Điều chỉnh chủ trương đầu tư sân bay hơn 5.000 tỷ ở tỉnh dài nhất Việt Nam theo Quốc lộ 1A
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có ý kiến chỉ đạo về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không hơn 5.000 tỷ tại Phan Thiết, hạnh mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 7292/VPCP-CN ngày 7/10/2024, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã xem xét kiến nghị của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với hạng mục hàng không dân dụng của Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, theo hình thức hợp đồng BOT.
Phó Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đưa ra ý kiến về nội dung tiếp thu, giải trình của UBND tỉnh Bình Thuận dựa trên yêu cầu của Hội đồng thẩm định liên ngành tại Báo cáo kết quả thẩm định (số 4823/BC-HĐTĐLN ngày 20/6/2024).
Bộ KH&ĐT sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về các kiến nghị của UBND tỉnh Bình Thuận, đặc biệt là liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài sản chung do Bộ Quốc phòng đầu tư, quản lý và việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Bộ KH&ĐT được yêu cầu rà soát kỹ lưỡng dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án, đảm bảo nội dung thẩm định chặt chẽ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/10/2024.
Dự án sân bay Phan Thiết, được quy hoạch bởi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) năm 2013 với diện tích 543ha, nằm tại xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, là sân bay kết hợp quân sự và dân dụng. Trong đó, hạng mục quân sự do Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm, còn hạng mục hàng không dân dụng được UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, vốn nhà đầu tư được huy động cho các hạng mục sân bay Phan Thiết là hơn 5.057 tỷ đồng, trong đó vốn của nhà đầu tư là 759 tỷ đồng, vốn vay là 4.300 tỷ đồng.
Như vậy, nguồn vốn chủ sở hữu chiếm 15% trong tổng phần vốn của nhà đầu tư (phù hợp với khoản 1, điều 77, Luật Đầu tư).
Thời gian qua, Quân chủng Phòng không Không quân đã triển khai các hạng mục như đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay... theo đúng kế hoạch.
Về phần hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT, CTCP Rạng Đông - đơn vị chủ đầu tư, cũng đã tiến hành thi công một số hạng mục.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhằm bảo đảm sự phát triển lâu dài, khai thác các đường bay quốc tế và nâng cao hiệu quả đầu tư, UBND tỉnh Bình Thuận cùng Bộ Quốc phòng đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Bộ GTVT cũng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không Phan Thiết theo hướng này.
Sân bay Phan Thiết được quy hoạch là cảng hàng không quốc nội cấp 4E, phục vụ cả mục đích dân dụng và quân sự với đường cất hạ cánh dài 3.050m và nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.
Do việc điều chỉnh dự án dẫn đến thay đổi quy mô đầu tư và tổng mức đầu tư so với dự án ban đầu, đồng thời có ý kiến từ Hội đồng thẩm định, nên cần phải xem xét lại việc lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án theo quy mô mới và tuân thủ theo quy định hiện hành.
Bình Thuận là một tỉnh nằm tại cực Nam Duyên hải Nam Trung Bộ với diện tích tự nhiên khoảng 7.992km2, đây là tỉnh dài nhất Việt Nam tính theo đường Quốc lộ 1A với chiều dài 178,5km.
Mặc dù không có diện tích lớn nhất cả nước, nhưng chiều dài của tỉnh này là rất đáng kinh ngạc. Bình Thuận cũng là một trong năm tỉnh thành có đường bờ biển dài nhất Việt Nam.