Đề xuất thêm nhiều sân bay nhỏ ở TP.HCM

Quy hoạch sân bay vùng TP.HCM có sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, song có đề xuất cần thêm một số sân nhỏ nhỏ cho TP này.

Ngày 12/3, Sở GTVT TP.HCM tổ chức Hội nghị về rà soát, góp ý Dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, sân bay thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội nghị, hàng không, sân bay là một trong những vấn đề được các chuyên gia quan tâm.

Theo đề án quy hoạch của Bộ GTVT, quy hoạch sân bay vùng TP.HCM giai đoạn tới gần như không có gì thay đổi, bao gồm Cảng hàng không Long Thành và bổ sung thêm các nội dung điều chỉnh quy mô sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt hành khách/năm khi có nhà ga T3 mới.

Tổng hợp ý kiến góp ý, ông Vương Quang Hưng, Trưởng phòng Xây dựng đường bộ, đại diện Sở GTVT TP.HCM, đề nghị nghiên cứu dời sân bay Tân Sơn Nhất đến các điểm thuận lợi cho kết nối đô thị như Củ Chi.

Đề xuất thêm nhiều sân bay nhỏ ở TP.HCM - Ảnh 1
Đại diện Sở GTVT TP.HCM đề nghị bổ sung sân bay cỡ nhỏ ở huyện Cần Giờ.

Bên cạnh đó, ông cũng nêu đề xuất nghiên cứu bổ sung một số sân bay trực thăng tại các điểm thuận lợi trên địa bàn TP.HCM như Củ Chi, Thủ Đức.

Đặc biệt, đại diện Sở GTVT TP.HCM kiến nghị bổ sung sân bay cỡ nhỏ ở huyện Cần Giờ. Nguyên nhân, huyện này đã được quy hoạch là 1 trong 4 khu đô thị mới của TP, tương lai sẽ phát triển mạnh mẽ về dịch vụ, kinh tế, xã hội. Việc xây dựng sân bay sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công tác triển khai hoạt động cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy và phát triển kinh tế.

TS Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông, lưu ý, cần phân loại rõ sân bay thương mại và sân bay chuyên dụng (sân bay nhỏ, sân bay trực thăng) để đánh giá thực tế nhu cầu phát triển.

Theo ông, tất cả quy hoạch hàng không hiện nay đều chỉ nói đến sân bay thương mại, lưỡng dụng mà không đề cập đến sân bay chuyên dụng. Đối tượng này thuộc Bộ Quốc phòng quản lý nhưng Bộ Quốc phòng không có quy hoạch sân bay. Điều này cản trở rất lớn sự đa dạng phát triển hàng không.

Báo Thanh niên dẫn lời ông Nam đánh giá, Cần Giờ không có đủ đất để xây sân bay lớn. Tuy nhiên, nơi đây đã được quy hoạch trở thành đô thị bất động sản cao cấp, phát triển dịch vụ, du lịch cao cấp, không thể thiếu sân bay trực thăng để đón các tỉ phú trên thế giới, nâng cao giá trị kinh tế.

Tương tự, TP.HCM mong muốn biến TP Thủ Đức thành trung tâm tài chính, trung tâm kinh tế của toàn khu vực thì nhất định phải có sân bay trực thăng để phục vụ giới siêu giàu, phục vụ các nhà đầu tư lớn từ khắp nơi đổ về.

Thực tế, TP.HCM hiện nay có 2 sân bay trực thăng trên nóc tòa nhà Bitexco và TimeSquare (quận 1) nhưng vẫn chưa một lần được sử dụng vì không có quy hoạch. Hay như loại hình thủy phi cơ rất dễ phát triển, chỉ cần diện tích mặt nước chưa tới 1 km có thể cất/hạ cánh, không cần nhiều hạ tầng; TP.HCM cũng như toàn vùng ĐBSCL với mạng lưới sông ngòi dày đặc nhưng không thể triển khai được, cũng vì không có hành lang pháp lý.

Nhấn mạnh "Không có sân bay chuyên dụng sẽ không thể phát triển đa dạng du lịch và trực thăng y tế", ông Lương Hoài Nam đề nghị các đơn vị tư vấn làm việc với nhau để sớm đề ra các quy hoạch sân bay chuyên dụng, đường băng dưới 2 km, tư nhân có thể đầu tư để đảm bảo nơi nào cũng có sân bay.

Trước đó, góp ý cho quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều chuyên gia cho rằng, quy hoạch này thiếu sót khi chưa đề cập tới sân bay chuyên dụng.

Tuy nhiên, một vấn đề cũng gây lo ngại, đó là thời quan qua, có rất nhiều  đề xuất xây sân bay từ các địa phương, có những khu vực đưa sân bay vào sẽ bị chồng chéo, đặt biệt là vùng trời, vùng bay và các vấn đề về nhu cầu.

 

Minh Thái (Tổng hợp)

Theo Đất Việt