ĐHĐCĐ Coteccons: Chốt loạt mục tiêu lớn, nóng chuyện cổ đông chất vấn việc phát hành ESOP

Sáng 25/4, đại hội đồng cổ đông thường niên Coteccons (HoSE: CTD) đã diễn ra thành công với kết quả toàn bộ tờ trình được thông qua.

Tại đại hội, HĐQT CTD đã trình cổ đông 12 tờ trình. Trong đó, có những tờ trình rất quan trọng như: nới “room” ngoại lên 100%, phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu ESOP từ nguồn cổ phiếu quỹ, tìm kiếm cơ hội kêu gọi vốn đầu tư vào Unicons và Chương trình ESOP 5 năm.

Mục tiêu “đại nhảy vọt”

Mặc dù gặp khá nhiều khó khăn, song CTD đã kết thúc năm 2022 “không đến nỗi nào” khi có được năm tăng trưởng đầu tiên dưới “triều đại” Bolat Duisenov. Cụ thể, công ty đạt 14.537 tỷ đồng doanh thu, tăng 60% so với năm trước và hoàn thành 97% kế hoạch; gặt hái 21 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 12% so với năm trước và hoàn thành 105% kế hoạch.

Trong năm 2022, CTD đã thắng thầu hơn 50 dự án với tổng giá trị xây dựng hơn 25.000 tỷ đồng, điển hình là các dự án: Lego, VinFast, Ecopark, Diamond Crown Hải Phòng.

Hoạt động thi công khá tốt với việc hoàn thành đúng thời hạn và bàn giao cho khách hàng 18 dự án trong năm 2022, chẳng hạn như: Vinhomes Grand Park - phân khu 2, VinFast, Hilton Vũng Tàu… Bên cạnh đó, công ty cũng hoàn thành đóng bảo hành 19 dự án như: Masteri Thảo Điền, Friendship Tower, Kingdom 101, Hòa Phát - Dung Quất 1… Đây là năm có số lượng dự án đóng bảo hành lớn nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, lần lượt tăng 375% so với năm 2020 và 27% so với năm 2021.

Năm 2022, CTD cũng đã thực hiện trích lập dự phòng 500 tỷ đồng để đảm bảo an toàn tài chính, đó có thể xem là nỗ lực không nhỏ trong việc khẳng định phương châm minh bạch của lãnh đạo công ty.

Điểm trừ của năm 2022 là dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính đã bị âm (- 1.626 tỷ đồng). Nguyên nhân khách quan của tình trạng này là khó khăn chung của ngành bất động sản, nguyên nhân chủ quan là việc thu hồi công nợ chậm và một số dự án đang triển khai rơi vào tình trạng lỗ. Điều đáng kể là cuối quý IV/2022 công ty đã tiến hành kiểm soát chặt chẽ dòng tiền theo từng dự án, điều này đã mang lại bức tranh tích cực hơn cho dòng tiền trong quý I/2023.

Năm 2023, CTD đặt mục tiêu doanh thu năm tài chính (kết thúc ngày 30/6/2023) là 7.644 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 44 tỷ đồng; mục tiêu doanh thu cả năm 2023 là 16.537 tỷ đồng, tăng 12% và lợi nhuận sau thuế 233 tỷ đồng, tăng 1.010% so với năm 2022. Trong bối cảnh ngành xây dựng được nhận định là còn rất khó khăn, mục tiêu kinh doanh này của CTD không khác gì một cú “đại nhảy vọt” trong số các “ông lớn” xây dựng.

Đáng chú ý, HĐQT CTD cho biết định hướng đầu tư dài hạn của công ty là sẽ tiến hành M&A theo hướng đa dạng hóa mở rộng sang các lĩnh vực lân cận trong hệ sinh thái xây dựng, bất động sản, nhằm cung cấp giải pháp, sản phẩm, dịch vụ toàn diện hướng đến khách hàng.

ĐHĐCĐ Coteccons: Chốt loạt mục tiêu lớn, nóng chuyện cổ đông chất vấn việc phát hành ESOP - Ảnh 1
CEO CTD Võ Hoàng Lâm

Tâm điểm phát hành cổ phiếu

Trọng tâm của mùa đại hội 2023 của CTD là việc phát hành cổ phiếu. Cụ thể, CTD tính phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Phương án phát hành là tỷ lệ 3:1 (cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu sẽ được nhận 1 cổ phiếu mới). Nguồn vốn phát hành lấy từ quỹ đầu tư phát triển trên báo cáo tài chính riêng năm 2022. Số lượng dự kiến phát hành là 24.804.753 cổ phiếu, tổng giá trị là hơn 248 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện phát hành dự kiến trong năm 2023, hoặc thời gian khác theo quyết định của HĐQT, sau khi hoàn thành đợt phát hành 554.785 cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên theo Nghị quyết ĐHĐCĐ số 01/2023 ngày 2/3/2023.

Sau khi phát hành, vốn điều lệ của CTD sẽ tăng lên hơn 1.036 tỷ đồng.

Cùng với phương án trên, CTD cũng tính phát hành cổ phiếu ESOP từ nguồn cổ phiếu quỹ. Theo đó, sau khi hoàn thành việc phát hành ESOP từ nguồn cổ phiếu quỹ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ số 01/2023 (554.785 cổ phiếu), số cổ phiếu quỹ của CTD sẽ là 4,416 triệu cổ phiếu.

Từ nguồn này, CTD sẽ phát hành 713.295 cổ phiếu ESOP, bằng 90% số cổ phiếu dự kiến phát hành theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên số 09/2022 và chiếm 0,97% số cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 hoặc thời điểm khác song bắt buộc phải sau khi hoàn thành việc bán 554.785 cổ phiếu quỹ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ số 01/2023 và sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu thưởng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ lần thứ 19/2023.

Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành. Số tiền thu được sẽ bổ sung vốn lưu động cho công ty.

Tại đại hội, CTD cũng thông qua chương trình 05 năm phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn cho người lao động (gọi tắt là chương trình ESOP 5 năm). Theo thuyết minh của CTD, đây là một chương trình dài hạn mà HĐQT công ty xây dựng để giữ chân nhân tài, gắn lợi ích của các nhân sự chủ chốt với nhiệm vụ gia tăng lợi ích và giá trị cổ phiếu cho cổ đông. Giá phát hành ESOP sẽ được xác định tại từng thời điểm phát hành. Số lượng cổ phần dự kiến phát hành tối đa 12,5% tổng số cổ phần đang lưu hành, tương ứng 2,5%/năm. Trong đó: dự kiến 50% tổng giá trị phát hành (tương đương 1,25% tổng số cổ phần đang lưu hành) sẽ được trích từ quỹ lương của công ty và 50% (tương đương 1,25% tổng số cổ phần đang lưu hành) còn lại sẽ được trích từ quỹ thưởng của công ty.

Tiêu chí phát hành là giá trị cổ phiếu trung bình năm tăng ít nhất 10%/năm. Giá trị vốn hóa mục tiêu sau 5 năm là 1 tỷ USD.

Một nội dung đáng chú ý khác là đại hội CTD cũng thông qua việc tìm kiếm cơ hội kêu gọi vốn đầu tư vào Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons. Unicons là công ty con của CTD, được thành lập năm 2006, đến cuối năm 2022 có tổng tài sản 5.018 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.592 tỷ đồng, giá trị sổ sách gấp 16,8 lần so với vốn điều lệ, doanh thu năm 2022 là 5.773 tỷ đồng.

HĐQT CTD sẽ nghiên cứu cơ hội kêu gọi vốn đầu tư vào Unicons, quyết định thời điểm và hình thức kêu gọi vốn đầu tư cho Unicons.

Ngoài ra, đại hội CTD cũng thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (nới “room” ngoại) lên 100% và không phân phối lợi nhuận nâm 2022.

ĐHĐCĐ Coteccons: Chốt loạt mục tiêu lớn, nóng chuyện cổ đông chất vấn việc phát hành ESOP - Ảnh 2
Kế toán trưởng CTD Cao Thị Mai Lê

Nội dung thảo luận

- Yếu tố nào giúp CTD đảm bảo hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2023, nhất là khi nhân sự đã thay đổi rất nhiều?

Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov: CTD luôn quan tâm phát triển nhân tài, do đó chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều từ việc thay đổi nhân sự. Chúng tôi biết mình đang làm gì, có những cơ hội gì và chúng tôi lạc quan với điều đó. Qua quá trình làm việc với các tổ chức quốc tế, chúng tôi nhìn nhận năng lực của CTD không thua kém gì các đơn vị quốc tế. Nếu có thêm may mắn, CTD sẽ đạt được những kết quả to lớn.

- CTD đã ký kết với 3 ngân hàng lớn là BIDV, VietinBank và MB, đâu là lí do?

CEO Võ Hoàng Lâm: Dòng tiền của CTD khá tốt, chúng ta có tiền mặt dồi dào, các chỉ số tài chính cũng tương đối tốt. Nhưng giai đoạn tới, CTD sẽ chuyển đổi, đa dạng hóa nhiều lĩnh vực. Với lĩnh vực hạ tầng hay đầu tư công, nguồn vốn cần sử dụng là rất lớn. Do đó, CTD cần có sự ủng hộ của các ngân hàng.

- Năm 2023, CTD dự kiến trích lập dự phòng bao nhiêu?

Kế toán trưởng Cao Thị Mai Lê: Chúng tôi đã tính toán các yếu tố và ước tính có thể trích lập khoảng 172 tỷ đồng.

- Ghi nhận thực tế là có một số kỹ sư của CTD đã phải chịu giảm thu nhập 20% - 30%, lãnh đạo công ty có thể nói gì về điều này?

Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov: Việc kỹ sư bị giảm thu nhập là có thật. Nhưng không chỉ riêng kỹ sư, mọi người đều vậy, cá nhân tôi cũng không ngoại lệ. Điều này phản ánh đúng thực trạng thị trường hiện nay, nếu như mọi người nhìn sang các công ty ngoài kia, không chỉ riêng trong mảng xây dựng. Có thể nói, chúng tôi đã nỗ lực để giữ công ăn việc làm cho người lao động. CTD còn may mắn hơn nhiều công ty khác khi còn backlog lớn, còn dự án để làm. Ở CTD, chúng tôi cũng gắn thu nhập vào hiệu quả kinh doanh nữa. Bởi vậy, nếu nói rằng CTD cố tình cắt giảm thu nhập của người lao động vì lợi ích của mình thì không chính xác.

CEO Võ Hoàng Lâm: Hầu hết doanh nghiệp khó khăn đều cắt giảm lương của nhân viên với biên độ lớn. Như ông Bolat đã chia sẻ, nhân sự CTD hưởng lương theo vị trí công việc, không phải như công ty nhà nước xây dựng mức lương theo cấp bậc. Chúng tôi hoạt động theo tình hình thực tế.

ĐHĐCĐ Coteccons: Chốt loạt mục tiêu lớn, nóng chuyện cổ đông chất vấn việc phát hành ESOP - Ảnh 3

- Công nợ phải thu tăng, dòng tiền âm, tiền mặt giảm, lãnh đạo CTD có biện pháp nào để cải thiện?

Kế toán trưởng Cao Thị Mai Lê: Công nợ và hàng tồn kho là đặc thù của ngành xây dựng, vì nhà thầu phải ứng trước để thi công, sau 2 – 3 tháng mới được chủ đầu tư nghiệm thu và thanh toán. Đây là rủi ro của ngành và để giảm thiểu rủi ro, chúng tôi phải đánh giá kỹ chủ đầu tư. Đó cũng là một phần lý do khiến chúng tôi hướng vào việc theo đuổi các dự án quy mô lớn đến rất lớn (mega) vì chủ đầu tư các dự án đó có tiềm lực mạnh.

Là doanh nghiệp dẫn đầu ngành, chúng tôi luôn phải đảm bảo an toàn về tài chính, vì sau lưng chúng tôi còn có nhiều thầu phụ mà đa phần có tài chính yếu. Chúng tôi phải là chỗ dựa cho các nhà thầu đó.

Năm 2022, dòng tiền kinh doanh âm là do CTD thi công nhiều dự án. Chúng tôi phải đẩy dòng tiền ra ngoài để xây dựng dự án, tạo nên sự tăng trưởng doanh thu. Tiền sẽ về trong năm 2023 này và các năm tới. Quý I/2023 đã chứng minh điều đó.

- Tại sao CTD đầu tư chứng khoán trong khi đang phải đi vay?

Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov: CTD có lượng tiền mặt lớn, chúng tôi luôn cố gắng giữ một khoản tiền lớn cho các kế hoạch tương lai. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tư duy như một đơn vị quản lý quỹ, chúng tôi không thể để một lượng tiền rất lớn trong kho. Có tiền thì chúng tôi phân chia ra, phần gửi ngân hàng, phần mua trái phiếu, phần nắm cổ phiếu, phần đầu tư cái khác. Trong ngắn hạn, số tiền đầu tư đó chưa mang lại giá trị mong muốn nhưng dài hạn sẽ khác.

- Tại sao biên lợi nhuận gộp quý I/2023 lại thấp như vậy?

Kế toán trưởng Cao Thị Mai Lê: Khó khăn của ngành xây dựng thì mọi người đều thấy rõ. CTD trải qua mấy năm liền khó khăn, giá đầu vào cao, giá chủ đầu tư giao dự án thì thấp. Tới giờ, CTD vẫn đối diện với những khó khăn đó. Tuy nhiên, những điều này đã được dự báo, chúng tôi vẫn đảm bảo minh bạch để số liệu trên báo cáo phản ánh đúng tình hình thực. Chúng tôi hi vọng thời gian tới tình hình sẽ tốt hơn.

- Ông Bolat Duisenov có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp xây dựng vượt qua khó khăn?

Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov: Ngành xây dựng đang thiếu sự tin tưởng. Những thành viên của ngành không tin tưởng và tôn trọng nhau. Điều đó tạo nên thảm họa cho ngành này. Đây là thực tế hiển nhiên. Nếu các thành viên đó có thể tin nhau, tôi tin rằng chúng ta có thể nâng cao vị thế ngành xây dựng trong mắt khách hàng.

- Năm 2017, vốn hóa của CTD gần chạm 1 tỷ USD. Công ty khi đó có chính sách phát hành 2,6 triệu cổ phiếu ESOP, nhưng chính ông Bolat Duisenov, với vai trò đại diện cho cổ đông lớn Kusto Group, đã đòi giảm xuống 1,3 triệu cổ phiếu để bảo vệ quyền lợi cho cổ đông lớn. Sau 6 năm, ông Bolat lại muốn phát hành 12,5 triệu cổ phiếu ESOP. Ông lý giải như thế nào về việc này?

Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov: Đấy là lý do vì sao tôi nỗ lực xây dựng sự minh bạch ở CTD. Tôi nhấn mạnh tôi không phải là chủ tịch ủy ban nhân sự và tiền thưởng; tôi không quyết định ai được thưởng và thưởng bao nhiêu; tôi cũng không thiên vị được cho ai. Việc này đã có ủy ban nhân sự và tiền thưởng lo liệu. Như vậy chính sách ESOP đảm bảo sự khách quan, công bằng.

6 năm trước, tôi phản đối kế hoạch 2,6 triệu cổ phiếu ESOP là phản đối về quy trình thực hiện. Tôi hiểu rằng ESOP rất có lợi, nhưng nếu quy trình phát hành ESOP không phản ánh đúng những thực hành tốt của thị trường thì đó lại là điều không nên. Việc này phải minh bạch. Góc nhìn của tôi là mọi thứ phải minh bạch, để chúng ta đều có thể đối diện với chính mình trong gương.

- Xin chia sẻ tiến độ các công việc của dự án Lego và việc đấu thầu dự án sân bay Long Thành?

CEO Võ Hoàng Lâm: Về dự án Lego, giấy phép xây dựng đã có, các công tác chuẩn bị đang được hoàn tất, thi công đang tiến hành. Dự kiến năm 2024, dự án sẽ đi vào hoạt động. Còn việc đấu thầu dự án sân bay Long Thành rất phức tạp, khó có thể chia sẻ nhiều.

Ái Châu Tử

Theo VietnamFinance