Định hướng 'ba không' và sự 'ngược đời' của FPTS

Năm 2025, FPTS không tham vọng tăng trưởng cao, tiếp tục không huy động vốn từ cổ đông và duy trì quan điểm không dựa dẫm vào Tập đoàn FPT.

Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS, HoSE: FTS) vừa ĐHĐCĐ thường niên 2025 với toàn bộ tờ trình được thông qua ở mức đồng thuận cao. Tại đây, Tổng Giám đốc Nguyễn Điệp Tùng đã giải đáp băn khoăn của các cổ động về định hướng “ba không” được cho là khác biệt so với phần đông các công ty chứng khoán khác trên thị trường.

Năm 2025, FPTS không tham vọng tăng trưởng cao, tiếp tục không huy động vốn từ cổ đông và duy trì quan điểm không dựa dẫm vào FPT.

Không tham vọng tăng trưởng cao

Năm 2025, FPTS đặt mục tiêu tổng doanh thu hoạt động đạt 1.000 tỷ đồng, giảm 0,6% so với năm 2024. Lợi nhuận trước thuế được kỳ vọng ở mức 500 tỷ đồng, giảm 2,5%. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán được dự báo cáo nhiều thuận lợi, kế hoạch kinh doanh thận trọng này gây nhiều thắc mắc.

Trái ngược với nhiều công ty chứng khoán khác đang gấp rút gia tăng vốn và lên kế hoạch kinh doanh ở mức cao, FPTS không tham vọng tăng trưởng cao, tiếp tục không huy động vốn từ cổ đông và duy trì quan điểm không dựa dẫm vào Tập đoàn FPT.  
Trái ngược với nhiều công ty chứng khoán khác đang gấp rút gia tăng vốn và lên kế hoạch kinh doanh ở mức cao, FPTS không tham vọng tăng trưởng cao, tiếp tục không huy động vốn từ cổ đông và duy trì quan điểm không dựa dẫm vào Tập đoàn FPT.  

Lý giải nguyên nhân, Tổng Giám đốc Nguyễn Điệp Tùng cho hay, kế hoạch được đưa ra dựa trên đánh giá tình hình thị trường của ban lãnh đạo. Nhìn vào báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán, có thể thấy rằng, chính sách zero-fee được đẩy mạnh nên doanh thu từ môi giới giảm đi rất nhiều. Trong khi đó, lãi margin cũng giảm. Do đó, theo ông Tùng, không thể nói tình hình như vậy là tích cực.

“Tăng trưởng của công ty chứng khoán phải dựa trên phí giao dịch, phí margin hoặc tự doanh. FPTS không nhìn thấy sự tăng trưởng nên vẫn đặt kế hoạch tương tự 2024”, Tổng giám đốc FPTS nói.

Cũng theo ông Nguyễn Điệp Tùng, mặc dù hệ thống KRX dự kiến vận hành trong năm 2025 nhưng nhiên thị trường sẽ không có thêm sản phẩm mới. Mặt khác, có rất ít cổ phiếu mới được niêm yết/đăng ký giao dịch.

Nói thêm về kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2025, Tổng giám đốc FPTS cho hay, kết quả đã nêu không tính đến các khoản chưa thực hiện, trong đó bao gồm khoản đánh giá lại cổ phiếu MSH. Đây là “công thần” giúp FPTS lập kỷ lục lợi nhuận trong năm vừa qua. Tính đến ngày 31/12/2024, công ty chứng khoán này đã lãi hơn 485 tỷ đồng từ việc đầu tư vào cổ phiếu MSH, gấp 36 lần so với giá mua ban đầu.

Theo ông Tùng, FPTS không tập trung vào tự doanh trên sàn, vì điều này gây mâu thuẫn quyền lợi với chính khách hàng. Do đó, công ty chỉ thực hiện đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp chưa niêm yết và đồng hành, như trường hợp của Công ty CP May Sông Hồng.

“FPTS đi cùng May Sông Hồng mười mấy năm và chưa nói đến chuyện rời đi, nếu việc hợp tác còn hiệu quả cho cổ đông. Tuy nhiên, tôi không khẳng định năm 2025 sẽ không chốt lời, bởi nếu có gì thay đổi thì chúng ta phải thay đổi theo, phải có hành động chứ không thể đứng im. Do đó, tôi chỉ có thể nói FPTS chưa có kế hoạch chốt lời”, Tổng giám đốc Nguyễn Điệp Tùng cho biết.

Ông Nguyễn Điệp Tùng, Tổng giám đốc FPTS
Ông Nguyễn Điệp Tùng, Tổng giám đốc FPTS
Không huy động vốn từ cổ đông

Về kế hoạch tăng vốn điều lệ, khác với nhiều công ty chứng khoán khác trên thị trường, năm 2025, FPTS tiếp tục không huy động vốn từ cổ đông. Cụ thể, công ty này sẽ phát hành gần 30,6 triệu cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10:1 Bên cạnh đó, công ty cũng dự kiến phát hành thêm gần 10 triệu cổ phiếu cổ hMột vấn đề khác được đại hội thông qua, là hai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá phát hành 10.000 đồng/cp.

Sau khi hoàn tất hai đợt phát hành, FPTS sẽ tăng vốn điều lệ từ mức 3.059 tỷ đồng lên 3.465 tỷ đồng.

Dù thị trường chứng khoán đang chứng kiến cuộc đua gia tăng vốn của các doanh nghiệp, FPTS trong năm vừa qua và cả năm nay đều không tiến hành gọi vốn từ cổ đông, điều này khiến nhiều cổ đông đặt câu hỏi.

Về thắc mắc này, Tổng giám đốc Nguyễn Điệp Tùng cho biết công ty chưa có nhu cầu huy động vốn từ cổ đông. Ông nhấn mạnh rằng việc huy động vốn từ cổ đông phải đi kèm với một kế hoạch sử dụng vốn hiệu quả để mang lại lợi ích cho cổ đông.

“Nếu cổ đông nghĩ FPTS phải tăng vốn thì vấn đề là tăng vốn để làm gì, có đảm bảo an toàn hiệu quả hay không? Cứ huy động vốn mà không có hiệu quả thì cũng không phải là một phương án tốt nên chúng tôi chưa đưa ra kế hoạch tăng vốn. Việc tăng vốn sẽ dựa trên kế hoạch kinh doanh và sử dụng tăng vốn hiệu quả chứ không phải nhìn thị trường tăng vốn thì FPTS cũng thực hiện theo”, ông Tùng nói.

Trả lời cho câu hỏi FPTS lấy gì để cạnh tranh, ông Nguyễn Điệp Tùng cho hay, công ty có những nỗ lực riêng để đảm bảo hoạt động và giữ vững vị trí. Cụ thể, FPTS đã đưa ra ứng dụng mới và tiếp tục thực hiện những hoạt động tương tự như việc đưa ra đối sách để ứng phó với zero-free, để giữ khách hàng và thị phần.

Không dựa dẫm vào FPT

Một trong những vấn đề nóng tại đại hội là khoản vay của FPTS tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB). Tính đến cuối năm 2024, công ty chứng khoán này có dư nợ 650 tỷ đồng tại VIB và tiếp tục vay thêm 1.750 tỷ đồng vào tháng 3/2025, nâng tổng hạn mức vay lên 2.400 tỷ đồng. Điều này khiến nhiều cổ đông thắc mắc rằng tại sao FPTS không tận dụng nguồn vốn giá rẻ từ FPT, vốn được biết đến là “vua tiền mặt”.

Trả lời chất vấn, Tổng giám đốc Nguyễn Điệp Tùng đính chính hạn mức không phải là cộng dồn hai con số lại mà hạn mức mới sẽ là 1.750 tỷ đồng, đồng thời nhấn mạnh, FPTS và FPT là hai pháp nhân độc lập.

“Con số hàng nghìn tỷ đồng của FPT trên tài khoản không kỳ hạn không có nghĩa cứ nằm ở đó. Con số này tính trên một thời điểm nên không thể đánh giá rằng FPT đang có chừng đo tiền để mang ra cho FPTS dùng. FPTS cũng phải có kế hoạch tài chính chứ không thể luân chuyển dòng tiền dễ dàng như vậy. Nếu như các công ty con chỉ trông đợi vào “bầu sữa” của Tập đoàn mẹ thì công ty con ấy cũng sẽ không tồn tại được”, ông Tùng cho hay.

Tổng giám đốc FPTS cũng nói thêm, với vấn đề dòng tiền, cổ đông FPTS mong muốn như vậy, nhưng cổ đông FPT lại khác, muốn dùng tiền của mình để đem lại lợi ích cho cổ đông FPT chứ không phải FPTS. Do đó, pháp luật cũng đã quy định các giao dịch như vậy phải được ĐHĐCĐ thông qua.

Bên cạnh đó, dù FPT nắm giữ khoảng 17% cổ phần FPTS, nhưng FPTS chưa phải là công ty liên kết của FPT. Điều này đồng nghĩa với việc tập đoàn không có nghĩa vụ hỗ trợ tài chính cho công ty chứng khoán này.

“Quan điểm của chúng tôi là phải tự lực cánh sinh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc hợp tác với FPT, nếu có, cũng phải đảm bảo lợi ích cho cả hai bên theo nguyên tắc win-win. Nếu FPT sở hữu 100% FPTS thì sự hỗ trợ mới có ý nghĩa với cổ đông của FPT,” ông Tùng nói thêm.

Hà Lê

Theo VietnamFinance