Đầu tư cao tốc Dầu Giây - Tân Phú 9.100 tỷ theo phương thức PPP

Ban Quản lý dự án Thăng Long vừa trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, dự kiến có tổng mức đầu tư 9.147,6 tỷ đồng

Ban Quản lý dự án Thăng Long vừa trình Bộ Giao thông Vận tải xem xét phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, giai đoạn 1 theo phương thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Theo đề xuất, Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (Đồng Nai), giai đoạn 1 có tổng chiều dài 60,24 km, được đầu tư theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, tốc độ khai thác 80 km/giờ, khoảng 4-5 km sẽ được bố trí một vị trí dừng xe khẩn cấp (theo chiều xe chạy).

Hơn 9.000 tỷ đồng đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (ảnh minh họa)
Hơn 9.000 tỷ đồng đầu tư đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (ảnh minh họa)

Tại các vị trí xử lý đất yếu, nút giao liên thông, nền đường đào, đắp cao, điểm dừng xe khẩn cấp… thiết kế mặt cắt ngang theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh nền đường 24,75m.

Dự án có tổng mức đầu tư 9.147,6 tỷ đồng, tăng khoảng 782 tỷ đồng so tổng mức đầu tư tại bước lập chủ trương đầu tư. Trong đó, phần vốn nhà nước tham gia dự án vẫn giữ nguyên là 1.300 tỷ đồng; phần còn lại do nhà đầu tư huy động bằng nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại.

Ban Quản lý dự án Thăng Long tính toán, dự án sẽ hoàn vốn trong vòng 19 năm. Thời gian thực hiện hợp đồng là 21 năm 6 tháng, từ năm 2024 đến hết năm 2046, bao gồm cả thời gian thi công và vận hành khai thác, thu phí hoàn vốn.

Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là một trong 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng), kết nối Đông Nam bộ với khu vực Tây Nguyên, được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hai dự án thành phần còn lại là đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương do UBND tỉnh Lâm Đồng triển khai theo phương thức PPP.

Trước đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết đã nhận hồ sơ quan tâm của 3 nhà đầu tư trong và ngoài nước, gồm China Harbour Engineering Company Limited (Trung Quốc); Công ty cổ phần Đầu tư Đại Quang Minh - CTCP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp DIC.

 

Trần Lê

Theo VietnamFinance