Đầu tư công không “dễ ăn”, nhóm doanh nghiệp xây dựng cần phải làm gì?
Trước những biến động xấu của thị trường do ảnh hưởng từ bất động sản thì việc triển khai xây dựng của nhóm doanh nghiệp xây lắp, vật liệu xây dựng cần phải chuyển hướng đầu tư để thích nghi với thị trường. Một trong số đó là hướng tới đầu tư công, tuy nhiên, việc này lại không “dễ ăn” như nhiều người lầm tưởng. Vậy nhóm doanh nghiệp này cần phải làm gì để vượt qua vũ bão?
Đầu tư công vấp áp lực giá đầu vào, giải ngân chậm chạp
Đầu tư công được xem là động lực quan trọng cho quá trình phục hồi của nền kinh tế sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong gói kích thích kinh tế trị giá 350.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua hồi đầu năm nay có tới 114.000 tỷ đồng được dành phát triển hạ tầng. Nguồn vốn này dự kiến được giải ngân trong hai năm 2022 và 2023.
Chủ tịch GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp thừa nhận rằng kể từ khi thị trường bất động sản khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp xây dựng nhờ chuyển đổi sang đầu tư công mà có công ăn việc làm.
Tuy nhiên, chi phí đầu vào khiến nhóm doanh nghiệp xây dựng còn e dè khi thực hiện. Nhất là với thị trường giá nguyên liệu tăng cao. Cùng với đó, việc đầu tư công không chia đều cho tất cả các doanh nghiệp hoặc cũng mang lại lượi nhuận thấp hoặc rải ngân bị chậm.
Áp lực về giá khiến doanh nghiệp còn dè chừng khi tham gia gói đầu tư công. (Ảnh minh họa) |
CEO FECON Nguyễn Văn Thanh cho hay cách tính giá của các dự án đầu tư công đang tồn tại vấn đề là giá quá thấp. “Một số dự án đã có dự toán từ cách đây 5 – 7 năm, trong khi đó giá nguyên vật liệu xây dựng mấy năm qua tăng nhanh quá. Chúng ta biết rằng 70% doanh thu của doanh nghiệp xây dựng trong năm là tới từ backlog. Vậy khi giá nguyên vật liệu tăng lên mà chủ đầu tư không điều chỉnh giá thì doanh nghiệp xây dựng chịu chết”, ông Thanh cho biết.
Bởi vậy, ông Thanh kiến nghị nhà nước cần xem xét lại cách tính giá để doanh nghiệp xây dựng có cơ hội được tham gia vào các dự án này để có thêm một nguồn việc trong tình cảnh khó khăn.
Chủ tịch Hòa Bình, ông Lê Viết Hải, thừa nhận lợi nhuận của các công trình công nghiệp không cao lắm, vì giá rất cạnh tranh. Bên cạnh đó, đây là những lĩnh vực phi truyền thống của Hòa Bình, do đó tập đoàn cần thêm thời gian để cải thiện hiệu suất.
Chưa kể, việc giải ngân vốn đầu tư công cũng diễn ra chậm chạm, ì ạch. Nhìn lại vào các năm trước, Bộ Tài chính, ước tính tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỉ lệ giải ngân đạt 75,11%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (77,30%).
Chính phủ nhiều năm nay đã rất nỗ lực tìm nhiều biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, việc giải ngân không chỉ năm 2022 mà từ năm 2017 đến nay vẫn rất bấp bênh. Tỉ lệ giải ngân đầu tư công qua các năm 2017 đạt 73%, 2018 là 66%, 2019 là 67%, 2020 là 82%, tới 2021 là 72% và 2022 đạt trên 67%.
Và trong năm 2023, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân 4 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 14,66% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỉ lệ giải ngân đạt 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%).
Tăng cường xây dựng Nhà ở xã hội
Hết thời đầu tư các dự án thương mại mang về lợi nhuận khủng, đến thời điểm hiện tại, khi giá nhà bị đẩy lên quá cao, không có thanh khoản, lãi suất tăng, người dân không có tiền để mua nhà thì việc đẩy mạnh phân khúc Nhà ở xã hội, phục vụ nhu cầu thực của người dân là cần thiết.
Từ năm 2022, thông tin về việc các ông lớn trong ngành bất động sản cảm kết sẽ xây dựng các khu nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp. Thông tin này đã lan tỏa tích cực đến thị trường, nhất là trong lúc thị trường đang trong đà suy thoái. Đối với nhóm doanh nghiệp xây dựng thì đây cũng là một trong những giải pháp giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ảnh minh họa. |
Ông Tống Văn Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là thành viên HĐQT độc lập của Coteccons cho rằng, cần đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội. Khi có nhiều dự án, công việc cho nhà thầu nhiều hơn thì các vấn đề khó khăn sẽ được giải quyết.
Theo ông Nga, chính sách vĩ mô trong những năm qua có điều sơ suất là phát triển nhà ở không đúng hướng: nhà ở xã hội thiếu vắng, nhà ở công nhân rất ít người làm trong khi nhà ở thương mại cao cấp thừa cung. Điều này ảnh hưởng lớn tới cả ngành bất động sản lẫn ngành xây dựng.
Chưa kể, khi tiến hành xây dựng Nhà ở xã hội, doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi gồm:
Thứ nhất, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội;
Thứ hai, được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán;
Thứ 3, được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán;
Thứ 4, được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này;
Và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, khi mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng khẳng định, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là để dùng cho việc xây dựng NOXH, nhà ở cho công nhân và người có thu nhập thấp.