Điện khí LNG 2,3 tỷ USD chậm tiến độ, Quảng Trị sốt ruột hối thúc

Điện khí LNG 2 tỷ USD được Quảng Trị xác định đây là dự án động lực phát triển. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn chưa đạt tiến độ so với kế hoạch đề ra theo cam kết giữa nhà đầu tư và tỉnh Quảng Trị.

Dự án điện khi LNG Hải Lăng giai đoạn 1 do Liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T (Việt Nam) và Tổng công ty Năng lượng Hanwha - HEC, Tổng công ty Khí Hàn Quốc - KOGAS, Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc - KOSPO thực hiện. Dự án được khởi công vào tháng 1/2022.

Dự án được xây dựng trong khu phức hợp năng lượng của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị với quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 148 ha. Tổng mức đầu tư dự án gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD).

Phối cảnh dự án trung tâm điện khí LNG Hải Lăng trong khu phức hợp năng lượng tại KKT Đông Nam Quảng Trị.
Phối cảnh dự án trung tâm điện khí LNG Hải Lăng trong khu phức hợp năng lượng tại KKT Đông Nam Quảng Trị.

Theo kế hoạch, Dự án sẽ xây dựng Trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng (giai đoạn 1), tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000-226.000 m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm điện lực Hải Lăng (giai đoạn 1) có công suất phát điện 1.500 MW.

Dự án dự kiến sẽ bắt đầu thi công vào quý IV/2025 với thời gian xây dựng 48 tháng, dự kiến đến quý IV/2029 dự án sẽ vận hành thương mại.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, đến nay dự án đã hoàn thành các thủ tục về điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung và điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam, khu vực thực hiện dự án; điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án; quy hoạch sử dụng đất; báo cáo đánh giá tác động môi trường; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; báo cáo định lượng rủi ro của dự án; chấp thuận bổ sung bến chuyên dùng LNG, luồng chuyên dùng cho tàu đến phục vụ Nhà máy điện LNG Hải Lăng giai đoạn 1 vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Trung Trung Bộ (Nhóm số 3) và các thỏa thuận liên quan.

Các nội dung công việc đang thực hiện gồm: Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (FS); thực hiện các thỏa thuận chuyên ngành còn lại; xin cấp phép khai thác và sử dụng nước biển của dự án; lựa chọn các đơn vị tư vấn hỗ trợ chủ đầu tư (tư vấn pháp lý, tư vấn lập thiết kế sau thiết kế cơ sở và hồ sơ mời thầu EPC, tư vấn kỹ thuật…); điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất năm 2023 - 2025 của huyện Hải Lăng để có cơ sở triển khai các công việc liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB).

Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, nhà đầu tư đã trao đổi nguyên nhân liên quan đến việc chậm trễ tiến độ triển khai dự án; đồng thời cho biết đang khẩn trương tiến hành báo cáo nội bộ để thống nhất phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, và thành lập văn phòng dự án tại Quảng Trị trong tháng 5/2025…

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh  Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho biết, đến thời điểm này, dự án vẫn chưa đạt tiến độ so với kế hoạch đề ra theo cam kết giữa nhà đầu tư và tỉnh Quảng Trị.

Ông Đồng đề nghị liên danh nhà đầu tư sớm có văn phòng đại diện cũng như cán bộ chuyên môn tại Quảng Trị vào đầu tháng 5/2025.

Sớm hoàn thành và bàn giao hồ sơ đo đạc, cũng như quy chủ đất đai, thu hồi phần diện tích đất thực hiện dự án, điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết và điều chỉnh chủ trương đầu tư để trình UBND huyện Hải Lăng ban hành thông báo thu hồi, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định.

Đồng thời, khẩn trương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trước ngày 10/5/2025 để làm cơ sở thành lập tổ chức kinh tế quản lý dự án tại Quảng Trị.

Lãnh đạo Quảng Trị giao Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét, rà soát để có hướng tháo gỡ một số vướng mắc liên quan đến hợp đồng mua bán điện, giá điện, thời gian huy động công suất...

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng hỗ trợ liên danh nhà đầu tư làm việc với Công ty CP Liên doanh Cảng quốc tế Mỹ Thủy để thống nhất các nội dung liên quan đến việc đầu tư, khai thác tuyến luồng hàng hải và vùng quay trở tàu để làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh.

Văn Tuân

Theo Vietnamfinance