Đầu tư hơn 1,2 tỷ USD mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất

Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ được điều chỉnh vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn được nhà đầu tư đăng ký. Theo đó, tổng vốn đầu tư khoảng 31.235 tỷ đồng, tương đương 1,257 tỷ USD (theo tỷ giá: 1 USD = 24.858 VND), nâng cấp mở rộng, tăng công suất từ 148.000 thùng một ngày lên 171.000 thùng, vận hành năm 2028.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất của Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn.

Cụ thể, Phó thủ tướng chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 2579/TTg-KTN ngày 16/12/2014, được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 9016/QĐ-DKVN ngày 22/12/2014; được Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 0551553522 ngày 21/6/2016.

Cùng với đó, Chính phủ cũng quyết định điều chỉnh thông tin của nhà đầu tư. Cụ thể, tên nhà đầu tư: Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn; địa chỉ trụ sở: số 208 đại lộ Hùng Vương, phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi; đăng ký kinh doanh: số 4300378569 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cấp lần đầu ngày 5/6/2008, đăng ký thay đổi lần thứ 14 ngày 8/11/2021; người đại diện theo pháp luật: ông Bùi Ngọc Dương, chức vụ: tổng giám đốc.

Về điều chỉnh mục tiêu đầu tư, quyết định nêu rõ: đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện hữu để nâng công suất chế biến của nhà máy từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày; sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EURO V; đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ; nâng cao độ linh động lựa chọn dầu thô, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp lâu dài và có hiệu quả cho nhà máy; nâng cao hiệu quả đầu tư nhà máy lọc dầu Dung Quất; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, đặc biệt là khu vực Trung Bộ.

Về điều chỉnh quy mô đầu tư, bổ sung và nâng cấp các phân xưởng công nghệ, phụ trợ, ngoại vi để đáp ứng công suất nhà máy 171.000 thùng/ngày, gồm: bổ sung 5 phân xưởng công nghệ bản quyền mới là: phân xưởng xử lý xăng bằng hydro (GHDT); phân xưởng xử lý diesel bằng hydro (DHDT); phân xưởng Alkyl hóa (ALK); phân xưởng sản xuất hydro (HGU); phân xưởng thu hồi lưu huỳnh (SRU3/4). Bên cạnh đó, bổ sung 2 phân xưởng công nghệ không bản quyền gồm: phân xưởng xử lý nước chua (SWS2) và phân xưởng tái sinh Amin (ARU2).

Các phân xưởng công nghệ cần hiệu chỉnh, cải hoán: phân xưởng chưng cất dầu thô (CDU); phân xưởng cracking xúc tác tầng sôi (RFCC); phân xưởng xử lý Naptha bằng Hydro (NHT); phân xưởng Isome hóa (ISOM); phân xưởng reforming xúc tác liên tục (CCR); phân xưởng thu hồi propylen (PRU); phân xưởng xử lý dầu hỏa (KTU); phân xưởng xử lý khí hóa lỏng (LTU); phân xưởng xử lý dầu nhẹ bằng Hydro (LCO-HDT).

Các phân xưởng phụ trợ, ngoại vi: thực hiện cải hoán, lắp mới một số hạng mục, thiết bị hoặc cụm phân xưởng để đáp ứng công suất tăng thêm của nhà máy.

Quyết định cũng điều chỉnh vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn được nhà đầu tư đăng ký. Theo đó, tổng vốn đầu tư khoảng 31.235 tỷ đồng, tương đương 1,257 tỷ USD (theo tỷ giá: 1 USD = 24.858 VND).

Nguồn vốn (theo cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay: 40/60, nhà đầu tư được xem xét điều chỉnh cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay cho phù hợp với thực tế khả năng cân đối nguồn và đem lại hiệu quả cao hơn), cụ thể vốn chủ sở hữu: 12.494 tỷ đồng, tương đương: 503 triệu USD; vốn vay: 18.741 tỷ đồng, tương đương 754 triệu USD.

Vốn cần phải cân đối nguồn là 27.299 tỷ đồng (được tính từ sơ bộ tổng mức đầu tư trừ thuế VAT được hoàn và chi phí đã thực hiện), gồm: vốn chủ sở hữu 10.920 tỷ đồng; vốn vay 16.379 tỷ đồng.

Dự án triển khai hợp đồng EPC dự kiến 37 tháng. nhà máy đưa vào vận hành quý I năm 2028.

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance