Đằng sau khối lợi nhuận 'khủng' tại các ngân hàng quy mô nhỏ

Loạt ngân hàng quy mô nhỏ như NCB, OCB, SGB, VBB,... đều ghi nhận lợi nhuận khủng sau 6 tháng đầu năm 2021. Thậm chí có ngân hàng vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Hiện tại, phần lớn các ngân hàng quy mô nhỏ đều thực hiện trên 50% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2021 sau 6 tháng. Thậm chí, có ngân hàng đã thực hiện vượt chỉ tiêu cả năm đề ra.

Vậy lợi nhuận ngân hàng nhỏ tăng mạnh nhờ những yếu tố nào?

Đằng sau khối lợi nhuận 'khủng' tại các ngân hàng quy mô nhỏ - Ảnh 1

Lãi khủng do giảm mạnh chi phí dự phòng?

Theo BCTC hợp nhất quý 2/2021 tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB), tính riêng quý 2, thu nhập lãi thuần đạt gần 254 tỷ đồng, chỉ tăng 4% so với cùng kỳ.

Trong quý 2/2021, NCB giảm 18% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích 13,3 tỷ đồng. Đồng thời, Ngân hàng không còn ghi nhận các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc. Kết quả, NCB báo lãi trước và sau thuế quý 2 tăng gấp 12 lần và 12,3 lần cùng kỳ, lần lượt đạt gần 99 tỷ đồng và gần 79 tỷ đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ trích gần 14 tỷ đồng nhưng NCB còn 180 tỷ đồng trích cho các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc. Kết quả, NCB ghi nhận lãi trước và sau thuế gần 126 tỷ đồng và gần 101 tỷ đồng, đều tăng gấp 5,4 lần cùng kỳ.

Đằng sau khối lợi nhuận 'khủng' tại các ngân hàng quy mô nhỏ - Ảnh 2

Tương tự, quý 2/2021 Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) dành gần 202 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro, giảm 30% so với cùng kỳ. Do đó, lãi trước và sau thuế quý 2 tăng 83% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 1.385 tỷ đồng và gần 1.108 tỷ đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro tại OCB giảm 40%, ở mức 393 tỷ đồng. Kết quả, OCB báo lãi trước và sau thuế tăng lần lượt 43% và 42% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.661 tỷ đồng và gần 2.120 tỷ đồng.

Đằng sau khối lợi nhuận 'khủng' tại các ngân hàng quy mô nhỏ - Ảnh 3

Nối gót OCB, NCB là Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, UPCoM: PGB).

Cụ thể, quý 2/2021 lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại PG Bank giảm 7% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 128 tỷ đồng. Kỳ này, Ngân hàng chỉ trích hơn 35 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, giảm đến 66%. Kết quả, PG Bank thu về lãi trước và sau thuế gấp 2,7 lần cùng kỳ, ghi nhận hơn 93 tỷ đồng và gần 75 tỷ đồng.

Tính 6 tháng đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 17%, ngân hàng chỉ trích gần 98 tỷ đồng. Do đó, PG Bank báo lãi trước thuế và sau thuế nửa đầu năm tăng 59% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 175 tỷ đồng và hơn 140 tỷ đồng.

Lợi nhuận ngân hàng nhỏ tăng mạnh nhờ nguồn thu ngoài lãi

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB) báo lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 đạt hơn 713 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế gần 478 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần cùng kỳ nhờ tăng mạnh nguồn thu ngoài lãi.

Cụ thể, quý 2/2021 lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 108% so với cùng kỳ, đạt 84 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng gấp 3,6 lần đạt 327,4 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác tăng gấp 7,8 lần lên mức 85,3 tỷ đồng; hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh trong quý 2/2021 lãi hơn 38 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 không ghi nhận.

Tính chung 6 tháng đầu năm, kinh doanh ngoại hối tại ABBank tăng 84% so với cùng kỳ, mua bán chứng khoán kinh doanh lãi hơn 152 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động khác tăng 181%, lãi thuần từ dịch vụ cũng tăng 107%. Kết quả, lãi trước và sau thuế của ABBank tăng lần lượt 88% và 90% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 1.191 tỷ đồng và gần 953 tỷ đồng.

Đằng sau khối lợi nhuận 'khủng' tại các ngân hàng quy mô nhỏ - Ảnh 4

Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, UPCoM: SGB) cũng ghi nhận lãi trước và sau thuế nửa đầu năm 2021 tăng 9% so với cùng kỳ, đạt gần 137 tỷ đồng và hơn 109 tỷ đồng nhờ khoản thu ngoài lãi tăng trưởng mạnh.

Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 3% đạt hơn 16 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 5% đạt gần 18 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác tăng 131% lên mức 75 tỷ đồng.

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, UPCoM: VBB), ghi nhận thu nhập lãi thuần và thu từ dịch vụ tăng lần lượt 50% và 91% so với cùng kỳ 2020, đạt gần 479 tỷ đồng và gần 38 tỷ đồng.

Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm đến 32% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 28  tỷ đồng. Do đó, VBB báo lợi nhuận trước và sau thuế nửa đầu năm hơn 326 tỷ đồng và hơn 260 tỷ đồng, cùng tăng 13% so với cùng kỳ.

Hoàng Long (t/h)

Theo Sở hữu trí tuệ