Lợi nhuận giảm, nhưng nhiều chỉ số Ngân hàng Agribank tăng ấn tượng

Sau nhiều năm tăng trưởng liên tiếp, năm 2020 lợi nhuận tại Agribank bất ngờ giảm. Đáng chú ý, bất động sản thế chấp tại Agribank chiếm tới 155% tổng dư nợ cho vay và chiếm 117% tổng tài sản. Lo ngại hơn khi phát hành giấy tờ có giá bất ngờ tăng m...

Nợ xấu chỉ đứng sau BIDV

Theo BCTC kiểm toán của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), tính đến cuối năm 2020, lượng tài sản thế chấp tại nhà băng này đã vượt 2,06 triệu tỷ đồng, tăng gần 11% so với cuối năm 2019. 

Phần lớn tài sản thế chấp tại Agribank là bất động sản. Giá trị bất động sản mà khách hàng thế chấp tại Agribank lên hơn 1,84 triệu tỷ, tăng gần 14% và chiếm tới 89% tổng tài sản bảo đảm. Thậm chí, con số 1,84 triệu tỷ đồng này chiếm tới 155% tổng dư nợ cho vay và chiếm 117% tổng tài sản của nhà băng. Do đó, Agribank hiện là nhà băng sở hữu khối bất động sản thế chấp lớn nhất hệ thống.

Ngoài khối lượng lớn tài sản thế chấp của khách hàng là bất động sản, Agribank cũng ghi nhận 136.718 tỷ đồng tài sản thế chấp là động sản, gần 21.571 tỷ đồng tài sản thế chấp là chứng từ có giá và các tài sản khác gần 37.772 tỷ đồng 

Như vậy, bình quân mỗi đồng cho vay của Agribank được đảm bảo bởi 1,7 đồng tài sản thế chấp, tăng so với mức 1,66 đồng vào cuối năm 2019.

Lợi nhuận giảm, nhưng nhiều chỉ số Ngân hàng Agribank tăng ấn tượng - Ảnh 1

Hiện nay, bất động sản vẫn là loại hình tài sản thế chấp được ưa thích đối với các nhà băng nói chung và Agribank nói riêng. Tuy Agribank không có chi tiết về đối tượng thế chấp cũng như mục đích vay vốn của khối bất động sản thế chấp trên, song đối với thị trường bất động sản, hầu hết các dự án đều được "gửi" ở ngân hàng nhằm đảm bảo cho khoản vay xây dựng, đầu tư của chủ đầu tư.

Ngân hàng Nhà nước từng cho biết việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản còn nhiều tiềm ẩn rủi ro đối với ngân hàng. Nguyên nhân là do quy định pháp luật đối với thị trường bất động sản còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình bất động sản mới.

Đầu tư kinh doanh bất động sản là kênh đầu tư có kỳ vọng lợi nhuận cao nên dễ dẫn đến đầu cơ trên thị trường. Đồng thời, tình trạng mất cân đối cung cầu vẫn tồn tại ở một số phân khúc bất động sản cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến rủi ro trong việc cấp tín dụng.

Liên quan đến tình hình nợ xấu tại Agribank, tính đến 31/12/2021, tổng nợ xấu đã tăng 21% so với đầu năm, lên mức gần 21.527 tỷ đồng, chiếm 1,78% tổng dư nợ. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng 23% lên mức 2.425 tỷ đồng; đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn tại Agribank đã tăng 31%, lên mức gần 16.357 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,59% lên 1,78%.

Như vậy, tổng nợ xấu tại Agribank chỉ đứng sau BIDV (21.765 tỷ đồng)

Tổng nợ xấu tại Agribank. (Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2020).  
Tổng nợ xấu tại Agribank. (Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2020).  
Lãi dự thu tại Agribank cao hơn lợi nhuận

Tại BCTC hợp nhất năm 2020, tổng thu nhập hoạt động của Agribank đạt hơn 58.000 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,9% so năm 2019. Trong đó, thu nhập lãi thuần vẫn đóng góp chính với gần 43.661 tỷ đồng, tăng 2,6%. Lãi thuần từ mảng dịch vụ tăng gần 13% lên 5.177 tỷ đồng nhờ động lực từ mảng hoạt động thanh toán. 

Thu nhập hoạt động giảm, song chi phí hoạt động lại tăng 6% lên mức 26.117 tỷ đồng khiến lãi thuần từ hoạt động kinh doanh thấp hơn 7,6% so với năm trước, xuống mức 31.935 tỷ đồng. 

Trong các khoản chi phí hoạt động tại Agribank, khoản chi lớn nhất là chi hội nghị, lễ tân, khánh tiết tới 1.965 tỷ đồng. Ngoài ra, chi cho vật liệu văn phòng, xăng dầu hơn 1.358 tỷ; chi xuất bản tài liệu, tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại 717 tỷ đồng. Công tác phí của Agribank năm 2020 là 233 tỷ, chi các hoạt động đoàn thể hơn 129 tỷ đồng.

Năm 2020, dù chi phí dự phòng rủi ro tại Agribank đã giảm hơn 9% so với năm ngoái, ghi nhận còn 18.732 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của Agribank vẫn giảm 5,5% đạt 13.203 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Agribank giảm 5,3% xuống còn 10.517 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2020 tại Agribank (Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2020)  
Kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2020 tại Agribank (Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2020)  
Đáng lưu ý, lãi dự thu tại Agribank tính đến 31/12/2020 ghi nhận gần 12.015 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế ở mức gần 10.517 tỷ đồng .Do đó, tỷ lệ lãi dự thu trên lợi nhuận sau thuế tại Agribank gấp 1,1 lần.
Tính đến 31/12/2020, lãi dự thu tại Agribank chỉ giảm nhẹ 6% so với đầu năm.(Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2020)  
Tính đến 31/12/2020, lãi dự thu tại Agribank chỉ giảm nhẹ 6% so với đầu năm.(Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2020)  
Lãi dự thu là khoản lãi mà ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai, từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm cho vay khách hàng. Nhưng những khoản lãi này dù chưa thu được tiền thật nhưng vẫn ghi nhận vào kết quả hoạt động kinh doanh.

Thậm chí, nhiều ngân hàng ghi nhận lãi dự thu cao hơn cả lợi nhuận. Với con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của các nhà băng lại càng cao, chỉ cần một điều chỉnh nhỏ cũng có thể khiến lợi nhuận tăng vọt.  Không ít khoản lãi dự thu bị “treo” trong thời gian dài có thể làm tăng lãi “ảo”, khiến lợi nhuận không được phản ánh thực chất, đồng thời đây còn chính là những khoản nợ xấu tiềm ẩn.

Ngoài lợi nhuận, khả năng sinh lợi cũng là thước đo hiệu quả bằng tiền giúp đánh giá tình hình hoạt động cũng như những rủi ro mà ngân hàng gặp phải.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu  bình quân (ROEA) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) là 2 chỉ tiêu tiêu biểu dùng để đánh giá khả năng sinh lợi của các ngân hàng. Tuy nhiên, kết thúc năm 2020, khả năng sinh lợi tại Agribank giảm so với năm trước.

Cụ thể, chỉ số ROEA tại Agribank giảm từ 17,65% (năm 2019) xuống còn 14,55% (năm 2020). Tương tự, chỉ số ROAA cũng giảm từ 0,81% xuống 0,69%.

Lợi nhuận giảm, nhưng nhiều chỉ số Ngân hàng Agribank tăng ấn tượng - Ảnh 2

Đáng chú ý, tại thời điểm 31/12/2020, nợ phải trả tại Agribank tăng 8% so với đầu năm, lên mức hơn 1,49 triệu tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 73.084 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả tại Agribank gấp 20,4 lần vốn chủ sở hữu.

Ngoài ra, năm 2020 dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tại Agribank giảm 26% so với năm trước, xuống còn 45.743 tỷ đồng.

Phát hành giấy tờ có giá tại Agribank tăng mạnh, tiềm ẩn rủi ro

Một trong những lý do chính khiến lợi nhuận trước thuế của Agribank sụt giảm là do tốc độ tăng lãi thuần của Agribank chậm hơn nhiều so với  tốc độ tăng  chi phí trả lãi. Nguyên nhân là năm 2020, ngân hàng đã tiến hành 7 lần giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng trong khi lãi suất tiết kiệm không giảm tương ứng, khiến thu nhập từ lãi chỉ tăng 5,6% trong khi chi phí trả lãi tăng tới 7,5%.

Hơn nữa, tính đến 31/12/2020, lượng phát hành giấy tờ có giá tại Agribank tăng mạnh 43% so với đầu năm, lên mức 40.205 tỷ đồng (chủ yếu là trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu). Trong đó, phát hành trái phiếu tăng 31% lên mức gần 33.121 tỷ đồng; chứng chỉ tiền gửi tăng mạnh 157% so với đầu năm, lên mức 6.899 tỷ đồng. 

Lượng phát hành giấy tờ có giá tăng mạnh (Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2020).  
Lượng phát hành giấy tờ có giá tăng mạnh (Nguồn: BCTC hợp nhất năm 2020).  
Thực tế, phát hành giấy tờ có giá như trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi là một giải pháp để gia tăng nguồn vốn trung, dài hạn nhanh chóng nhưng lại chứa đựng nhiều rủi ro gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng trong tương lai.

Đầu tiên là rủi ro về mặt lãi suất. Rủi ro lãi suất xảy ra khi có sự chênh lệch giữa lãi suất huy động đầu vào và lãi suất đầu ra do biến động của thị trường và chênh lệch về thời hạn giữa nguồn vốn huy động và sử dụng vốn. Sự biến động của lãi suất thị trường có thể tác động tiêu cực tới lợi nhuận ngân hàng do làm tăng chi phí, giảm thu nhập của ngân hàng.

Cụ thể, huy động vốn trung và dài hạn thường có lãi suất cao. Nếu thời hạn nguồn vốn lớn hơn thời hạn sử dụng vốn. Đồng thời, nguồn vốn được đầu tư lại (cho vay) với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động vốn do sự thay đổi của lãi suất thị trường sẽ gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng bởi chi phí đầu vào cao khiến biên thu nhập lãi của ngân hàng có thể bị thu hẹp.

Ở một diễn biến khác, ngân hàng còn phải đối mặt rủi ro thanh khoản do các ngân hàng có thể thiếu hụt lượng tiền mặt do phải trả một lượng tiền lớn cho khách hàng khi trái phiếu đáo hạn, càng gây áp lực cho các nhà băng trong việc huy động để tiếp tục duy trì nguồn vốn cấp 2.

Hoàng Long/Theo Sở hữu trí tuệ