'Đắm đuối' với bất động sản, gã khổng lồ tài chính Trung Quốc đứng trước nguy cơ vỡ nợ
Zhongzhi Enterprise Group, một công ty quản lý tài sản hàng đầu của Trung Quốc, cho biết đang mất khả năng thanh toán với khoản nợ lên tới 64 tỷ USD, làm dấy lên lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ tài sản của nước này đang tràn sang lĩnh vực tài chính.
Zhongzhi Enterprise Group, công ty có mối quan hệ mật thiết với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, cho biết họ có tổng nợ từ khoảng 420-460 tỷ NDT (58-64 tỷ USD), theo bức thư xin lỗi được gửi cho các cổ đông chiều 22/11.
Zhongzhi cho biết tình trạng xảy ra do tài sản của tập đoàn tập trung vào các khoản đầu tư nợ và vốn cổ phần có thời hạn dài, khó có khả năng thanh lý, khó thu hồi, số tiền thu hồi dự kiến thấp, thanh khoản cạn kiệt và tài sản bị suy giảm nghiêm trọng.
"Các cuộc kiểm tra ban đầu cho thấy tập đoàn đang mất khả năng thanh toán nghiêm trọng và có những rủi ro hoạt động đáng kể. Nguồn lực sẵn có để trả nợ trong ngắn hạn thấp hơn nhiều so với quy mô nợ chung của tập đoàn", trích bức thư được công bố.
"Tập đoàn Zhongzhi xin lỗi sâu sắc về những tổn thất đã gây ra cho các nhà đầu tư. Chúng tôi hoàn toàn hiểu được tính cấp bách, tầm quan trọng và mức độ nghiêm trọng của việc giải quyết rủi ro tổng thể này", công ty cho biết.
Tại Trung Quốc, Zhongzhi được coi là công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng "ngầm", có quy mô hoạt động gắn liền với lĩnh vực bất động sản đang "lao đao". Do đó, việc Zhongzhi gặp khó khăn là có thể đoán trước, nhưng phải tới tháng 7 vừa qua, những dấu hiệu rắc rối đầu tiên của tập đoàn mới dần lộ ra.
Ngân hàng ngầm (shadow banking) là một thuật ngữ được đưa ra ở Mỹ vào năm 2007 để chỉ các dịch vụ tài chính được cung cấp ngoài hệ thống ngân hàng chính thức. Khác với hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính dạng ngân hàng ngầm có thể cho vay tiền dễ dàng hơn và ít bị quản lý hơn, nhưng các khoản vay đó không được đảm bảo như các khoản vay của ngân hàng truyền thống.
Lĩnh vực ngân hàng ngầm tại Trung Quốc đặc biệt phát triển do hệ thống ngân hàng thương mại đa phần là quốc doanh, do đó các công ty nước ngoài gặp nhiều khó khăn để tiếp cận nguồn vốn. Lĩnh vực này gắn liền với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, do nhiều nhà phát triển có nhu cầu vay vốn mua đất và thực hiện dự án. Các công ty quản lý tài chính liên kết với ngân hàng ngầm, như Zhongzhi, là hệ thống cung cấp các sản phẩm tài chính cho các công ty bất động sản.
Trong vài năm gần đây, khi "bong bóng" bất động sản Trung Quốc có dấu hiệu tan vỡ, chính quyền nước này đã tăng cường giám sát lĩnh vực ngân hàng ngầm trị giá khoảng 3.000 tỷ USD.
Zhongzhi đã bán cổ phần tại một số công ty niêm yết mà họ kiểm soát trong vài năm qua và giảm quy mô kinh doanh sau khi chịu áp lực từ chính quyền Bắc Kinh đối với hoạt động ngân hàng ngầm và suy thoái thị trường bất động sản.
Thời điểm tháng 7, Zhongrong International Trust Co, một công ty ủy thác hàng đầu do Zhongzhi kiểm soát, đã không thanh toán hàng chục sản phẩm đầu tư.
Ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ANZ, cho biết tài sản cơ bản của quỹ tín thác Zhongrong phần lớn liên quan đến tài sản, có rủi ro vỡ nợ cao.
"Công ty không thể lấy lại được tiền trong bối cảnh tài sản gặp khó khăn. Vì vậy tài sản của nó có mức giảm giá lớn”, ông Xing cho biết.
Đến tháng 8, Zhongzhi đã thuê một trong những công ty kế toán Big4 để tiến hành kiểm toán công ty và tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, theo các phương tiện truyền thông.
“Các cơ quan quản lý tài chính gần như chắc chắn sẽ can thiệp mạnh mẽ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy những rắc rối của Zhongzhi đang lan rộng”. Christopher Beddor, phó giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics cho biết.
Ông nói thêm rằng ngành tín thác chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng hệ thống tài chính Trung Quốc nên những vấn đề ở này không phải là đòn "chí mạng" với Bắc Kinh.
Tập đoàn Zhongzhi được thành lập năm 1995 và gia nhập lĩnh vực tài chính từ năm 2001, đồng thời phát triển mạnh mẽ hoạt động kinh doanh phát triển bất động sản, năm 2002 bắt đầu phát triển mạnh mẽ hoạt động kinh doanh ủy thác, và hiện là công ty quản lý tài sản có trụ sở chính ở Bắc Kinh.
Trong lĩnh vực tài chính, tập đoàn nắm giữ cổ phần của 6 tổ chức tài chính được cấp phép, kiểm soát hoặc tham gia vào 5 công ty quản lý tài sản, kiểm soát hoặc tham gia vào bốn quỹ quản lý tài sản.
Thông tin công khai cho thấy vào thời kỳ đỉnh cao, quy mô quản lý của Zhongzhi đã vượt quá 1.000 tỷ NDT.
Xem thêm >> Ngân hàng 'nhắm' ngành quản lý tài sản: Sức ép thay đổi để chuyên nghiệp hơn