Điều hành giá phù hợp đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát

Viện Kinh tế- Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá tổ chức hội thảo nhận định về diễn biến thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024.

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%; CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng cao hơn của bình quân nhiều năm. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung khá nhiều...

Điều hành giá phù hợp đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát  
Điều hành giá phù hợp đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát  

Theo Cục Quản lý giá, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Về cơ bản, giá các mặt hàng nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định. Đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm (là những mặt hàng chiếm quyền số lớn trong rổ hàng hóa tính CPI) giá cả tương đối ổn định do sản xuất tăng trưởng khá cao, nguồn cung dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giữ giá cả ổn định những tháng đầu năm.

6 tháng đầu năm, xu hướng tăng giá diễn ra tập trung vào các tháng Tết, nhưng sang đến tháng 3/2024, CPI đã quay đầu giảm và xu hướng ổn định kéo dài hết tháng 4/2024 và đến tháng 6/2024. Các yếu tố chính làm tăng CPI bao gồm giá các nhóm dịch vụ giáo dục, nhóm thuốc và dịch vụ y tế, nhà ở và vật liệu xây dựng, các mặt hàng thực phẩm, giao thông…

Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính cho biết, nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm nay, có thể thấy rằng áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải. Cụ thể, so với cuối năm 2023, CPI mới chỉ tăng 1,40%, tương đương trung bình khoảng 0,23%/tháng. Nếu xét riêng trong quý 2/2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng. Đây đều là các mức vừa phải trong 5 năm gần đây.

Ông Độ đưa ra dự báo 6 tháng cuối năm, áp lực lạm phát được dự báo cũng sẽ không lớn. Nguyên nhân là do kinh tế Việt Nam trong năm 2024 vẫn đang hoạt động ở dưới mức tiềm năng; tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trong giai đoạn 2020-2024 luôn ở mức thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP; tỷ giá sẽ ổn định, thậm chí giảm khi Fed hạ lãi suất 1-2 lần và USD có thể giảm giá trên thị trường quốc tế; giá dầu khó tăng mạnh do nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ vẫn hiện hữu khi Fed duy trì lãi suất ở mức cao... Mặc dù, lương cơ sở được tăng từ 1/7/2024, nhưng chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, nên tác động tới lạm phát sẽ không quá lớn.

“Do đó, không có nhiều yếu tố gây tăng giá đột biến trong 6 tháng cuối năm 2024 (ngoại trừ việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý chưa được công bố về quy mô và thời điểm). Vì vậy, có thể kỳ vọng tốc độ tăng giá trong 6 tháng cuối năm sẽ ở mức tương đương so với trong 6 tháng đầu năm (nếu không có các đợt điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn). Nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh trong quý 3/2024. Tính trung bình, CPI trong cả năm 2024 được dự báo sẽ tăng 3,4% (+/-0,2%)”, ông Độ nhận định

Trong khi đó, theo PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, dự báo CPI bình quân 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức 4,2% - 4,5%. Lý do chính là bởi năm 2024, bối cảnh lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt, khả năng lạm phát ở Việt Nam tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra; Chính phủ luôn thận trọng và chủ động trong điều hành giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát, nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng,...

Để kiểm soát lạm phát nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tăng trường kinh tế năm 2024, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, công tác điều hành giá từ nay đến cuối năm cần chủ động rà soát các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường; đánh giá kĩ tác động đối với mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều chỉnh giá phù hợp. Mặt khác, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lí, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo khả năng huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước…

Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín  
Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín  

Tuy vậy, để ổn định giá cả thị trường, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt trước thông tin về chủ trương cải cách tiền lương, bà Vũ Hương Trà, Phó trưởng phòng Phòng chính sách tổng hợp (Cục Quản lý giá) cho biết, công tác điều hành giá tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá. Đặc biệt, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Dù áp lực lạm phát là điều đáng quan tâm, song các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lạm phát và giá cả hàng hóa thế giới đã hạ nhiệt, khả năng lạm phát tăng mạnh trong năm nay khó xảy ra. Thêm vào đó, trong bối cảnh Chính phủ luôn thận trọng và chủ động trong điều hành giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát, lạm phát của Việt Nam sẽ trong tầm kiểm soát, qua đó tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dư địa để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.

Trung Kiên

Theo Chất lượng và Cuộc sống