Đại gia thâu tóm khách sạn, chủ 'Vịt Vân Đình' chơi ngông
Tập đoàn BRG đã mua lại cổ phần ở Thắng Lợi, mẹ chồng Hà Tăng có thêm quyền lực mới, công ty Cường đô la nợ lên đến 4.400 tỷ đồng.
Đại gia ngân hàng "thâu tóm" khách sạn Thắng Lợi
Thông tin ban đầu cho thấy, tập đoàn này đã mua 30% lượng cổ phần sau khi khách sạn Thắng Lợi tiến hành cổ phần hóa cách đây mấy tháng. Nhà nước hiện chỉ nắm giữ 20% lượng cổ phần của khách sạn này, số còn lại bán cho cán bộ công nhân viên khách sạn và cổ đông bên ngoài.
Hiện nhân sự của tập đoàn BRG đã vào nắm giữ một số vị trí chủ chốt của khách sạn Thắng Lợi.
Khách sạn Thắng Lợi nhìn ra Hồ Tây - một vị trí đắc địa của Thủ đô |
Đây là một tập đoàn nổi tiếng với sân golf, bất động sản và tài chính - ngân hàng. Chủ nhân của nó là bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Seabank - người rất nổi tiếng và từng ghi dấu với việc thâu tóm nhiều DN và khách sạn lớn ở Hà Nội.
Có tin cho rằng, năm tới, khách sạn Thắng Lợi hiện nay sẽ bị đập đi, xây mới một khách sạn 5 sao.
Khách sạn Thắng Lợi là một khách sạn có phong cảnh đẹp bậc nhất Hà Nội khi chiếm trọn một góc Hồ Tây - đúng ở vị trí mà người dân thường quan niệm là mắt “con rồng” rộng 4,5 ha. Khách sạn Thắng Lợi được Cu Ba xây tặng Việt Nam từ năm 1973 và được khánh thành vào 1975.
Mẹ chồng Tăng Thanh Hà lại có thêm quyền lực mới
Trong khi đó, mẹ chồng Tăng Thanh Hà - bà Lê Hồng Thủy Tiên là một trong 5 thàng viên Hội đồng quản trị Công ty Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco), vừa được bầu tại Đại hội cổ đông thành lập công ty sáng 15/12.
Các thành viên còn lại là bà Đoàn Thị Mai Hương, ông Phan Vũ Tuấn, ông Đặng Tuấn Tú, ông Phan Lê Hoan.
Có số phiếu cao nhất, bà Hương sẽ giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, các cá nhân còn lại trong đó có phu nhân của ôngJohnathan Hạnh Nguyễn sẽ giữ vai trò thành viên.
Mẹ chồng Tăng Thanh Hà thêm quyền lực mới |
Bà Thủy Tiên là một trong những cổ đông chiến lược nắm giữ cổ phần khá lớn tại Sasco.
Mới đây, trong quá trình tìm kiếm đối tác của doanh nghiệp này, 3 công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn được Bộ GTVT chọn và đã chi tối thiểu 310,3 tỷ đồng để sở hữu 23,6% cổ phần Sasco.
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, Sasco đang nắm giữ gần 50% thị phần. Ngoài ra, 2 chi nhánh tại Hà Nội và Phú Quốc tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, dự kiến sẽ góp khoảng 15% tổng thu từ 2016.
Tính đến 31/12/2013, giá trị xác định phần vốn Nhà nước của doanh nghiệp đạt 1.313 tỷ đồng.
Nợ 4.400 tỷ đồng: Ai là chủ nợ lớn nhất của công ty nhà Cường Đôla?
Ở một diễn biến liên quan khác, cô em gái Huyền My của doanh nhân Nguyễn Quốc Cường được đặt nhiều sự quan tâm khi chỉ nắm giữ hơn 2% cổ phần của QCG nhưng lại có ảnh hưởng lớn trong dòng tiền của tập đoàn.
Khác với người anh ruột, Huyền My không hề đảm nhiệm vị trí lãnh đạo trong tập đoàn của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Như Loan nhưng vẫn là chủ nhân của khoản nợ gần 400 tỷ đồng.
Cô là cổ đông có giao dịch tạm ứng lớn nhất với QCG, vượt qua cả Chủ tịch Như Loan, chiếm gần 37% tổng giá trị khoản phải trả ngắn hạn của công ty với các bên liên quan tính đến hết tháng 9/2014.
Ái nữ của chủ tịch Như Loan khá kín tiếng trong đời tư thường xuyên xuất hiện trong các nghiệp vụ liên quan tới “dòng tiền” của Quốc Cường Gia Lai.
Công ty Quốc Cường Gia Lai đang đứng trước khoản nợ 4.400 tỷ đồng |
“Dòng tiền” này có phần lòng vòng, quanh co với những con số đáng ngưỡng mộ so với tài sản của cô gái đang chưa đầy 30 tuổi.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính năm 2013 của Quốc Cường Gia Lai, tính tới ngày 31/12/2013, Nguyễn Ngọc Huyền My nhận tạm ứng 98,3 tỷ đồng và trả tạm ứng 71,7 tỷ đồng.
Tổng nợ của QCG đến thời điểm 30/9/2014 lên đến 4.414 tỷ đồng, trong đó có 2.229 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 2.185 tỷ đồng nợ dài hạn.
Trong đó có những món vay lớn nhất phải kể đến như Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan 305 tỷ đồng, hay con gái Nguyễn Ngọc Huyền My 390 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có khoản phải trả bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt- cô ruột của Cường Đôla lên đến 55,5, tỷ đồng.
Đại gia vịt Vân Đình chơi iPhone 6 đúc vàng nửa tỷ
Tuần qua, dư luận cũng vô cùng choáng, với độ chịu chơi của ông chủ vịt Vân Đình, khi sở hữu chiếc iPhone mạ vàng thì cả ở Việt Nam và trên thế giới đã có nhiều mẫu, nhưng iPhone 6 được đúc vỏ bằng vàng nguyên khối và đính kim cương thì có lẽ bây giờ mới xuất hiện chiếc đầu tiên.
“Tổng trọng lượng vàng của bộ vỏ iPhone 6 này hết hơn 4 cây vàng và hơn 1.000 viên kim cương để đính xung quanh viền máy. Do vàng 24K khá là mềm, nên đội ngũ chế tác của Karalux đã phải sử dụng vàng 18K cho bộ vỏ này”, vị đại diện hãng chuyên độ vàng Karalux Việt Nam bật mí.
Vị này cũng cho biết thêm, đây không chỉ là chiếc iPhone 6 đầu tiên ở Việt Nam được đúc vỏ bằng vàng nguyên khối, mà ngay cả trên thế giới có lẽ đây cũng là chiếc đầu tiên.
Chiếc điện thoại iPhone 6 trị giá nửa tỷ đồng đầu tiên |
Để hoàn thiện phiên bản đặc biệt này, đội ngũ chế tác đã phải làm việc liên tục 15 ngày, từ khâu thiết kế, tạo sáp cho tất cả các chi tiết. từ khaysim, nút gạt rung, nút chỉnh âm lượng, nút nguồn đều phải chính xác tuyệt đối.
Khâu khó nhất chính là vỏ ngoài của chiếc iPhone, thời gian để chế tác chiếc vỏ vàng nguyên khối mất 15 ngày làm việc liên tục. Công đoạn tiếp theo là đúc vàng, làm sạch bề mặt và đính kim cương.
“Hiện chúng tôi dự kiến chỉ sản xuất 10 chiếc trên toàn thế giới, giá bán mỗi chiếc là 25.000 USD, khoảng hơn 500 triệu đồng. Chiếc đầu tiên thuộc về một ông chủ hệ thống nhà hàng kinh doanh Vịt cỏ Vân Đình”, đại diện hãng Karalux tiết lộ.
Đại gia thủy sản lừa đảo trốn đi Mỹ, 27 người bị truy tố
Liên quan đến kiện cáo, ngày 19/12, VKSND Tối cao đã ra cáo trạng truy tố 27 người trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam (Thủy sản Phương Nam tại Sóc Trăng).
Trong đó, nguyên kế toán Thủy sản Phương Nam là Lâm Minh Mẫn và phó giám đốc Trịnh Thị Hồng Phượng (cùng 34 tuổi) bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Biệt thự gia đình ông Khuân được cho là lớn nhất Sóc Trăng đang được một doanh nghiệp thuê mở nhà hàng, khách sạn. |
25 người nguyên là cán bộ của 5 ngân hàng có chi nhánh tại Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang cùng bị cáo buộc Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cho đến thời điểm này Phương Nam không có tài sản bảo đảm để hoàn trả vốn vay cho 5 ngân hàng với số tiền gần 785 tỷ đồng. Số tiền này đã được Chủ tịch HĐQT Lâm Ngọc Khuân, 3 cổ đông còn lại là bà Trần Thị Mỹ - vợ ông này và con gái Lâm Ngọc Hân cùng cháu trai Quỳnh Phúc Quế, chiếm đoạt rồi bỏ trốn.
Do cha con cầm đầu vụ lừa đảo đã bỏ trốn, cơ quan điều tra truy nã đối với ông Khuân và con gái, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Theo Báo Đất Việt