Đại gia tìm tới cửa Phật: Khi chưa buông hết việc đời...

Giáo lý nhà Phật có thể ứng dụng vào cuộc sống, công việc kinh doanh để đời sống, công việc tốt đẹp hơn.

Những ngày qua, thông tin ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, chia sẻ sẽ xuất gia, sống cuộc đời phạm hạnh của người tu hành sau năm 2026 thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trước đó, vào giữa tháng 7/2020, ông Lê Phước Vũ đã quy y Tam bảo. Dù ở trên núi, mỗi tháng về một lần nhưng ông khẳng định vẫn phối hợp, điều hành công việc nhịp nhàng, tự tay tay ông quyết định các hợp đồng mua nguyên vật liệu.

Trao đổi với Đất Việt, một vị hòa thượng cho biết, chuyện phật tử vừa tu tập vừa điều hành công việc xã hội là điều hết sức bình thường. Ông Lê Phước Vũ quy y Tam bảo không có nghĩa là xuất gia tu hành, mà đó được xem như điểm khởi đầu của phật tử đi theo giáo lý đạo Phật. Nói nôm na, quy y Tam bảo là trở về nương tựa vào ba ngôi báu của đạo Phật (Phật, Pháp, Tăng), sống theo gương của Phật, y giáo pháp luyện rèn luyện tâm tính và vâng lời nhắc nhở chư tăng.

Đại gia tìm tới cửa Phật: Khi chưa buông hết việc đời... - Ảnh 1
Ông Lê Phước Vũ trong lễ quy y Tam bảo. Ảnh: Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

"Ông Vũ vẫn đang giữ trọng trách điều hành công ty, vẫn còn duyên ở đời nên phải lo. Hiện tại chưa xuất gia được thì ông có thể nhập thất trên núi, hoặc ở am cốc, nhưng vừa nhập thất vừa lo công việc cũng không vấn đề gì", vị hòa thượng nói và khẳng định, một người doanh nhân là phật tử, có tâm thiện thì lúc làm việc sẽ giúp đỡ được nhiều người. Họ biết ứng dụng giáo lý nhà Phật vào công việc, cuộc sống hàng ngày để cuộc sống, công việc trở nên tốt đẹp hơn.

"Quan trọng là đừng lợi dụng Phật pháp để buôn thần bán thánh, kinh doanh kiếm lợi cho riêng mình", vị hòa thượng nhận xét.  

Nói thêm về chuyện này, vị hòa thượng nhắc đến ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intracom. Ông Việt vừa là người làm kinh doanh, vừa là một phật tử. Khi mẹ bị bệnh nặng phải vào viện, tận mắt chứng kiến cảnh người bệnh nằm ngoài hành lang chờ khám bệnh, ông đã phát nguyện xây dựng Bệnh viện Đa khoa Phương Đông để cứu người.

"Những con người như thế tiền tài không thiếu, lại có đức, giúp đỡ được bao người", vị hòa thượng nhấn mạnh.

Trong một lần chia sẻ với báo chí, chính ông Việt khẳng định, đạo Phật đóng góp tới 99% thành công và đã thay đổi cuộc đời ông, mọi người làm chính trị, kinh doanh, vị trí nào trong xã hội đều có thể ứng dụng đạo Phật dù người đó là người dọn vệ sinh cho đến những người làm việc mà xã hội coi là vất vả nhất, khó khăn nhất, nếu biết đến rất có lợi ích.

Bởi vậy, trở lại với câu chuyện tu tập của ông Lê Phước Vũ, vị hòa thượng nói rằng, chừng nào ông sắp xếp xong xuôi, không phải lo việc đời nữa thì sẽ buông hẳn để tu hành giải thoát.

Theo chia sẻ của ông Lê Phước Vũ trong một bài báo, hồi nhỏ, ông thường xuyên lên chùa nhưng khi đó ông chưa có đức tin. Sau nhiền biến cố của cuộc sống, ông đã bước vào con đường Phật Pháp.

Ông khởi tâm đi tìm bản chất thật của đời sống hiện tại, cũng như bản chất của những cảnh giới khác tương tác vào đời sống con người.

Sau một thời gian khá dài tìm hiểu Phật pháp ông đã có một cái nhìn tỏa ngộ từ các trạng thái tâm thức và sự chuyển hóa tâm thức. Biến chuyển lớn nhất từ khi theo đạo Phật, của ông Vũ chính là sự thay đổi hoàn toàn về lối sống tâm linh, về nhận thức, suy nghĩ và cách hành động như thế nào cho phù hợp.

Để kiềm chế tâm mình, bớt dục vọng, bớt dần những ý niệm không tốt trong tâm, phần khác cũng là thanh lọc cơ thể, ông Vũ thường xuyên ăn chay. Theo ông Vũ, đây là cách để thể hiện lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.

Cách đây mấy năm, khi được hỏi về sự khác biệt giữa một doanh nhân bình thường và một doanh nhân là phật tử, ông Vũ cho biết: “Phật tử là một doanh nhân. Phải hiểu rằng tất cả những của cải chúng ta tạo ra đều từ phước báu đã gieo trồng nhiều đời trước.

Phước báu này do nhân quả đời trước chúng ta biết bố thí, cúng dường, đời ny chúng ta thành công, thuận lợi trong mọi việc làm ăn, ít gặp chướng ngại. Quan trọng nhất khi doanh nhân là phật tử và ngược lại là làm sao giữ được phương pháp hành trì Bát chánh đạo. Tin chắc nhân quả, nghiệp báo, luân hồi và thấy mình vì mọi người nhiều hơn để mọi người vì mình”.

Trong phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn Hoa Sen hôm 21/1, ông Lê Phước Vũ tuyên bố sẽ rút khỏi công ty vào năm 2026, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập. Ông trấn an nhà đầu tư rằng vẫn sâu sát, phối hợp nhịp nhàng với ban điều hành trong giai đoạn tới và lựa chọn người kế nhiệm.

"Chắc chắn sau đó tôi sẽ xuất gia, sống cuộc đời phạm hạnh (trong sạch, thanh tịnh) của một người tu hành. Tôi sẽ ra đi khi tròn trách nhiệm, chứ không phải ra đi để gom một mớ tiền", ông Vũ nói và nhấn mạnh đây là ước mong từ năm 30 tuổi và không gì có thể lay chuyển. Ông đã mua đất từ năm 1996 và xây chùa ở Thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) để chuẩn bị cho kế hoạch này.

Ông Vũ cho biết, từ lâu đã không còn mưu cầu vật chất, bởi người xuất gia sau này cũng không được sở hữu tài sản. Giá trị sống của ông là tâm linh, tinh thần, còn vật chất chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích. Ông khẳng định đến một thời điểm thích hợp sẽ bán toàn bộ cổ phần đang sở hữu cho những nhà đầu tư có cam kết phát triển Hoa Sen.

 

Thành Luân

Theo Báo Đất Việt