Đề xuất 27.500 tỷ làm 6 tuyến đường vào cảng biển TP.HCM

Cả 6 dự án đều được Sở GTVT TP.HCM đề xuất lập chủ trương đầu tư công.

Sở GTVT TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP.HCM sớm triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông trên địa bàn thành phố.

Đề xuất này được đưa ra khi đề án thu phí hạ tầng cảng biển ở TP.HCM theo kế hoạch sẽ triển khai từ đầu tháng 7 năm nay, kỳ vọng thu hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm. Kinh phí này sau đó đầu tư, nâng cấp hạ tầng xung quanh cảng biển.

Qua rà soát, Sở GTVT TP.HCM đề xuất triển khai 6 dự án với tổng vốn hơn 27.000 tỷ đồng là các dự án giao thông trục chính phục vụ vận tải kết nối các khu vực cửa khẩu cảng biển.

Cụ thể, dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy (Thành phố Thủ Đức) với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng gần 2.100 tỷ đồng.

Đề xuất 27.500 tỷ làm 6 tuyến đường vào cảng biển TP.HCM - Ảnh 1
Đường dẫn vào khu vực cảng Tân Cảng - Cát Lái bị kẹt cứng. Ảnh: PLO

Dự án trước đó đã hoàn thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng với một số hạng mục như cầu Kỳ Hà 3 dài 75 m (bốn làn xe); hầm chui rẽ trái từ đường vành đai 2 đi cảng Cát Lái dài 505 m (hai làn xe), cầu vượt trên đường vành đai 2 (bốn làn xe),...

Giai đoạn 2 dự án nút giao Mỹ Thủy còn xây cầu vượt cho xe rẽ trái theo hướng từ cảng Cát Lái đi cầu Phú Mỹ (hai làn xe); cầu Kỳ Hà 4 nằm trên nhánh rẽ phải từ cầu Phú Mỹ về cảng Cát Lái (bốn làn xe),…

Hai đoạn thuộc dự án Vành đai 2 dài hơn 6 km. Trong đó, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (Thành phố Thủ Đức), dài 3,5 km, xây dựng 2 đường song hành 2 bên 6 làn xe. Tổng vốn hơn 9.000 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 7.300 tỷ đồng.

Đoạn 2 từ nút giao Bình Thái trên Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (Thành phố Thủ Đức), dài 2,5 km, xây dựng 2 đường song hành 2 bên 6 làn xe. Đoạn này tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 3.361 tỷ đồng.

Dự án xây dựng hoàn chỉnh trục đường Bắc – Nam, từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm (quận 7, huyện Nhà Bè) dài 6,7 km, mở rộng thêm 2 làn xe để hoàn chỉnh theo quy hoạch rộng 60 m, 6 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án hơn 7.000 tỷ đồng.

Xây dựng hoàn thiện tuyến Vành đai phía Đông, từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy (Thành phố Thủ Đức) dài 2,9 km với 6 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án hơn 1.200 tỷ đồng.

Xây dựng hoàn thiện tuyến Vành đai phía Đông, từ nút giao Mỹ Thủy đến đường Nguyễn Duy Trinh (Thành phố Thủ Đức) dài 2,2 km với 6 làn xe với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Cả 6 dự án trên đều được Sở GTVT TP.HCM đề xuất lập chủ trương đầu tư công. Do đó, Sở GTVT kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên cấn đối, bố trí vốn đối với các dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Trường hợp khó cân đối kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Sở GTVT TP.HCM đề xuất ngưng hoặc giãn tiến độ đầu tư các dự án chưa thực sự cấp bách để tập trung nguồn lực cho 6 dự án nêu trên.

Trước đề xuất này, vào cuối năm 2020, trong đề án phát triển ngành logistics ở TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến 2030 được UBND TP.HCM phê duyệt còn đặt ra yêu cầu trong 10 năm tới cần phát triển mạng lưới đường sắt hiện đại vận chuyển hàng hoá thông suốt, kết nối các cảng biển quan trọng của TP.HCM và khu vực phía Nam. Trong đó, 5 tuyến đường sắt tốc độ cao cần được xây dựng theo quy hoạch, tăng kết nối TP HCM với các tỉnh, thành.

Cụ thể, đó là tuyến TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ (dự kiến kéo dài đến Cà Mau) kết nối đường sắt Bắc - Nam; Tuyến TP HCM - Tây Ninh (định hướng kéo đến cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát), kết nối đường sắt TP HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp (quận 12, TP HCM).

Tuyến Thủ Thiêm - sân bay Long Thành (Đồng Nai), điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM).  Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, trong đó ưu tiên xây dựng đoạn TP HCM - Nha Trang, dài 366 km đáp ứng nhu cầu vận tải lớn. Tuyến đường sắt đôi chuyên dụng kết nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Hiệp Phước (TP HCM) và cảng Long An.

 

Minh Thái

Theo Đất Việt