Đâu là 'điểm nóng' mùa đại hội ngân hàng năm 2021?
Hiện tại, các ngân hàng đã bước vào mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021. Năm nay, câu chuyện tăng trưởng tín dụng, cổ tức và tăng vốn là vấn đề đáng chú ý tại hầu hết các ngân hàng.
Chia cổ tức kèm câu chuyện tăng vốn
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch covid-19, trong đó có đề nghị ngân hàng trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.
Tuy Chỉ thị năm nay đã hết hiệu lực, nhưng đa số ngân hàng vẫn tiếp tục lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu.
BIDV dự kiến phương án tăng vốn điều lệ lên mức 48.524 tỷ đồng trong năm 2021, tương đương tăng vốn thêm 8.304 tỷ đồng thông qua việc phát hành 207.36 triệu cp để trả cổ tức năm 2019 (tương đương 5.2% vốn điều lệ) và 281.54 triệu cp để trả cổ tức năm 2020 (tương đương 7% vốn điều lệ).
Đồng thời, Ngân hàng cũng dự kiến phát hành thêm cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ 341.54 triệu cp (tương đương 8,5% vốn điều lệ). Thời gian thực hiện từ năm 2021-2022 sau khi được chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Cho năm 2021, BIDV kế hoạch chi trả cổ tức không thấp hơn năm 2020, có nghĩa là mức sẽ không thấp hơn 7%.
Cũng tương tự, MSB cho biết không chia cổ tức năm 2021 thấp hơn 15% và không cho biết cụ thể hình thức chia bằng cổ phiếu hay tiền mặt. Năm 2020, nhà băng này duyệt trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%. Dự kiến sau khi hoàn thành, vốn điều lệ của MSB sẽ tăng lên mức 15.221 tỷ đồng.
Trong khi VIB đề ra chỉ tiêu rất cụ thể, ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ trong năm 2021 thông qua phương án chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 40% và dự kiến phát hành chào bán tối đa gần 46.6 triệu cp.
Nếu tăng vốn thành công, tổng mức vốn điều lệ của VIB sau các phương án tăng vốn sẽ tăng từ mức gần 11.094 tỷ đồng lên gần 16.000 tỷ đồng. Số vốn điều lệ tăng thêm sẽ được dùng để tăng cường cấp tín dụng, đầu tư tài sản thanh khoản và cơ sở vật chất, công nghệ…
Hay tại Sacombank vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Đáng chú ý, ban lãnh đạo nhà băng dự kiến trình cổ đông kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020 và toàn bộ phần lợi nhuận để lại từ các năm trước theo hướng chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Điều này vừa giúp ngân hàng tăng vốn điều lệ, vừa đáp ứng kỳ vọng của cổ đồng.
Hiện ngân hàng đã đề xuất và đang chờ NHNN phê duyệt.Trong đó, khoản lợi nhuận hợp nhất lũy kế đến cuối năm 2020 của ngân hàng này vào khoảng 6.496 tỷ đồng (sau khi trích đầy đủ các quỹ dự phòng bổ sung vốn điều lệ, dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng, phúc lợi…).
Ngoài ra, năm 2021 nhiều nhà băng vẫn đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn hạn mức được giao.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 từ 10-12% và trong trường hợp thấp nhất sẽ ở mức 7-8% nhưng tại ĐHĐCĐ, VIB đã thông qua kế hoạch tăng trưởng tín dụng 31% so với đầu năm, dự kiến đạt 224.800 tỷ đồng.
Lý giải điều này, Chủ tịch VIB cho biết NHNN cho phép NHTM tăng trưởng tín dụng khoảng 12% trong năm nay nhưng khá linh động và còn tùy thuộc của diễn biến kinh tế. NHNN sẽ có sự thận trọng và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lần đầu tiên từ 7-12%.
Tương tự, MSB đặt kế hoạch dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2021 dự kiến tăng 25%, lên mức 106.000 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ BIDV đã thông qua chỉ tiêu tăng trưởng huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, dự kiến tăng trưởng 12%-15%. Tăng trưởng dư nợ tín dụng dự kiến đến cuối năm 2021 đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng của NHNN giao, dự kiến tăng trưởng 10%-12%.
Lợi nhuận bao nhiêu?
Điều mà nhà đầu tư hiểu sẽ tác động không nhỏ đến giá cổ phiếu, vẫn là lợi nhuận. Đi kèm với những con số về doanh thu, lợi nhuận đó là các kế hoạch kinh doanh cụ thể, nhất là phương án kinh doanh với các dự án được kỳ vọng có lợi nhuận cao hoặc các dự án bị tồn đọng.
Tại ĐHĐCĐ PGBank được tổ chức ngày 30/03 vừa qua cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 310 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2020, trong điều kiện tổng thu nhập tương đương năm trước (ở mức 1.148 tỷ đồng) và chi phí hoạt động, dự phòng rủi ro giảm 10% (về mức 838 tỷ đồng).
Là ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ 2021 đầu tiên, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2021 đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 44% so với kết quả năm 2020.
Ngày 24/3 VIB tổ chức ĐHĐCĐ 2021 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 7.510 tỷ đồng, tăng hơn 29% so với kết quả năm 2020. Tại MSB cũng đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2021 tăng 30%, dự kiến đạt 3.280 tỷ đồng.
Mới công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, Sacombank đã đề ra mục tiêu đều tăng trưởng so với kết quả năm 2020 gồm lợi nhuận trước thuế đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020. Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, Sacombank dự kiến dùng hơn 2.384 tỷ đồng để trích lập các quỹ. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn 1.874 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế gần 6.496 tỷ đồng.
Tương tự, mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất tại Techcombank đạt 19.800 tỷ đồng, tương đương tăng 25% so với năm 2020.
Về phân phối lợi nhuận năm 2020, sau khi trừ thuế TNDN phải nộp, Techcombank dự kiến dùng 12.582 tỷ đồng để trích lập các quỹ năm 2020. Sau khi trích nộp thuế và trích lập các quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính, quỹ phúc lợi, Techcombank còn hơn 10.684 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại để phân phối hơn 26.743 tỷ đồng, duy trì dưới hình thức lợi nhuận không chia nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Ngân hàng.