi ích của họ. Ngay cả chính quyền địa phương cũng không nắm được doanh nghiệp đó nắm giữ bao nhiêu khu đất. “Những vụ việc vừa qua ở TP. HCM, tất cả đều gắn với đất đai, thậm chí có một cựu Thứ trưởng đã bỏ trốn chỉ vì một mảnh đất”, ông Ánh nói.

Từ nhiều sai phạm gây thất thoát tài sản nhà nước, theo ông Ánh, vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc chống nguy cơ thất thoát đất công trong và sau quá trình cổ phần hoá DNNH là rất quan trọng.

Có cùng nhận định, TS. Nguyễn Minh Phong còn chỉ ra nhiều kẽ hở trong tiến trình cổ phần hóa. Trong đó, chủ doanh nghiệp thường giấu nhẹm quỹ đất của mình, có trường hợp còn “biếu không” cho quan chức vì mục đích đối ngoại.

Kem Tràng Tiền, chợ Đồng Xuân, hay hãng phim truyện Việt Nam… là những trường hợp cổ phần hóa điển hình liên quan đến đất đai.

"Không ít trường hợp biến cổ phần hóa thành tư nhân ngầm, dùng quyền lực tạo áp lực thu gom", ông Phong nhận định.

Ông Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng kiểm toán Nhà nước thừa nhận, kết quả kiểm toán cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, làm ảnh hưởng đến giá trị phần vốn của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, hàng tồn kho, các dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán, chi phí trả trước dài hạn, giá trị các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất...

"Từ những lý do đó, chúng tôi đã có nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả đối với công tác cơ cấu, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước", ông Tiên cho hay.

An An (Tổng hợp)

Theo Báo Đất Việt