ĐBQH đề xuất bỏ quy định 'có 1m2 đất ở mới được làm dự án nhà ở thương mại'

Để mở đường cho nguồn cung nhà ở, kéo giảm giá nhà giúp người dân có cơ hội tốt hơn để có được nhà ở, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề xuất bỏ đề xuất bỏ quy định có 1m2 đất ở mới được làm dự án nhà ở thương mại.

Hôm nay (15/1), tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung mới hoặc còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Quy định phải có đất ở mới được làm nhà thương mại gây nhiều bất cập

Liên quan thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ, dự thảo luật quy định theo hướng kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013, chỉ thu hồi đất khi là “dự án đầu tư xây dựng khu đô thị”.

Theo đại biểu, Khoản 1 điểm b Điều 127 quy định "Đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại nếu có đất ở hoặc đất ở và đất khác" còn nhiều bất cập.

"Đất ở là bao nhiêu, người ta có 1 m2 đất ở cũng được làm dự án nhà ở thương mại hay sao?", ông Hoà đặt câu hỏi.

Theo đại biểu, hiện nay, Nhà nước đang có quyền định đoạt và phương pháp định giá đất theo cơ chế thị trường. Cho nên, nhà đầu tư muốn thành lập nhà ở thương mại kết hợp với sản xuất, kinh doanh thì chúng ta nên đồng tình. Việc kết hợp sản xuất, kinh doanh với nhà ở thương mại, ông nghĩ rất phù hợp.

Nhiều trường hợp đất đã nằm trong khu quy hoạch được phép xây dựng nhà ở thương mại, kết hợp với nhà ở hỗn hợp, diện tích đến vài ha nhưng không đủ điều kiện về đất ở, chúng ta không cho phép làm. Trong khi đó, có những trường hợp chỉ cần có 1m2 đất ở được thực hiện thì lại được phép. Như vậy là bất hợp lý, theo quan điểm của vị ĐBQH.

"Tôi đề nghị phải xem xét lại, nên cho phép những trường hợp này được chuyển mục đích sử dụng sử dụng đất và nhà đất tính thuế theo giá thị trường hiện nay, đảm bảo hài hòa và xây dựng cơ sở hạ tầng", ông Hoà đề nghị.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đồng Tháp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đồng Tháp.

Đại biểu đoàn Quảng Trị - ông Hà Sỹ Đồng, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng hiện dự thảo Luật bản mới nhất vẫn còn một số điều khoản làm kìm hãm sự phát triển của nguồn cung của thị trường nhà ở.

Về đất làm dự án nhà ở thương mại, tại điểm b, khoản 3, Điều 122 có quy định: Muốn chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại phải có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác.

"Quy định này đặt ra một hạn chế rất khó hiểu là phải có một mét vuông đất ở trong diện tích đất dự án thì mới được làm, còn nếu không có mét vuông nào thì không được. Ở góc độ nào đó, có thể điều kiện này có thể giúp hạn chế trường hợp doanh nghiệp gom đất nông nghiệp tràn lan để làm dự án. Tuy nhiên, đây là biện pháp hạn chế ngẫu nhiên, không xuất phát từ lý lẽ hợp lý nào, giống như giải pháp chống ùn tắc giao thông cấm xe biển chẵn đi vào ngày lẻ và cấm xe biển lẻ đi vào ngày chẵn”, ông Đồng nhấn mạnh quan điểm.

Quy định thu hồi đất chưa rõ tính thật cần thiết

Về thu hồi đất, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) nhất trí với việc liệt kê cụ thể các trường hợp quy định tại Điều 79 của dự thảo luật, cũng như các căn cứ, điều kiện thu hồi đất tại Điều 80 dự thảo.

Theo quy định của Hiến pháp 2013, để thu hồi đất, các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải đáp ứng 3 điều kiện: thứ nhất, phải là trường hợp thật cần thiết; thứ hai, phải do luật định và thứ ba phải vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Quy định thu hồi đất chưa rõ tính thật cần thiết.
Quy định thu hồi đất chưa rõ tính thật cần thiết.

Theo ông Nghĩa, đối chiếu với các yêu cầu này, quy định tại Điều 79 và Điều 80 chưa thể hiện rõ tính chất “thật cần thiết”.

Ông Nghĩa cho rằng trên thực tế, có trường hợp thu hồi đất nằm trong 31 trường hợp quy định tại Điều 79 và đáp ứng quy định của Điều 80, nhưng công trình sau đó lại bị bỏ hoang, lãng phí, không đi vào cuộc sống do không thật cần thiết đối với nhân dân, đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong báo cáo giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 cũng nêu cụ thể nhiều trường hợp dự án đất hoang hóa, lãng phí. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung cụm từ “thật cần thiết” vào phần mở đầu của Điều 79 dự thảo luật.

Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) đề xuất: trường hợp không liên lạc được và không gửi được thông báo thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi, thì thông báo trên một số báo hàng ngày của Trung ương hoặc cấp tỉnh trong 3 số liên tiếp, hoặc phát sóng trên Đài phát thanh, truyền hình của Trung ương hoặc cấp tỉnh trong 3 ngày liên tiếp.

Theo đó, nếu chỉ quy định thông báo trên báo trung ương sẽ rất khó khăn và vướng mắc trong việc giúp người dân tiếp cận thông tin.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bỏ quy định tại khoản 5, về nội dung UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành quyết định thu hồi đất trong thời hạn 10 ngày, do không có tính khả thi, vì giao thời điều chỉnh đơn giá bồi thường tài sản do UBND tỉnh quy định thay đổi đơn giá bồi thường giữa đơn giá sau so với đơn giá trước.

Kỳ Thư

Theo VietnamFinance