Sốt đất, tín dụng BĐS tăng: Ngân hàng nhà nước nói gì?
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định tín dụng BĐS tăng, tương đối nóng ở nhiều địa phương.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 31/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đề cập đến vấn đề đáng chú ý hiện nay là tình trạng sốt đất diễn ra tại nhiều khu vực trong thời gian qua.
"Giá đất tại nhiều địa phương, khu vực đều tăng. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế nếu không quản lý tốt hệ thống tín dụng" - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận định.
Ông Dũng khẳng định ông tin tưởng Ngân hàng Nhà nước đang và sẽ quản lý tốt, chặt chẽ, vấn đề này.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú xác nhận rằng, vốn tín dụng đầu tư vào bất động sản (BĐS) gần đây tương đối nóng ở nhiều địa phương, giá cả BĐS có chiều hướng tăng lên.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định: “Cho đến ngày 15/3, số liệu dư nợ cho vay BĐS của ngành ngân hàng tăng 2,13%, cao hơn mức 2,04% so với mức tăng trưởng chung tín dụng. Song mức tăng 2,13% chỉ có một vài tổ chức tín dụng cho vay.
Tín dụng cho BĐS hiện đang "chảy" vào 2 lĩnh vực: một là tín dụng vào các đối tượng kinh doanh BĐS (đầu cơ, phân khúc thị trường cao cấp…); hai là tín dụng đầu tư giúp tạo thanh khoản hàng hoá tiêu dùng BĐS, nhà ở thu nhập thấp, phân khúc thị trường giá rẻ, tính chất thương mại… phân khúc này vẫn giao cho các ngân hàng thương mại triển khai."
Ông Tú khẳng định Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát sao dịch chuyển dòng vốn tiền tệ sang thị trường bất động sản, cũng như các thị trường khác. Ngân hàng nhà nước thường xuyên cảnh báo cho các tổ chức tín dụng khi có dấu hiệu không đảm bảo hoặc rủi ro không kiểm soát được trong lĩnh vực này.
"Với các đối tượng đầu cơ bất động sản, hoặc đầu tư tại các dự án với khả năng thanh toán hoặc hiệu quả đầu tư không cao, chúng tôi luôn kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp hạn chế, đồng thời có chế tài trực tiếp hoặc gián tiếp với các tổ chức tín dụng", ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 30/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương liên quan đến tình trạng giá đất tại một số địa phương tăng đột biến gây nên hiện tượng sốt ảo làm ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế xã hội và việc triển khai các dự án đầu tư.
Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án BĐS, nhất là BĐS hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa BĐS vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án BĐS phải đủ các điều kiện theo quy định pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh BĐS.
Bộ này cũng yêu cầu các thành phố công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch kế hoạch sử dụng đất dược phê duyệt.