DNP Corp - Ông lớn trong ngành cấp nước sạch đang 'gánh' khoản nợ vay cao ngất ngưởng?
Từ năm 2018, DNP Corp bùng nổ trong hoạt động đầu tư với việc rót vốn vào khoảng chục công ty nước sạch tại các tỉnh thành khác nhau. Tính đến 31/12/2020, nợ vay tại DNP Corp tăng 21% so với đầu năm, lên mức 5.497 tỷ đồng, gấp gần 2 lần vốn chủ sở hữu.
Lợi nhuận tại DNP Corp giảm, nợ vay tăng chóng mặt
Theo BCTC hợp nhất quý 4/2020, doanh thu thuần tại Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP Corp - Mã: DNP) trong năm 2020 tăng 18% so với năm trước, đạt gần 3.293 tỷ đồng, biên lãi gộp tương đương năm 2019 đạt 18%.
Cùng với doanh thu, chi phí hoạt động tại DNP Corp cũng tăng mạnh. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng 26% lên hơn 204 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 27% lên hơn 273 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí tài chính cũng tăng 21% lên 322,4 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay tại DNP Corp tăng 27% lên mức gần 311 tỷ đồng.
Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho lợi nhuận thuần của DNP Corp giảm 20% so với năm trước, xuống còn 33 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm 15% xuống còn 33,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ chỉ vỏn vẹn 12,3 tỷ đồng, giảm 42% so với năm ngoái.
Hơn nữa, tính đến cuối năm 2020, nợ phải trả tại DNP Corp lên mức gần 7.027 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền cũng giảm 12% xuống còn 206 tỷ đồng.
Vừa qua, Hội đồng quản trị DNP Corp vừa thông qua phương án mua 19 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần CMC (mã CVT, sàn HoSE) theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận với giá trị giao dịch không quá 1.100 tỷ đồng. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 25/3 đến 23/4/2021.
Công ty cổ phần CMC thành lập ngày 23/03/2006. Lĩnh vực kinh doanh gồm sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, đường ống thoát nước và phụ kiện nước,...; xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp; gia công lắp đặt thiết bị trong ngành công nghiệp, thủy lợi, dân dụng, giao thông...
CMC hiện nằm trong Top 5 trong ngành gạch ốp lát tại Việt Nam về thị phần và công suất sản xuất, và là công ty hàng đầu về hiệu quả hoạt động trong số các công ty trong ngành niêm yết trên sàn.
Trong khi đó, từ một doanh nghiệp nhựa tầm trung, Nhựa Đồng Nai đang dần để lộ tham vọng chuyển mình trở thành một trong những "tay chơi mới" trong ngành sản xuất và cung cấp nước sạch.
Tính đến 31/12/2020, Nhựa Đồng Nai sở hữu tới 18 công ty con kinh doanh ngành nước, ngoài ra còn có 8 công ty liên kết với tỉ lệ sở hữu từ 22% cho đến 45%.
Còn nhớ tại đại hội cổ đông thường niên 2019, ban lãnh đạo DNP Corp đã thông qua kế hoạch kinh doanh "khủng" trong vòng 5 năm.
Từ năm 2020, doanh thu kế hoạch của DNP Corp dự kiến 4.556 tỷ đồng, tức gấp hơn hai lần doanh thu trong năm 2018. Trong đó, ngành nước sẽ dần tăng tỷ trọng đóng góp của mình trong cơ cấu, cụ thể trong năm 2020 là 2.125 tỷ đồng, tăng dần lên hơn 3.100 tỷ đồng vào năm 2023.
Một điểm cần lưu ý là kế hoạch lợi nhuận trên đây của DNP Corp là lợi nhuận chưa loại trừ phân bổ lợi thế thương mại và khấu hao khi hợp nhất các công ty con (theo chuẩn mực kế toán Việt Nam), do đó lợi nhuận trên báo cáo tài chính của công ty sẽ thấp hơn nhiều. LNTT trong năm 2018 theo báo cáo tài chính chỉ đạt 15 tỷ đồng.
Thực tế, để phục vụ cho chiến lược M&A hoàng loạt, DNP Corp đã phải huy động nguồn tiền không hề nhỏ, ngoài ra việc hợp nhất với các công ty con sau thâu tóm đã kéo các chỉ số về nợ vay của công ty này tăng chóng mặt trong nhiều năm qua.