Đại gia Việt bí ẩn: Bất ngờ tung 'bom' ngàn tỷ, rồi âm thầm 'lặn' sâu
Hàng loạt thương vụ ngàn tỷ bất ngờ diễn ra cùng với những cái tên đại gia lộ diện trở thành tỷ phú, nhưng cũng có những người nhanh chóng biến mất, không để lại dấu vết trên thị trường.
Dồn dập lộ ngàn tỷ
Ngay sau khi VPBank công bố kế hoạch tăng vốn gần gấp đôi lên gần 28 ngàn tỷ đồng, hôm 28/3, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo về việc thương vụ bí ẩn 6.500 tỷ đồng, chuyển nhượng cổ phiếu VPBank, từ 2 doanh nghiệp sang 4 nhà đầu tư cá nhân.
Thương vụ này gây nhiều bất ngờ, từ 4 cái tên nữ đại gia xa lạ chi 6,5 ngàn tỷ đồng gom gần trăm triệu cổ phiếu VPBank đến sự xuất hiện rồi biến mất nhanh chóng của hai doanh nghiệp bán cổ phiếu: Công ty TNHH Đầu tư Quang Đăng và Công ty TNHH Đầu tư Lưu Khuyên. Cả 2 doanh nghiệp này đều thành lập tháng 7/2017 và có cùng địa chỉ, trước khi giải thể hồi đầu tháng 2/2018.
Trước đó, năm 2017, hàng loạt vụ mua bán, chuyển nhượng khủng cũng đã diễn ra tại ngân hàng này. Trong đợt phát hành riêng lẻ hồi tháng 9/2017, 3 cá nhân Lê Việt Anh, Nguyễn Phương Hoa và Trần Ngọc Lan đã rót hơn 6.400 tỷ mua gần 165 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ của VPBank, với giá 39.000 đồng/cp.
Cùng với các cổ phiếu nắm giữ từ trước, nhóm nhà đầu tư này đang nắm giữ mỗi người từ 4,2-4,5% cổ phần VPBank, tổng cộng hơn 180 triệu cổ phiếu (hiện có giá trị khoảng 540 triệu USD) và chỉ xếp sau vợ đại gia Ngô Chí Dũng, ông Bùi Hải Quân và Lô Bằng Giang.
Những thương vụ mua bán chuyển nhượng cổ phiếu trị giá vài trăm cho tới cả ngàn tỷ cũng diễn ra sôi động ở các doanh nghiệp khác.
Tại CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HHC), hoạt động mua bán cổ phần rất lạ. Giữa năm 2017, một loạt cổ đông lạ đã bán hết hơn 50% cổ phần gom trước đó thu về khoản lãi cả triệu USD.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Trang, bà Lê Bích Thục và ông Nguyễn Văn Bắc bán bán ra tổng cộng hơn 8,3 triệu cổ phần HHC. 3 cá nhân này đã đứng ra mua lại số cổ phần từ bà Nguyễn Thị Duyên hồi tháng 4, chỉ khoảng 1 tháng sau khi bà Duyên bỏ hơn 400 tỷ mua số cổ phần gần tương đương với số cổ phần Vinataba bán ra trong cùng khoảng thời gian bà Duyên mua.
Nữ đại gia Nguyễn Thị Duyên chỉ xuất hiện trên TTCK trong khoảng thời gian rất ngắn, tầm 1 tháng; điều bất ngờ là bà mua vào và bán ra lỗ gần 40 tỷ đồng.
Như vậy, sau 2 lần qua trung gian, số cổ phần HHC mua từ Vinataba có thể đã về tay cổ đông chính thức. Tuy nhiên, đại gia này vẫn vẫn chưa lộ diện.
Ông Vũ Hải, một NĐT mua 9 triệu cổ phiếu HHC của Bánh kẹo Hải Hà từ tháng 3/2017 khi Tổng công ty thuốc lá Việt Nam thoái vốn, gần đây cũng đã thoái vốn thu lãi trên 50 tỷ đồng sau gần 1 năm sở hữu.
Đại gia Việt kín tiếng: Tiền nhiều, ẩn kỹ
Tính tới cuối 2017, hầu hết các thành viên HĐQT và ban lãnh đạo của HHC đều không nắm giữ hoặc nắm giữ rất ít cổ phần HHC.
Cho đến nay, nhóm cổ đông lớn nhất thâu tóm HHC vẫn chưa công khai lộ diện. Có lẽ bởi các bên chưa tìm được tiếng nói chung khi năm 2017, HHC 3 lần tổ chức đại hội cổ đông đều bất thành. DN vẫn chưa bầu được chủ tịch HĐQT sau khi ông Bùi Minh Đức nghỉ hưu từ đầu 7/2017. Theo quy định, nhóm cổ đông mới nắm giữ hơn 50% cần tối thiểu 6 tháng để có thể ứng cử vào vị trí chủ tịch.
Kế hoạch di dời nhà máy tại Hà Nội sang Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh cùng dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 25 Trương Định - Hà Nội cũng được cho là yếu tố tác động tới cuộc nội chiến trong DN.
Tại CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG), giới đầu tư cũng biết tới 2 nữ đại gia bí ẩn, không nắm giữ chức vụ nào tại QCG nhưng lại cho DN này vay vốn không tài sản đảm bảo hoặc góp vốn những khoản tiền rất lớn, hàng trăm tỷ đồng. Giới đầu tư chỉ nghe tên của các nữ đại gia này qua những lần mua bán hàng triệu cổ phiếu có biến động giá rất mạnh và thường xuyên báo cáo muộn.
Tại Sabeco, báo cáo sau kiểm toán cho thấy, một nhóm đại gia bí ẩn thâu tóm lô đất vàng rộng hàng ngàn mét vuông tại Quận 1, TP.HCM mà Sabeco được giao không qua đấu thầu. Đại gia bí ẩn này chưa được xác định nhưng có địa chỉ kinh doanh liên quan tới tập đoàn Vạn Thịnh Phát của nữ đại gia Trương Mỹ Lan.
Gần đây, giới đầu tư cũng chứng kiến ông Nguyễn Hiếu Liêm, một cổ đông cá nhân chi 480 tỷ đồng mua cổ phần Novaland từ EVNFinance, hay ông chủ 0 đồng đứng sau thương vụ Bộ Công Thương thoái vốn ngàn tỷ chấn động tại Gelex.
Vụ tranh chấp Coteccons và Vịnh Nha Trang cũng làm lộ diện thêm khối BĐS đồ sộ của nhóm nhà đầu tư từng kinh doanh ở Đông Âu. Hay đại gia bí ẩn đứng sau dự án thủy lợi 3.600 tỷ tại Hà Nội đổi 45ha đất vàng hay nữ đại gia Trương Thị Mỹ Lan thâu tóm hàng ngàn hecta đất,...
Một loạt vợ sếp lớn ngân hàng gần đây cũng mạnh tay bỏ hàng trăm tỷ đồng gom cổ phiếu ngân hàng như tại VPBank. Vợ quan chức cũng làm sếp lớn tại doanh nghiệp bất động sản xây dựng Cienco 4...
Vài năm gần đây, dòng tiền ngầm của các đại gia kín tiếng, giấu mặt cuồn cuộn chảy vào các định chế lớn. Đây có lẽ là cơ hội lịch sử giúp các đại gia Việt trở nên siêu giàu và thế lực hơn nữa trong một nền kinh tế mới nổi.
Theo V. Hà
VietNamNet
Link nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/don-dap-lo-ngan-ty-dai-gia-viet-giau-bi-an-440669.html