Đầu tư gần 11.000 tỷ đồng phát triển cảng biển Quảng Ngãi

Theo quy hoạch, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Quảng Ngãi đến năm 2030 cần khoảng 10.830 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 7.960 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng vừa có quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cảng biển Quảng Ngãi gồm khu bến Dung Quất, bến cảng Sa Kỳ, bến cảng Mỹ Á, bến cảng Bến Đình (đảo Lý Sơn) và các bến cảng tiềm năng khác theo quy hoạch khu kinh tế Dung Quất phục vụ giao lưu giữa đất liền với đảo Lý Sơn và phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

Mục tiêu đến năm 2030, hàng hóa thông qua từ 47,20-48,20 triệu tấn, hành khách từ 1,13 -1,26 triệu hành khách và 11 bến cảng.

Cảng Sa Kỳ. 
Cảng Sa Kỳ. 

Tầm nhìn đến năm 2050, hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,5%/năm đến 5,5%/năm, đồng thời tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa.

Quy hoạch các khu bến cảng đến năm 2030 gồm khu bến Dung Quất, Bến cảng Sa Kỳ, Bến cảng Mỹ Á, Bến cảng Bến Đình (đảo Lý Sơn). Tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4,5%/năm đến 5,5%/năm.

Đến năm 2030, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 217ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics... gắn liền với cảng); tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 28.650ha.

 Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 10.830 tỷ đồng gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 2.870 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 7.960 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).

Quyết định cũng nêu các giải pháp để thực hiện quy hoạch. Cụ thể, cần có cơ chế thu hút đầu tư xây dựng bến cảng, đặc biệt là các bến cảng phục vụ chung tại các khu kinh tế, công nghiệp, cụm công nghiệp để nâng cao hiệu quả đầu tư bến cảng, quỹ đất, mặt nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp cảng thực hiện trong quá trình đầu tư, xây dựng; đặc biệt là tiến độ trong công tác giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, tận dụng tối đa năng lực cơ sở hạ tầng các bến cảng bốc dỡ đa dạng các chủng loại hàng hóa, ưu tiên bốc dỡ mặt hàng container, tổng hợp phục vụ nhu cầu Khu kinh tế Dung Quất. Đầu tư phát triển các khu bến đồng bộ với cơ sở hạ tầng giao thông kết nối sau cảng; xây dựng cơ chế thu hút hãng tàu, đại lý hàng hải phát triển tại khu cảng…

Khánh Hồng

Theo Vietnamfinance