Sàn giao dịch vàng: Sân chơi mới và những lời cảnh báo cũ
Việc lập sàn giao dịch vàng quốc gia được coi là giải pháp chiến lược nhằm ổn định thị trường vàng. Tuy nhiên, để sàn giao dịch vận hành thành công, nhà quản lý cần tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với đặc điểm, tình hình tại Việt Nam.
Sàn giao dịch vàng: Minh bạch để kiểm soát tốt
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu thành lập sàn giao dịch vàng theo hướng người dân được tự do giao dịch, mua bán, đồng thời tách bạch rõ ràng giữa quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Động thái này được đánh giá là kịp thời và cần thiết với kỳ vọng tạo bước ngoặt cho thị trường vàng trong nước vốn đang tồn tại nhiều bất cập.
Các chuyên gia cho rằng việc thiết lập sàn giao dịch vàng sẽ giải quyết câu chuyện nguồn cung, giúp thị trường ổn định, minh bạch hơn. Đặc biệt, sàn vàng sẽ giúp liên thông giá vàng trong nước với thế giới, từ đó thu hẹp mức chênh lệch, hiện lên tới hơn 10%. Không dừng lại ở đó, sàn vàng còn được kỳ vọng sẽ "đánh thức" hàng trăm tấn vàng đang nằm yên trong dân cư, biến nguồn tài sản này thành dòng vốn lớn cho nền kinh tế.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, nhận định việc lập sàn giao dịch vàng là giải pháp lâu dài và cần thiết nhằm ổn định thị trường. Khi sàn giao dịch vàng được thành lập, các giao dịch, thông tin về vàng sẽ được đưa lên sàn, từ đó giúp minh bạch hóa thị trường.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy - Trường Đại học Nguyễn Trãi, cũng cho rằng việc lập sàn giao dịch vàng sẽ giúp thị trường không còn bị chi phối bởi một vài doanh nghiệp lớn. Khi có sàn, các giao dịch sẽ được chuẩn hóa, ghi nhận và giám sát bởi cơ quan chức năng, từ đó ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thao túng giá.
Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân – Đại học Kinh tế TP. HCM, việc lập sàn giao dịch vàng là giải pháp cần thiết để ổn định thị trường, huy động vốn trong dân và giảm áp lực nhập khẩu vàng vật chất. Sàn giao dịch vàng sẽ giúp người dân ký gửi hoặc giao dịch vàng dễ dàng, qua đó huy động nguồn vàng tích trữ trong dân vào nền kinh tế. Điều này góp phần giảm thiếu hụt nguồn cung, hạn chế nhập khẩu vàng vật chất và giảm áp lực lên ngoại tệ, dự trữ ngoại hối. Ngoài ra, nếu phát triển mô hình vàng tài khoản, nhu cầu sở hữu vàng vật chất sẽ giảm, từ đó kéo hạ chênh lệch giá.

Cùng với việc lập sàn giao dịch vàng, các chuyên gia cho rằng để thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới thì cần phải cho phép một số ngân hàng, doanh nghiệp nhập khẩu vàng và sớm sửa đổi Nghị định số 24 theo hướng bỏ độc quyền thương hiệu vàng SJC.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính, nếu mở cửa nhập khẩu vàng nguyên liệu và phá thế độc quyền của SJC, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có thể được kéo về mức hợp lý, chỉ còn 1-2 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 2%, chủ yếu là do thuế và phí.
Cảnh báo về những biến tướng cũ
Thực tế, Việt Nam từng trải qua một giai đoạn "bùng nổ" các sàn vàng trong quá khứ. Sau khi sàn giao dịch vàng ACB đi vào hoạt động vào ngày 25/5/2007, một loạt ngân hàng (Eximbank, VietA Bank, Sacombank...) cũng lên kế hoạch thành lập sàn giao dịch vàng.
Nhưng sự phát triển thiếu kiểm soát, “lệch chuẩn” đã khiến mô hình này nhanh chóng bị đóng cửa vào cuối năm 2009, để lại không ít hệ lụy cho thị trường. Lý do đóng cửa các sàn giao dịch vàng khi đó là: việc thành lập và hoạt động của các sàn giao dịch vàng chưa có cơ sở pháp lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro cao. Đồng thời, các sàn vàng không tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế, trong khi thu hút một khối lượng vốn lớn rút ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của các sàn vàng trước đây là do sự “nhập nhèm” giữa các khái niệm: vàng vật chất, vàng tài khoản và giao dịch chênh lệch giá (CFDs). Cụ thể, các sàn khi đó cho phép giao dịch vàng tài khoản - vốn chỉ là công cụ tài chính phái sinh, nhưng lại vẫn cho rút vàng vật chất, tạo ra sự lẫn lộn và rủi ro lớn cho cả nhà đầu tư lẫn hệ thống. Chính vì thế, sàn giao dịch vàng cần có sự phối hợp đồng bộ giữa hoàn thiện hành lang pháp lý, phát triển hạ tầng công nghệ và quản trị rủi ro để thật sự trở thành kênh dẫn vốn và công cụ ổn định thị trường hiệu quả.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh để thành lập được sàn giao dịch vàng, bắt buộc phải có những quy định cụ thể, vì vàng là một loại hàng hóa đặc biệt, không phải là tiền tệ. Sàn vàng quốc gia chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi được xây dựng trên hệ thống quy định, cơ chế chặt chẽ, tương tự các sàn giao dịch hàng hóa, sàn chứng khoán... “Mọi giao dịch phải được thực hiện qua hệ thống điện tử, với thông tin giá cả được cập nhật theo thời gian thực. Đơn vị tham gia sàn phải là tổ chức tín dụng, công ty kinh doanh vàng được cấp phép và người dân chỉ được giao dịch thông qua các tổ chức này. Như vậy, tính minh bạch và quản lý rủi ro sẽ được bảo đảm”, ông Hiếu nêu quan điểm và lưu ý thêm, để sàn giao dịch vàng phát huy tác dụng hiệu quả nhất, cần phải đặt dưới sự quản lý của các cơ quan Chính phủ.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân đề xuất sàn vàng phải do NHNN quản lý, kiểm soát thị trường, tránh tình trạng sàn vàng "chui", gây ra nhiều khó khăn cho việc quản lý chính sách tiền tệ và tỷ giá. Đồng thời, sàn nên được xây dựng theo mô hình hybrid, tức vừa giao nhận vàng vật chất, vừa phục vụ mục đích đầu tư và giao dịch chênh lệch giá, người dân sẽ giao dịch “tín chỉ vàng” qua tài khoản và khi cần vẫn được phép rút vàng.
TS Phạm Đức Anh - Học viện Ngân hàng Hà Nội, kiến nghị sàn vàng nên được tổ chức dưới dạng sàn giao dịch điện tử, tương tự sàn chứng khoán nhưng tập trung vào vàng, bao gồm cả vàng vật chất (thông qua chứng chỉ vàng) và các sản phẩm như hợp đồng tương lai.
Ông Đinh Tuấn Minh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội, đánh giá muốn lập sàn giao dịch vàng, nhà nước sẽ phải tính toán có kho dự trữ vàng, đồng thời cần chuẩn hóa vàng vật chất với vàng quốc tế. Việt Nam có thể tham khảo mô hình của Sàn vàng Thượng Hải (SGE). Đây là sàn giao dịch vàng được nhà nước bảo trợ, nhưng hoạt động theo cơ chế thị trường và có sự tham gia của các ngân hàng, doanh nghiệp vàng lớn.
TS Lê Xuân Nghĩa cho hay, trước mắt Việt Nam có thể lập sàn vàng giao dịch vật chất để ổn định thị trường và minh bạch hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng, sau đó sẽ tiến tới sàn giao dịch chứng chỉ vàng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn khuyến nghị, nếu quyết định thành lập sàn vàng, Việt Nam nên bắt đầu với sàn giao dịch vàng vật chất. Đây là phương án an toàn, minh bạch và mang lại giá trị thực cho người tiêu dùng, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển của các thị trường vàng lớn trên thế giới. Để vận hành hiệu quả, sàn vàng vật chất cần được xây dựng trên nền tảng quản lý, giao dịch và lưu ký rõ ràng, minh bạch. Đặc biệt, phải phân định rạch ròi giữa chức năng quản lý nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Cơ quan giám sát sàn, lý tưởng nhất, nên là NHNN, theo mô hình đã được Trung Quốc áp dụng thành công tại SGE.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, tâm lý nhiều người dân vẫn chỉ thích nắm giữ vàng vật chất. Do đó, nếu lập sàn vàng, cho phép giao dịch vàng tài khoản cũng chưa chắc đã giải quyết được tận gốc vấn đề.
TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Khoa Tài chính - Đại học Ngân hàng TP. HCM - nhận định đa phần người dân Việt Nam có thói quen tới mua vàng tại các cửa hàng và cất giữ vàng vật chất tại nhà. Bởi vậy, với nhà đầu tư, sàn giao dịch cần tạo được sự tin tưởng để người dân đến mua bán, đồng thời cần phải quy định rõ khi người dân sở hữu chứng chỉ vàng thì có thể quy đổi từ vàng tài khoản ra vàng vật chất bất kỳ lúc nào.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương nhấn mạnh cần học hỏi mô hình từ các nước đã thành công như Mỹ, Anh, Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rủi ro thao túng thị trường nếu không quản lý chặt. "Tránh tuyệt đối tình trạng thao túng tại sàn như đã từng xảy ra ở các sàn giao dịch chứng khoán. Ngay từ đầu, cần phải quy định rõ trách nhiệm cũng như quyền lợi của tất cả các bên có liên quan, bao gồm cả bên quản lý, vận hành lẫn bên thụ hưởng trực tiếp", chuyên gia này lưu ý.