Đầu tư vốn nhà nước chuyên nghiệp: Tách bạch hiệu quả kinh doanh với công cụ chính sách
Doanh nghiệp nhà nước đang phải hoạt động trong một không gian không được tròn trịa và toàn vẹn, vừa phải thực hiện nhiệm vụ kinh tế nhưng khi cần lại trở thành công cụ để nhà nước can thiệp vào thị trường. Nếu không tách bạch được hai nhiệm vụ này, rất khó để thúc đẩy hiệu quả sử dụng vốn nhà nước cũng như cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Sau gần 30 năm triển khai, chương trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước ở nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, tại nhiều doanh nghiệp, tỷ lệ sở hữu nhà nước quá lớn đã làm giảm hiệu quả của mục tiêu cổ phần hóa. Cổ đông đại chúng khó tạo ra ảnh hưởng lớn tại doanh nghiệp, hạn chế sự phản biện, đóng góp trong việc nâng cao năng lực quản trị, tiết kiệm chi phí, cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh… Ngay cả đối với các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu nhà nước dưới 50% thì hoạt động tài chính, kinh doanh cũng gặp những rào cản nhất định liên quan đến phần vốn nhà nước.
Vậy làm thế nào để hoạt động cổ phần hoá,cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước đem lại hiệu quả thiết thực? Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã có cuộc trò chuyện với ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Uỷ viên Thường trực, Uỷ ban kinh tế của Quốc hội.
- Là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng vẫn cần nhắc lại rằng dường như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (bao gồm các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước, có tham gia vào thị trường chứng khoán) vẫn chưa hiệu quả. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
ĐBQH Phan Đức Hiếu: Theo quan sát của tôi, hiện nay, chúng ta đang cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng một chiều, ví dụ như trong cổ phần hóa và thoái vốn, hầu như chỉ bán đi rồi thôi, cái gì chưa bán thì đọng ở đấy, không hiệu quả.
Tôi tham dự hội nghị các doanh nghiệp niêm yết hàng năm, nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư cho rằng, phần vốn của Nhà nước trên thị trường chứng khoán hiện chiếm khoảng 1/3 giá trị cổ phần trên thị trường chứng khoán, song gần như hoàn toàn “đóng băng”, chỉ khi nào bán ra thì xả một loạt rồi “đứng im”, không có mua bán, giao dịch. Người mua rất muốn mua nhưng đành chịu, rất không hiệu quả dưới góc độ của nhà đầu tư.
Ðiều này cho thấy tư duy cải cách của ta đang rất cứng nhắc. Vốn nhà nước cũng là đồng vốn bình thường, làm sao gia tăng hiệu quả đồng vốn là mục tiêu đặt ra hiện nay trong hoạt động quản lý và kinh doanh vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Song để làm được điều này, yếu tố đầu tiên đặt ra là cải cách doanh nghiệp nhà nước phải mang tính “động”, chứ không thể chỉ duy trì trạng thái “tĩnh” như hiện nay.
- Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến điều này?
Thực tế, doanh nghiệp nhà nước có hai vai trò chính. Thứ nhất, thuần tuý là kinh tế, tức là hoạt động sản xuất kinh doanh. Thứ hai, giao cho doanh nghiệp nhà nước nhiệm vụ chính trị, như bình ổn giá, cân đối vĩ mô hoặc được sử dụng như một công cụ để can thiệp vào nền kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, hai vai trò này không được tách bạch một cách rõ ràng. Cho nên, khi làm chính sách đã dẫn đến câu chuyện phải tư duy theo cách nửa kinh tế, nửa công cụ quản lý của nhà nước. Điều này có nghĩa quá trình vận hành của doanh nghiệp không được “mở” hoàn toàn, khi thuận lợi thì được “mở ra” nhưng khi có nhiệm vụ chính trị thì “phanh lại”. Như vậy, doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong một không gian không được tròn trịa và toàn vẹn. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh cũng như quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Do đó, tôi đề nghị phải có sự tách bạch rõ ràng giữa vai trò thuần tuý là kinh tế của doanh nghiệp nhà nước và vai trò như một công cụ để nhà nước sử dụng can thiệp vào nền kinh tế. Hai cách quản lý này phải rất khác nhau. Còn nếu không tách bạch được thì doanh nghiệp nhà nước rất khó phát triển. Đơn cử, nếu thuần tuý là kinh tế thì sẽ không có chuyện quản lý nặng “số học” như hiện nay, rằng phải bảo toàn và phát triển vốn nhà nước như quy định tại Luật số 69/2014/QH13.
- Làm cách nào để tách bạch được hai nhiệm vụ này, thưa ông?
Thực tế hiện nay đặt ra rất nhiều trường hợp. Ví dụ như Nhà nước đã bán đi cổ phần tại một cảng khi tiến hành cổ phần hóa, nhưng sau đó trong điều kiện thuận lợi, tại sao Nhà nước lại không được mua cổ phần của cảng đó? Những vấn đề như vậy cần được mạnh dạn nêu ra để thảo luận, tìm kiếm những hướng đi mới hiệu quả hơn.
Chúng ta đã có bước cơ sở ban đầu là thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, mục tiêu của chúng ta coi đây là một nhà đầu tư thì cần có hoạt động đầu tư, tức là phải có mua đi bán lại nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng vốn, thay vì thụ động, chỉ bán xong là kết thúc. Nếu như vậy, những tổ chức như SCIC sau khi bán xong hết cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp thì cũng chấm dứt hoạt động.
- Vậy để vốn nhà nước được đầu tư một cách chuyên nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, theo ông, đâu là yếu tố then chốt phải giải quyết?
Ðể làm được việc điều đó, chắc chắn phải giải quyết được câu chuyện minh bạch. Bởi bất cứ điều gì liên quan đến cải cách doanh nghiệp nhà nước, sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản nhà nước đều có dư địa để xảy ra hành vi thông đồng chiếm đoạt tài sản nhà nước hoặc chiếm dụng vốn nhà nước.
Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý vốn nhà nước lớn nhất hiện nay là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải có năng lực, có tầm nhìn và quan trọng nhất là thay đổi cách nhìn nhận, giám sát thì mới hy vọng làm được.
Nếu giải quyết được bài toán này, tôi cho rằng việc Nhà nước mua đi bán lại cổ phần là chuyện bình thường, giống như khi nhà đầu tư đứng trước một cơ hội đầu tư.
- Về tổng thể, làm thế nào để doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả, thưa ông?
Đầu tiên, cần có sự linh hoạt, linh động, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng cho doanh nghiệp nhà nước. Thậm chí phải có những khung khổ pháp lý để chấp nhận rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải có sự kỳ vọng về lợi nhuận. Như vậy, doanh nghiệp nhà nước phải được hoạt động trong khung khổ pháp lý giàu tính cạnh tranh và “rất doanh nghiệp”.
Còn việc giao cho doanh nghiệp nhà nước những nhiệm vụ chính trị, lúc này cần có sự đa dạng về mặt cơ chế. Nếu giao một nguồn ngân sách thì phải cho doanh nghiệp nhà nước hạch toán lãi lỗ, đặc biệt là phải sử dụng các công cụ thị trường, như bình ổn giá, để cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia.
Các cơ chế như vậy cần phải được thống nhất về mặt lý luận và tư tưởng, và nếu có thể được thì cần tách bạch nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ chính trị. Đây là thời điểm rất quan trọng, vì thời gian tới sẽ có hàng loạt chính sách liên quan đến doanh nghiệp nhà nước được sửa đổi, bổi sung. Nếu không tách bạch được hai nhiệm vụ này thì sẽ rất khó để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Đi sâu hơn nữa, chúng ta phải tách bạch được vai trò của chủ sở hữu vốn nhà nước, vai trò của doanh nghiệp hoạt động kinh tế thuần tuý, vai trò của các bộ ngành trong việc giám sát doanh nghiệp, vai trò của Chính phủ trong việc đặt hàng, giao các nhiệm vụ chính trị thông qua các công cụ chính sách. Khi đó, doanh nghiệp nhà nước mới có thể phát triển được.
Với các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu nhà nước dưới 50%, cần xác định rõ mục tiêu nắm giữ vốn nhà nước là gì, nếu không sẽ gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ như tỉnh X đề ra kế hoạch bảo toàn vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà họ nắm giữ 30% cổ phần, khi doanh nghiệp khó khăn cần tăng vốn điều lệ thì tỉnh X lại không chấp thuận chi tiền ngân sách để góp vốn, cũng không đồng ý giảm tỷ lệ sở hữu, trong khi các nhà đầu tư ngoài nhà nước sẵn sàng góp thêm tiền.
Dẫn ra câu chuyện này, tôi mong muốn chúng ta phải quyết liệt và nhanh chóng thoái hết vốn nhà nước tại những doanh nghiệp mà nhà nước không nhất thiết phải nắm giữ. Khi đó, không chỉ thị trường chứng khoán mà cả nền kinh tế sẽ có thêm nguồn lực mới để phát triển, đặc biệt là trong thời điểm khó khăn này.