Đấu thầu dự án theo pháp luật chuyên ngành vẫn còn “khoảng trống”

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình phương án để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đấu thầu và Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, nội dung dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) về đấu thầu dự án theo pháp luật chuyên ngành vẫn còn “khoảng trống” cần hoàn thiện.

Sáng 7/11, tếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Tờ trình cho biết, thực tiễn thi hành Luật Đấu thầu trong thời gian qua đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi toàn diện luật này bởi những lý do chủ yếu như: Quá trình triển khai thi hành Luật Đấu thầu đã phát sinh một số hoạt động mua sắm, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư nhưng chưa được quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).  
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).  

Về mục tiêu xây dựng luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được xây dựng hướng tới mục tiêu tiếp tục tạo dựng khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước.

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, hiện vẫn tồn tại “khoảng trống pháp luật” trong đấu thầu dự án theo pháp luật chuyên ngành, đòi hỏi dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần hoàn thiện.

Theo ông Đỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình phương án để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đấu thầu và Luật Đất đai trong các quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Luật Đấu thầu điều chỉnh việc lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất thuộc các trường hợp quy định tại Luật Đất đai.

Cụ thể, Luật Đấu thầu là luật khung quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; về hình thức, hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất. Trong khi đó, Luật Đất đai là luật khung điều chỉnh việc quản lý, sử dụng đất đai; quy định điều kiện đối với đất được lựa chọn để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất; về giao đất, cho thuê đất; quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án có sử dụng đất.

Cách phân chia như trên sẽ giúp tránh được chồng chéo về phạm vi điều chỉnh cũng như các quy định cụ thể của 2 đạo luật: Luật Đất đai trở thành “luật nội dung”, quy định các loại hình dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư qua đấu thầu cũng như phương thức giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư được lựa chọn.

Luật Đấu thầu trở thành “luật hình thức”, quy định về hình thức, hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất.

Đấu thầu dự án theo pháp luật chuyên ngành vẫn còn “khoảng trống” - Ảnh 1

Đấu thầu dự án theo pháp luật chuyên ngành vẫn còn “khoảng trống”.

“Tuy nhiên, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và không chỉ bó hẹp trong các dự án đầu tư có sử dụng đất theo pháp luật về đất đai (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 dự thảo) mà còn bao gồm các dự án đầu tư thuộc trường hợp phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực (quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 dự thảo)”, ông Đỉnh nói.

Cũng theo ông Đỉnh, về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang rộng hơn dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định thủ tục đấu thầu với mọi dự án đầu tư kinh doanh mà pháp luật có quy định phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong khi đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chỉ quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện cụ thể.

“Vậy các dự án đầu tư kinh doanh mà pháp luật quy định phải đấu thầu nhưng không đáp ứng các tiêu chí, điều kiện của dự án có sử dụng đất theo Luật Đất đai thì sẽ áp dụng cơ chế nào để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất?

Trường hợp dự án đầu tư kinh doanh mà pháp luật quy định phải đấu thầu nhưng không đáp ứng các tiêu chí, điều kiện của dự án có sử dụng đất theo Điều 137, cũng không thuộc loại hình giao đất trực tiếp theo Điều 134 thì sẽ phải đấu giá khi giao đất hay không?”, ông Đỉnh đặt câu hỏi và kiến nghị cơ quan soạn thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) cần nghiên cứu, hoàn thiện để đề xuất hướng xử lý trong trường hợp nêu trên.

Hà Anh

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam