Sai sót metro số 1: Bài học Cát Linh-Hà Đông hiện hữu

Đội vốn, chậm tiến độ, chất lượng không bảo đảm... dự án metro số 1 đang lặp lại hàng loạt những sự cố xảy ra tại tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Sau các sự cố rớt, lệch gối cao su tuyến metro số 1 (Bến Thành- Suối Tiên) được phát hiện, nhiều cảnh báo dự án có thể tiếp tục bị lùi tiến độ do sự cố có tính chất hệ thống. Nếu sự cố xảy ra trên toàn hệ thống sẽ dẫn tới nguy cơ phải sửa lại toàn bộ 1.138 gối cao su, kéo theo làm lại mố trụ, dầm cầu, thời gian nhanh cũng phải mất ít nhất 6 tháng. Điều này có nghĩa metro số 1 chắc chắn sẽ lỡ hẹn vận hành thương mại vào cuối năm nay.

Sai sót metro số 1: Bài học Cát Linh-Hà Đông hiện hữu - Ảnh 1
Một đoạn Metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: TTO

Cùng với việc đội vốn "khủng", tăng vốn gấp 3 lần, lên tới 30 ngàn tỷ (dự án được phê duyệt năm 2007 có tổng vốn đầu tư là 17.387,655 tỷ VND. Năm 2018, điều chỉnh tăng tương đương 47.325,2 tỷ đồng), chậm tiến độ, trục trặc về kỹ thuật, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, có vẻ như dự án đang lặp lại những sai lầm của dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) gây bức xúc nhiều năm qua. 

Ông Hòa cho hay, hàng loạt vấn đề xảy ra tại dự án Cát Linh - Hà Đông được đánh giá là do quá trình lựa chọn, ký kết hợp đồng triển khai thực hiện dự án có nhiều kẽ hở, khiến dự án liên tục gặp những sự cố về chất lượng công trình, lựa chọn vật liệu không đúng yêu cầu, dự án bị đội vốn, chậm tiến độ nhưng không xử lý được ai.

Dự án gây bức xúc trong thời gian dài, nhiều ý kiến yêu cầu rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm và phải xử lý thật nghiêm. Tuy nhiên, tới nay, dự án còn chưa khắc phục xong sự cố thì những biểu hiện sai sót tương tự lại đang lặp lại với chính tuyến metro tiếp theo tại TP.HCM.

Theo ông Hòa, ban đầu người ta vẫn cho rằng, sự cố xảy ra tại đường sắt Cát Linh - Hà Đông, là do vấn đề lựa chọn nhà thầu nước ngoài không tốt, chưa đủ uy tín, kinh nghiệm, gây ra những dư luận xấu về nhà thầu.

Nhưng qua dự án metro số 1 TP.HCM, có thể thấy, sai sót có thể xảy ra với bất kỳ dự án nào, nhà thầu nào, thực hiện ở trong Nam hay ngoài Bắc.

"Điều này buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi vì sao lại như vậy?

Đầu tiên, cũng cần phải thừa nhận không phải cứ nhà thầu nước ngoài là sẽ tốt? Việc lựa chọn nhà thầu, đầu tiên phải dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng. 

Tiếp theo, cũng cần xem xét lại năng lực, trình độ, kỹ thuật cũng như trách nhiệm của phía các cơ quan quản lý Việt Nam, cụ thể là những đơn vị được giao đại diện quản lý, triển khai dự án, cơ quan giám sát, tư vấn... đã tốt chưa, đã làm hết trách nhiệm chưa?

Việc những dự án, công trình trọng điểm quốc gia lại liên tục mắc sai sót mang tính hệ thống như: đội vốn, chậm tiến độ, sử dụng vật liệu sai thiết kế... cho thấy quá trình triển khai, thực hiện dự án còn nhiều kẽ hở, thậm chí có thể có tiêu cực, cần phải thanh tra, làm rõ", ông Hòa đề nghị.

Ông Hòa nhắc lại dự án Cát Linh - Hà Đông như bài học đau xót còn đang hiện hữu nhưng vì sao không được rút kinh nghiệm, khắc phục mà lại tiếp tục lặp lại tại tuyến metro số 1 trong thời gian dài không được phát hiện, xử lý?

"Bất kỳ dự án nào khi được triển khai cũng là sử dụng tiền của nhân dân, vì thế, sử dụng một đồng cũng phải cân nhắc, thận trọng. Một dự án chưa đánh giá được hiệu quả nhưng lại xảy ra quá nhiều sai sót, sự cố thì cần phải nhìn nhận lại công tác quản lý, triển khai dự án.", ông Hòa chỉ rõ.

Ông Hóa nói thêm, mỗi dự án đều có các hợp phần cụ thể, mỗi hợp phần lại có đơn vị thi công, đơn vị chịu trách nhiệm. Dự án chậm tiến độ, chắc chắn do từng hợp phần làm không tốt. Thế nhưng, vấn đề trách nhiệm liên quan xưa nay lại chưa được làm rõ, dẫn tới khi sự cố xảy ra trách nhiệm đổ chung chung, không biết trách nhiệm thuộc về ai. Điều này cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến các sự cố, sai sót cứ lặp đi lặp lại nhiều lần tại các dự án xây dựng hạ tầng.

Vì điều này, vị ĐBQH kiến nghị, từ dự án Cát Linh - Hà Đông, metro số 1 TP.HCM nhất thiết phải làm rõ ràng trách nhiệm của từng bên. Việc này không chỉ giúp thiết lập lại trật tự trong công tác quản lý, nâng cao trách nhiệm điều hành, mà còn giúp ngăn chặn hiện tượng sai sót mang tính hệ thống tiếp tục xảy ra tại các dự án sau này. 

 

Thái Bình

Theo Đất Việt