‘Ông hoàng’ môi giới VPS giảm thị phần trên HoSE, FPTS rời top 10
Thị phần môi giới của VPS trên HoSE dừng chuỗi 5 quý tăng trưởng liên tiếp sau khi sụt giảm về mức thấp 1 năm qua.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa công bố thị phần giá trị giao dịch môi giới quý II và bán niên 2024.
Theo đó, tính riêng trong quý II, Công ty Chứng khoán VPS vẫn dẫn đầu trong top 10, chiếm 18,16% thị phần. Tuy nhiên, thị phần của VPS đã thu hẹp đáng kể so với mức 20,29% trong quý I. Thị phần môi giới của công ty chứng khoán này đã rơi về mức thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây, sau khi liên tiếp tăng trưởng trong 5 quý.
Tương tự, Công ty Chứng khoán SSI (top 2) sụt giảm nhẹ thị phần môi giới trên HoSE, từ 9,32% (quý I) còn 9,31%. Ngược lại, 3 công ty còn lại trong top 5 đều ghi nhận mở rộng thị phần.
Công ty Chứng khoán Kỹ Thương – TCBS (top 3) tăng thêm 0,89% lên mức 7,45%. Công ty Chứng khoán VNDIRECT (top 4) tăng thêm 0,45% lên mức 6,46%. Công ty Chứng khoán TP. HCM – HSC (top 5) tăng thêm 0,49% lên mức 6,41%.
Đáng chú ý, một thay đổi trong top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất tại HoSE trong quý II là sự “ra đi” của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) khỏi vị trí thứ 10, thay vào đó là Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), với thị phần 2,87%.
6 tháng đầu năm 2024, top 10 thị phần môi giới trên HoSE không có thay đổi với danh sách của quý II. VPS vẫn dẫn đầu với thị phần 19,19%, bỏ xa các công ty đối thủ, cao hơn gấp đôi SSI ở vị trí thứ 2. Hai công ty chứng khoán nước ngoài là Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam và KIS Việt Nam vẫn lọt top 10.
Theo thống kê từ HoSE, kết thúc nửa đầu năm, các chỉ số như VN-Index và VNAllshare giảm lần lượt 1,3% và 0,84%, chỉ số VN30 tăng nhẹ 0,18%. So với cuối năm 2023, VN-Index, VNAllshare, VN30 đều ghi nhận tăng lần lượt là 10,21%, 12,20% và 12,98%.
Đối với chỉ số ngành, phần lớn các chỉ số ngành giảm điểm so với tháng trước, trong đó mức giảm cao nhất là chỉ số ngành năng lượng (VNENE) giảm 5,61%, chỉ số ngành bất động sản (VNREAL) giảm 4,22% và chỉ số ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (VNCONS) giảm 3,27%. Có 3 chỉ số ngành tăng điểm so với tháng trước, trong đó nổi bật có chỉ số ngành công nghệ thông tin (VNIT) tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh với mức tăng 10,18% so với tháng 5/2024, và tăng 53,63% so với cuối năm 2023.
Về thanh khoản thị trường, khối lượng giao dịch bình quân của cổ phiếu đạt hơn 857 triệu cổ phiếu/ngày, với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 22.914 tỷ đồng/ngày; tương ứng tăng 3,71% về khối lượng và tăng 6,11% về giá trị so với tháng 5/2024.
Khối lượng giao dịch bình quân chứng quyền có bảo đảm (CW) đạt trên 40,13 triệu CW/ngày với giá trị giao dịch bình quân đạt 44,19 tỷ đồng/ngày; tương ứng giảm 13,7% về khối lượng và giảm 7,05% về giá trị so với tháng 5/2024.
Khối lượng giao dịch bình quân chứng chỉ quỹ ETF đạt 9,03 triệu ETF với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 241,74 tỷ đồng, tương ứng tăng 6,38% về khối lượng và tăng 54,53% về giá trị giao dịch so với tháng 5/2024.
Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 6/2024 đạt trên 85.327 tỷ đồng, chiếm hơn 9,3% tổng giá trị giao dịch của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị hơn 14.344 tỷ đồng.
Giá trị vốn hóa cổ phiếu trên HOSE đạt hơn 5,08 triệu tỷ đồng, tương đương 50,26% GDP năm 2023 (GDP theo giá hiện hành), giảm 1,11% so với tháng 5/2024 và tăng hơn 11,58% so với cuối năm 2023, chiếm hơn 93,46% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết toàn thị trường.
Tính đến ngày 30/6/2024, HoSE có 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, trong đó có 1 đơn vị có vốn hóa trên 10 tỷ USD là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB)