DN vàng trăn trở vì quy định phải có vốn 1.000 tỷ mới được sản xuất vàng miếng

Lãnh đạo Hiệp hội kinh doan vàng cho rằng sẽ có rất ít doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện phải có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng trở lên mới được tham gia sản xuất vàng miếng.

Nội dung này được lãnh đạo Hiệp hội kinh doanh vàng nhấn mạnh tại toạ đàm “Sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng”, vừa diễn ra mới đây.

Dự thảo Nghị định 24 sửa đổi chưa đáp ứng chỉ đạo của Tổng Bí thư

Tại đạo đàm, ông Đinh Nho Bảng, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng cho biết Nghị định 24 đã trải qua 13 năm thực hiện mà không có bất kỳ sửa đổi, bổ sung gì dù thị trường đã rất nhiều biến động.

Thời gian qua, thực thực hiện chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 24 để đưa ra những định hướng quản lý thị trường vàng trong tình hình mới.

Đặc biệt, ngay sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm có những chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 24.

Cần phải xây dựng lòng tin cho người dân để họ gửi vàng.
Cần phải xây dựng lòng tin cho người dân để họ gửi vàng.

Đánh giá việc sửa đội Nghị định 24 là "kim chỉ nam" không chỉ trước mắt mà lâu dài cho thị trường vàng, nhưng lãnh đạo Hiệp hội kinh doanh vàng cho rằng dự thảo Nghị định 24 sửa đổi chưa đáp ứng được các chỉ đạo của Tổng Bí thư.

“Dự thảo định chỉ tập trung điều hướng về vàng vật chất trong khi các nước họ điều chỉnh thị trường vàng phi vật chất. Chưa có quy định cần thiết để khai thông, thu hút được vàng miếng trong dân... theo chỉ đạo của Tổng Bí thư”, ông Đinh Nho Bảng nói.

Còn ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng thì đánh giá dự thảo Nghị định 24 sửa đổi mới chỉ là các điều chỉnh nhỏ mang tính kỹ thuật, chưa có điều chỉnh gì nhiều theo chỉ đạo, định hướng mới của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

“Nghị định 24 cần được thay đổi bằng một nghị định mới chứ không phải chỉ sửa đổi nhỏ, để cho doanh nghiệp lại phải đối chiếu, soi lại Nghị định cũ”, ông Hùng nói.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng mỹ nghệ khó khăn, phải mua nguyên liệu trôi nổi, vô tình tiếp tay cho buôn lậu mà phải đầu tư nhiều, không có đầu vào, hạn chế đầu ra. Trong khi đó, điều kiện tiếp cận vàng nguyên liệu theo dự thảo Nghị định mới không cởi mở, phải xin phép.

Đối với định hướng huy động vàng trong dân vào sản xuất, kinh doanh, ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng cần phải xây dựng lòng tin cho người dân để họ gửi vàng và phải có công cụ kỹ thuật với điều kiện phải hiểu biết về công cụ đó. Phải có một cơ quan nhà nước đứng ra, bằng cách phát hành chứng chỉ vàng khi người dân gửi vàng và được bảo toàn bằng vàng.

Ngân hàng không nên tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng

Góp ý về dự thảo Nghị định 24 sửa đổi, Hiệp hội kinh doanh vàng đề nghị không nên bổ sung tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng.

Lý do Hiệp hội kinh doanh vàng đưa ra là vì theo Luật Các Tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại không có chức năng nhiệm vụ sản xuất vàng; nhiệm vụ chính của các ngân hàng thương mại là kinh doanh tiền tệ (đặc biệt là hoạt động tín dụng) và cung ứng dịch vụ thanh toán.

"Các ngân hàng thương mại không phải là tổ chức chuyên sâu về sản xuất kinh doanh vàng và lịch sử đã chứng minh các ngân hàng thương mại sản xuất và kinh doanh vàng miếng không hiệu quả như Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Sacombank, Ngân hàng ACB giai đoạn trước 2012. Một số Ngân hàng thương mại đã để lại hậu quả ngoài mong muốn kéo dài mà nhờ sự chỉ đạo quyết tâm hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước mới ổn định lại", Hiệp hội kinh doanh vàng nhấn mạnh.

Hiệp hội kinh doanh vàng cũng đề nghị xem xét lại quy định "Ngân hàng nhà nước tổ chức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ". Bởi Ngân hàng nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng; không phải là cơ quan sản xuất kinh doanh vàng miếng. Nếu Ngân hàng nhà nước tham gia thương trường (tổ chức sản xuất vàng miếng) thì sẽ chịu sự quản lý của cơ quan nào? Và dẫn tới chồng chéo nhiệm vụ vừa thực hiện kinh doanh, vừa thực hiện quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, nếu Ngân hàng nhà nước tham gia sản xuất cung ứng vàng miếng, chắc chắn càng tác động tạo tâm lý thu hút người dân, nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào vàng miếng mang thương hiệu Ngân hàng nhà nước. Việc này dễ đem lại hậu quả tương tự như trước đây khi lấy vàng SJC làm vàng chuẩn quốc gia và để lại nhiều hệ lụy về độc quyền vàng miếng. Đồng thời, vàng miếng của các doanh nghiệp khác sẽ không thể thu hút được và khiến mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung vàng miếng với nhiều thương hiệu khác nhau nhằm kéo giá vàng xuống khó đạt được.

Một nội dung khác được các doanh nghiệp ngành vàng hết sức quan tâm là quy định xóa bỏ độc quyền nhà nước về sản xuất vàng miếng và thực hiện việc cấp phép các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng.

DN vàng trăn trở vì quy định phải có vốn 1.000 tỷ mới được sản xuất vàng miếng - Ảnh 1
Số lượng các doanh nghiệp có mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng trở lên rất ít.

Theo đó, dự thảo nghị định mới quy định doanh nghiệp phải có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng trở lên mới đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng. Hiệp hội kinh doanh vàng cho rằng số lượng các doanh nghiệp có mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng trở lên rất ít, chỉ từ 1 - 3 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng có thể đáp ứng được điều kiện này.

"Với quy định này thì số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất vàng miếng không đáng kể, quy định này dễ hình thành để nhà nước vẫn độc quyền sản xuất, cung ứng vàng miếng, hạn chế nguồn cung vàng miếng", Hiệp hội kinh doanh vàng nhấn mạnh.

Về vấn đề này, lãnh đạo Hiệp hội kinh doanh vàng cho biết để sản xuất vàng miếng, doanh nghiệp chỉ cần đầu tư một máy dập vàng miếng không quá 2 tỷ đồng, như vậy về công nghệ, máy móc kỹ thuật có cần đến 1.000 tỷ đồng không?.

Thay vì tập trung vào điều kiện về vốn điều lệ nên, Hiệp hội kinh doanh vàng cho rằng quy định nên tập trung vào điều kiện về năng lực sản xuất của doanh nghiệp ( tài sản, cơ sở vật chất, kỹ thuật để sản xuất vàng miếng của doanh nghiệp); hiệu quả kinh doanh, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường; mẫu mã, chất lượng sản phẩm vàng miếng do doanh nghiệp đăng ký sản xuất; tình hình chấp hành quy định của nhà nước liên quan đến kinh doanh vàng...

Dự thảo cũng quy định điều kiện được cấp phép sản xuất vàng miếng phải là doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh, mua bán vàng miếng.

Về vấn đề này, ông Vũ Hùng Sơn, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh vàng cho rằng quy định này chỉ phù hợp trong bối cảnh Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng; để có kênh phân phối, nhà nước phải lựa chọn ra các ngân hàng, doanh nghiệp có đủ năng lực, uy tín.

Tuy nhiên trong bối cảnh nhà nước đã mở cho nhiều doanh nghiệp sản xuất vàng miếng, nếu quy định như trong dự thảo sẽ khiến doanh nghiệp sản xuất chỉ được phép phân phối trực tiếp trong kênh phân phối của chính mình, ở nơi được cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng khác, và không được phân phối ở bất kể nơi nào khác.

“Khi Nhà nước đã kiểm soát sản xuất thì có cần kiểm soát việc các doanh nghiệp đó phân phối ở đâu không?”, ông Sơn đặt vấn đề.

Ngọc Lưu

Theo Vietnamfinance