Đại gia tàu biển mắc cạn, loạt ngân hàng siết nợ
Loạt tàu chở hàng của các doanh nghiệp vận tải biển đang bị ngân hàng rao bán với giá rẻ.
Ngân hàng ồ ạt siết nợ công ty vận tải biển
Hàng loạt ngân hàng đang chìm ngập trong đống nợ xấu từ các khoản cho doanh nghiệp vận tải biển. Một số nhà băng đã rao bán nhiều lần kèm đại hạ giá nhưng vẫn chưa thành công.
Mới đây, ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Hải Phòng vừa thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco).
Cụ thể, dư nợ tính đến ngày 30/11 là khoảng 26,5 triệu USD, tương đương hơn 617 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm của khoản nợ là 3 tàu biển bao gồm Tàu biển Đại Minh, Tàu biển Đại Nam, Tàu biển Fortune Frighter.
Giá khởi điểm của khoản nợ này là 100% dư nợ gốc vào khoảng 22,7 triệu USD, tương đương hơn 528 tỷ đồng. Mức giá này chưa bao gồm các loại thuế, phí, lệ phí. Số tiền đặt trước là 100 tỷ đồng, bước giá 500 triệu đồng.
Hay tại BIDV, tháng 11 vừa qua, BIDV chi nhánh Long Biên thông báo bán đấu giá tàu chở hàng Ocean Queen của Công ty Vận tải biển Hoa Ngọc Lan với giá khởi điểm gần 168 tỷ đồng.
Hồi tháng 9, ngân hàng cũng tổ chức bán đấu lần thứ 8 giá tàu chở hàng này với giá khởi điểm gần 194 tỷ đồng nhưng bất thành. Như vậy, trong năm nay, giá chào bán con tàu này đã được BIDV giảm tổng cộng 133 tỷ đồng, tương 44%. Trước đó, vào cuối năm 2019, BIDV từng thông báo bán đấu giá tàu Ocean Queen với giá khởi điểm gần 301 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông (Vận tải Biển Đông) cũng đang bị BIDV siết nợ.
Cụ thể, BIDV đang chào bán lần thứ 11 khoản nợ của Vận tải Biển Đông với giá khởi điểm cho khoản nợ này là hơn 83 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm của khoản nợ là tàu Biển Đông Victory.
Mới đây nhất, CTCP Vận tải Dầu khí Mekong(Mekongtrans) bị BIDV siết nợ. Tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Dầu khí Mekong là tàu chở xăng dầu và hóa chất Mekongtrans 02. Tàu được đóng năm 2008, xuất xứ Trung Quốc với chiều dài tổng thể 111,3 m và chiều rộng tối đa 16,8 m, trọng tải toàn phần 5.433,05 DWT.
Giá khởi điểm cho khoản nợ này được tính bằng tổng nợ gốc cộng lãi vay, phí phạt (nếu có) tính đến thời điểm kí kết hợp đồng dịch vụ đấu giá khoản nợ. Trong đó, tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 31/10/2020 là 114,47 tỷ đồng.
Vừa qua, ngân hàng ACB cũng đã khởi kiện Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart - mã: VST) về 3 khoản nợ quá hạn thanh toán lên tới 435 tỷ đồng quy đổi tại thời điểm ngày 30/6/2020.
Theo đó, báo cáo tài chính của Vitranschart cho thấy dư nợ vay 773 tỷ đồng đã quá hạn thanh toán, phần lớn của Ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Tuy nhiên, công ty chưa có phương án hiệu quả để khắc phục khả năng thanh toán cũng như tìm kiếm được nguồn tiền để thanh toán cho các khoản vay đến hạn trong vòng 12 tháng tới trong điều kiện hoạt động bình thường.
Vẫn nặng nề gánh nợ tàu biển
Thực tế, gánh nặng nợ ngân hàng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn còn rất lớn.
Tính đến hết quý 3/2020, vay nợ ngắn hạn của Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) tại các ngân hàng như MSB, VPBank, ACB tổng cộng hơn 200 tỷ đồng. Vay nợ dài hạn của VST còn 218 tỷ đồng.
Với Hàng hải Đông Đô (DDM), tại thời điểm cuối tháng 9/2020, tổng nợ phải trả là 1.420 tỷ đồng. Vay nợ tài chính ngắn và dài hạn chiếm 44% tổng nợ phải trả, ở mức hơn 626 tỷ đồng.
Một chủ nợ lớn của Công ty là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) với khoản cho vay 275 tỷ đồng. Đây là các khoản vay bằng đồng USD với thời gian 10 năm và được thế chấp bằng các tàu Đông Phong, Đông An và Đông Thanh của Hàng hải Đông Đô.
Ngoài Agribank, có thể kể đến Ngân hàng TNHH Indovina (Indovinabank) là chủ nợ lớn thứ hai của Hàng hải Đông Đô với khoản tín dụng hơn 215 tỷ đồng.
Liên quan đến các khoản nợ, Hàng Hải Đông Đô đã phải bàn giao tàu Đông Đô cho Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) do không thanh toán được khoản nợ vay mua tàu.
Tính đến hết tháng 9, tổng tài sản của CTCP vận tải biển Việt Nam (Vosco) đạt 2.980 tỷ đồng, giảm 125 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Nợ phải trả của doanh nghiệp là 2.424 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là 1.433 tỷ đồng, giảm 16 tỷ đồng so với con số đầu năm. Khoản nợ đi vay này đều là từ ngân hàng và gấp 2,58 lần vốn chủ sở hữu.
Hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển đang ôm một đống nợ ngân hàng, thiếu vốn lưu động, có nhiều tàu cũ. Tình cảnh sống dở chết dở của một số doanh nghiệp đang khiến không ít các ngân hàng chơi vơi, chìm ngập trong đống nợ xấu.
Chang Chang (t/h)