Định hướng lên thành phố trong thành phố, một huyện nông nghiệp TP. HCM dự chi hơn 6.000 tỷ mở rộng tuyến đường 'xương sống'
Nhằm giải quyết ùn tắc, Sở GTVT kiến nghị UBND TP. HCM chi hơn 6.140 tỷ đồng mở rộng tuyến đường ở huyện Hóc Môn.
Sở GTVT TP. HCM đã đề xuất với UBND TP. HCM chi hơn 6.000 tỷ đồng để thực hiện dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa (từ Ngã Ba Giồng đến cầu Tỉnh lộ 9) và đường song hành Phan Văn Hớn (từ quốc lộ 1 đến Vành đai 3).
Tuyến đường Nguyễn Văn Bữa tại Hóc Môn là tuyến đường "xương sống" cửa ngõ phía Tây Bắc kết nối TP. HCM với tỉnh Long An nhưng mặt đường hẹp chỉ 11-14m. Trong khi đó, các phương tiện lưu thông luôn luôn với mật độ cao vì vậy đường Nguyễn Văn Bứa kẹt xe triền miên và nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên tuyến đường này.
Cung đường Nguyễn Văn Bứa tại nút giao cầu Lớn cũng có nhiều đoạn giao cắt phức tạp, như đường vào cầu phía Long An có 1 giao cắt với 2 nhánh đường An Hạ và XTS 12; phía cầu TP. HCM có 2 vị trí giao cắt với 2 nhánh đường Đặng Công Bỉnh và Thanh Niên. Khoảng cách giữa các giao lộ gần nhau, mặt bằng nhỏ, nằm trên dốc cầu, các phương tiện chuyển hướng gây các xung đột trong khu vực nút giao dễ dẫn đến nguy cơ tai nạn và ùn ứ.
Vì vậy, Sở GTVT đã có đề xuất trên và đoạn đường Nguyễn Văn Bứa sẽ được mở rộng lên từ 32-40m. Đồng thời, xây dựng mới một đơn nguyên cầu Lớn và cầu Tỉnh lộ 9, mỗi cầu dài 58m, rộng 17,5m. Ngoài ra, mở rộng cầu Tỉnh lộ 9 hiện hữu. Tổng mức đầu tư dự án hơn 2.421 tỷ đồng bằng vốn ngân sách TP. HCM, triển khai giai đoạn 2024-2028.
Thêm vào đó, một phương án nữa là xây dựng tuyến đường song hành với Phan Văn Hớn, thay vì cải tạo mở rộng tuyến đường này. Tuyến đường song hành Phan Văn Hớn dự kiến xây dựng từ Quốc lộ 1 đến Vành đai 3 TP HCM, dài 8,5km, rộng 30m. Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 3.720 tỉ đồng, trong đó ngân sách TP HCM chi 2.186 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư bỏ ra 1.534 tỷ đồng xây dựng. Dự án được đề xuất triển khai giai đoạn 2024-2030.
Như vậy, tổng số vốn dự chi để mở rộng và xây mới sẽ là 6.140 tỷ đồng thực hiện trong giai đoạn từ 2024-2030.
Sở GTVT TP. HCM đang đề xuất UBND TP. HCM đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) trả chậm bằng ngân sách theo cơ chế trong Nghị quyết 98 của Quốc hội. Nhà đầu tư huy động vốn làm dự án và TP. HCM sẽ thanh toán (sau khi công trình hoàn thành, được quyết toán) trong khoảng thời gian 5-10 năm.
Hóc Môn là huyện ngoại thành phía Tây Bắc của TP. HCM. Hóc Môn có diện tích tự nhiên gần 11.000ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 60% diện tích. Huyện Hóc Môn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn các xã nông thôn mới.
Huyện Hóc Môn định hướng phát triển thành TP thuộc TP. HCM giai đoạn 2021-2030. Huyện với định hướng phát triển sinh thái nông nghiệp - nông thôn, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, công nghiệp sinh thái, dịch vụ. Trong đó, huyện Hóc Môn sẽ là trung tâm hành chính, chính trị của thành phố phía Bắc. Tận dụng tiềm năng đất đai và nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng đô thị; phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển ngành logistics…