Thị trường chứng khoán tháng 11/2022 nhiều thách thức và kiên nhẫn

Trong tháng 10 vừa qua, các yếu tố rủi ro với thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hiện hữu như xu hướng tăng của tỷ giá và xu hướng tăng của lãi suất.

 

Diễn biến ngành trong tháng 10 và từ đầu năm. Nguồn: SSI Research.
Diễn biến ngành trong tháng 10 và từ đầu năm. Nguồn: SSI Research.

Tháng 10/2022: Áp lực bán đẩy mạnh, thị trường điều chỉnh tháng thứ 2 liên tiếp

Trong tháng 10, các yếu tố rủi ro với thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hiện hữu như xu hướng tăng của tỷ giá và lãi suất. Các sự kiện tác động mạnh đến thị trường bao gồm lo ngại liên quan đến thị trường trái phiếu sau sự kiện Vạn Thịnh Phát diễn ra vào tuần đầu tháng (ngày 7/10) và động thái nâng thêm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước vào tuần cuối tháng (ngày 25/10).

Tâm lý nhà đầu tư khá yếu khiến thị trường chứng khoán Việt Nam có tháng điều chỉnh mạnh thứ 2 liên tiếp với lực bán giá thấp dàn trải trên diện rộng. Điều này còn thể hiện qua việc thị trường chứng khoán Việt Nam đi ngược diễn biến tăng chung của nhiều thị trường chứng khoán khác trên thế giới như Mỹ (DJIA +14%, S&P 500 +8%) hay MSCI EM Index tăng 5,96%.

Một loạt các nhóm ngành tiếp tục đẩy mạnh đà giảm từ tháng trước. Với lo ngại liên quan đến khả năng thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn, nhóm bất động sản giảm 13,8%. Nhóm nguyên vật liệu do tác động từ kết quả kinh doanh quý 3 yếu kém đã đẩy mạnh đà giảm lên đến 22,4%. Năng lượng (-14,3%), hàng tiêu dùng không thiết yếu (-13,2%), công nghiệp (-16,2%) cũng là 3 nhóm ngành giảm rất mạnh. Nhóm tài chính giảm 9,9% và nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu giảm 4,7%; mặc dù vậy đây là 2 nhóm có đà giảm chậm lại so với tháng trước.

Nhìn chung, không có nhóm ngành nào có thể đi ngược được xu hướng chung. Theo đó, các cổ phiếu tạo áp lực lớn nhất lên thị trường là HPG (-26%), NVL (-17,5%), TCB (-24,3%), VHM (-11,2%), GVR (-29%), MSN (-13,6%), MWG (-19,4%), MBB (-11,5%), KBC (-39,6%) và STB (-21,6%). Ngược lại, thị trường cũng nhận được nâng đỡ một phần từ diễn biến tích cực hơn của các mã VNM (+8,5%), CTG (+6%), EIB (+8%)…

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán tiếp tục suy yếu trước xu hướng tăng liên tục của lãi suất tiền gửi, bên cạnh đó là các nhà đầu tư thu hẹp giao dịch nhằm thận trọng quan sát. Trên HOSE, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân 1 phiên chỉ đạt mức 9,2 ngàn tỷ đồng, sụt 17% so với mức 11,7 ngàn tỷ đồng ở tháng 9. Giá trị giao dịch trong tháng 10 đang thấp hơn đến 48% so với mức bình quân 18 ngàn tỷ đồng của 10 tháng đầu năm 2022. Như vậy nền thanh khoản của năm 2022 trên sàn HOSE cũng đang ở mức thấp so với con số 21,7 ngàn tỷ đồng/phiên ở năm 2021.

Về hoạt động của khối ngoại, tháng 10 vừa qua khối này tiếp tục hoạt động bán ròng; tuy nhiên đã thu hẹp đáng kể khi giá trị bán ròng chỉ ghi nhận - 1,5 ngàn tỷ đồng trên HOSE so với mức 3 ngàn tỷ đồng ở tháng trước. Nhìn chi tiết hơn vào số liệu phần nào cho thấy diễn biến tích cực hơn trong động thái của khối ngoại khi giá trị bán ròng bị chi phối mạnh ở EIB -3,3 ngàn tỷ đồng qua kênh thỏa thuận và HPG -1,7 ngàn tỷ đồng. Chiều ngược lại, khá nhiều mã được khối ngoại tận dụng vùng giá thấp mua ròng đáng kể chủ yếu qua kênh khớp lệnh như VNM +881 tỷ đồng, MSN +694 tỷ đồng, FRT +364 tỷ đồng, DGC +354 tỷ đồng, IDC +325 tỷ đồng, DCM +255 tỷ đồng, VCB +239 tỷ đồng và DPM +214 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 10/2022, VN-Index đã giảm 34,4% điểm số kể từ đầu năm và mức giảm của hệ số P/E ước tính năm 2022 của chỉ số VNIndex cũng tương đương ở mức 34,4% cho thấy mức chiết khấu này đã phản ánh phần lớn xu hướng yếu đi của lợi nhuận trong tương lai trước tác động của lạm phát và lãi suất tăng cao. Hệ số định giá P/E ước tính năm 2022 và năm 2023 trên VN-Index hiện đang ở mức 9,8 lần và 8,3 lần vào ngày 2/11/2022.

Diễn biến của VN-Index theo khung thời gian tháng, thời điểm cập nhật dữ liệu: kết thúc phiên giao dịch buổi sáng 9/11/2022.
Diễn biến của VN-Index theo khung thời gian tháng, thời điểm cập nhật dữ liệu: kết thúc phiên giao dịch buổi sáng 9/11/2022.

Tháng 11/2022: Chờ dò đáy

Với riêng diễn biến của thị trường chứng khoán trong tháng 9 và tháng 10 cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã xuống mức rất thấp trước các sự kiện “thiên nga đen” trong nước và khả năng thị trường đã rơi vào trạng thái quá bán. Thông thường tâm lý bi quan thái quá có thể là một chỉ báo gợi ý thị trường sẽ có các nhịp hồi phục tạm thời sau đó. Tuy nhiên, diễn biến hiện tại của các yếu tố như tỷ giá, xu hướng tăng của lãi suất và kể cả rủi ro thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể hỗ trợ thị trường cổ phiếu có nhịp phục hồi bền vững.

Ngày 8/11, VN-Index đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020 khi còn 956,97 điểm. Nhìn chung, theo quan điểm của SSI Research, thị trường có thể bước đầu vào giai đoạn dò đáy. Trong giai đoạn này thị trường sẽ ghi nhận sự biến động và trạng thái giằng co và trong lịch sử thường chứng khiến việc các nhà đầu tư có khả năng chịu đựng rủi ro cao và thời hạn đầu tư đủ dài sẽ tận dụng biến động để dần giải ngân do triển vọng tăng trở lại của thị trường trong dài hạn là rất lớn. Nhìn vào xu hướng của dòng vốn vào cổ phiếu trên quy mô toàn cầu và cả ở Việt Nam SSI Research cũng nhìn thấy điểm tích cực ủng hộ cho quan điểm này.

SSI Research đề xuất cơ hội đầu tư với IDC, FPT, PHR và VNM trong tháng 11. Đây là nhóm cổ phiếu có triển vọng tăng giá nhờ yếu tố tăng trưởng lợi nhuận trong quý cuối năm, định giá hấp dẫn cũng như có thể hưởng lợi trong môi trường lãi suất tăng. Do tính biến động của thị trường đang ở mức cao, SSI Research cho rằng việc tích lũy nên diễn ra khi giá có các nhịp điều chỉnh về quanh vùng hỗ trợ kỹ thuật ở từng cổ phiếu.

Nguyễn Như

Theo Chất lượng và cuộc sống