DIC Corp bị cưỡng chế thi hành thuế 30 tỷ đồng, giá cổ phiếu trượt dốc mất hơn 60% giá trị
Chi cục thuế khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong toả tài khoản của DIC Corp tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng với số tiền hơn 30 tỷ đồng.
DIC Corp bị cưỡng chế thi hành thuế hơn 30 tỷ đồng
Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Group) công bố thông tin quyết định cưỡng chế về thuế. Theo quyết định ngày 22/6/2022 của Chi cục thuế khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong toả tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng với số tiền hơn 30,6 tỷ đồng.
DIC Group cho biết liên quan đến vấn đề này, Công ty đã có văn bản ngày 28/6/2022 gửi các cơ quan Nhà nước liên quan đề nghị xem xét lại vấn đề thuế.
DIC Corp nhìn từ các số liệu trên BCTC
BCTC quý 1/2022 ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền của DIC Corp đạt gần 1.600 tỷ đồng, tăng gần 600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó tương đương tiền là các khoản tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng, gấp đôi đầu năm, lên gần 1.300 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt hơn 1.400 tỷ đồng, giảm 1.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm – là các khoản tiền gửi kỳ hạn dài hơn tại ngân hàng. So với thời điểm đầu năm 2022 DIC Corp đã không còn nắm giữ số trái phiếu trị giá gần 1.200 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP PT Thành phố Hồ Chí Minh – CN Vũng Tàu.
Trong khi đó tổng vay ngắn hạn đến 31/3/2022 tăng hơn 330 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, lên 944 tỷ đồng. Các khoản vay dài hạn đến 31/3/2022 hơn 1.000 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của DIC Corp là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam với 210 tỷ đồng dư vay nợ ngắn hạn và 562 tỷ đồng dư vay nợ dài hạn tại chi nhánh Bình Xuyên.
Ngoài ra DIC Corp còn khoản vay nợ trái phiếu với tổng giá trị trị gần 3.400 tỷ đồng. Đây là số trái phiếu huy động bằng việc phát hành trái phiếu thường, thời hạn 36 tháng, đáo hạn vào tháng 9/2023 (2.000 tỷ đồng) và tháng 11/2024. Khoản hu động này được đảm bảo bằng toàn bộ tài sản, quyền tài sản và các quyền, lợi ích hiện hữu phát sinh trong tương lai tại dự án “Khu đô thị du lịch Long Tân” và toàn bộ cổ tức, lợi tức phát sinh từ số lượng cổ phiếu thế chấp tại HDBank thuộc sở hữu của Tổng công ty.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ ghi nhận lưu chuyển tiền thuần trong hoạt động kinh doanh quý 1/2022 của công ty là số âm gần 1.500 tỷ đồng, trong đó chi nộp thuế TNDN hơn 248 tỷ đồng.
Cổ phiếu DIG vẫn còn “trượt dốc", mất hơn 65% giá trị từ vùng đỉnh
DIG là một trong những cổ phiếu thuộc nhóm “cổ phiếu hình cây thông” đã lấy đi bao nhiêu công sức của các nhà đầu tư thời gian vừa qua. Ở “sườn trái” khi “phi” lên, DIG đã chạy một mạch từ vùng giá 25.000 đồng/cổ phiếu vào nửa cuối tháng 7/2022 lên hơn gấp 4 lần, tạo đỉnh mới ở vùng giá trên 110.000 đồng/cổ phiếu trong vòng khoảng 5 tháng – đến đầu tháng 1/2022.
Sau khi xác lập đỉnh mới, DIG nhanh chóng giảm xuống với nhịp giảm đầu tiên chỉ trong vòng 1 tháng, mất đi khoảng 32% giá trị, về dưới 69.000 đồng/cổ phiếu khiến các nhà đầu tư chỉ có thể ngậm ngùi cắt lỗ.
Nhịp thứ 2 DIG tiếp tục tăng mạnh, trong vòng hơn 1 tháng đã vượt ngưỡng 100.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư đang dần lấy lại niềm tin, “lên tàu” với kỳ vọng DIG tiếp tục tăng, thì ngay lập tức cổ phiếu này trượt dốc, ở “sườn phải” của cây thông, DIG mất đi 2/3 giá trị, về dưới 37.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Lãnh đạo tung tiền mua cổ phiếu hay “chiêu bài”?
Khi DIG lao dốc mạnh, một lãnh đạo của ông ty, ông Nguyễn Hùng Cường – Phó Chủ tịch HĐQT – công bố thông tin đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu DIG để gia tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 30/6 đến 29/7/2022.
Thông thường, khi cổ phiếu biến động mạnh, các nhà đầu tư kỳ vọng vào các động thái của các lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy vậy lần đăng ký mua này của Phó Chủ tịch DIC Group không khiến các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng. Nguyên nhân cũng bởi tháng 1/2022 khi DIG rơi vào nhịp điều chỉnh giảm lần đầu trong năm, ông Cường đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu, nhưng kết quả cũng chỉ mua vào được vỏn vẹn 145.000 cổ phiếu. Do vậy lần mua tiếp theo này không được các nhà đầu tư kỳ vọng, thậm chí trên một số diễn đàn chứng khoán các nhà đầu tư còn xem một số động thái mua “đỡ giá” của các lãnh đạo doanh nghiệp nhưng không thực hiện là các “chiêu bài”.
Ảnh hưởng của việc cổ đông lớn thoái vốn
Một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu DIG lao dốc thời gian qua có thể đến từ việc cổ đông lớn liên tục thoái vốn. Trong đó Địa Ốc Him Lam liên tục bán ra lượng lớn cổ phiếu, tăng đột biến lượng “cung” ra thị trường, Cổ đông lớn Thiên Tân cũng bán ra lượng lớn cổ phiếu.
Tác động từ việc này càng khiến các nhà đầu tư hoang mang, giá cổ phiếu liên tục giảm. Đến mức Chủ tịch HĐQT công ty – ông Nguyễn Thiện Tuấn – phải lên tiếng trấn an, và thông báo đã chuyển kiến nghị đến Him Lam về việc ngừng bán để ổn định giá cổ phiếu.
Tuy vậy nhiều nhà phân tích đánh giá rằng động thái lần này của DIC Group phải chăng là quá muộn?