Đô thị Kinh Bắc (KBC) liên tục vay vốn từ công ty con

Trong năm 2023, Kinh Bắc có 3 lô trái phiếu đến hạn trả với tổng giá trị 2.900 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp đã liên tục vay tín chấp hàng nghìn tỷ đồng từ các công ty con

KBC đã phát hành 4 lô trái phiếu tổng giá trị 3.900 tỷ đồng

Theo thông tin từ Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã CK: KBC), tính đến cuối năm 2022, doanh nghiệp đã phát hành 4 lô trái phiếu với các mã trái phiếu lần lượt là KBCH2123001; KBCH2123002; KBCH2124003 và KBC2021.AB.

Thông tin các lô trái phiếu của Kinh Bắc tính đến cuối năm 2022.
Thông tin các lô trái phiếu của Kinh Bắc tính đến cuối năm 2022.

Trong đó các lô trái phiếu KBCH2123001 và KBCH2123002 có giá trị lần lượt là 400 tỷ và 1.000 tỷ đồng. Đây đều là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo (bằng cổ phiếu của công ty và công ty con). Ngày đáo hạn của hai lô trái phiếu này lần lượt là 22/2/2023 và 3/6/2023.

Lãi suất áp dụng cố định là 10,5%/năm, trả lãi 6 tháng/lần.

Về mục đích phát hành, Kinh Bắc cho biết số tiền thu được từ các đợt phát hành phát hành sẽ phục vụ hoạt động kinh doanh và/hoặc đầu tư dự án của các công ty thành viên; cơ cấu lại nguồn vốn của Kinh Bắc, bao gồm nhưng không giới hạn các khoản nợ vay đến hạn trong năm 2021.

Trong khi đó lô trái phiếu có mã KBCH2124003 được phát hành vào ngày 11/11/202, đáo hạn vào ngày 11/11/2024. Lô trái phiếu có khối lượng 10 triệu trái phiếu, với giá trị 1.000 tỷ đồng.

Còn lô trái phiếu KBC2021.AB là trái phiếu được chào bán ra công chúng, hiện đang được niê yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã trái phiếu KBC 121020.

Kinh Bắc mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng

Với 4 lô trái phiếu như trên có thể thấy, trong năm 2023, Kinh Bắc có 3 lô trái phiếu đến hạn trả lần lượt là các lô có mã KBCH2123001; KBCH2123002 và KBC2021.AB với tổng giá trị 2.900 tỷ đồng.

Ở một thông tin được công bố mới đây, KBC đã lên kế hoạch mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu có mã KBCH2123002 với giá trị 1.000 tỷ đồng.

Cụ thể, theo thông tin được KBC công bố, thương vụ này sẽ được thực hiện vào ngày 5/4/2023 (tức sớm hơn gần hai tháng so với kế hoạch). Nguồn tiền lấy từ dòng tiền hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty.

Kế hoạch mua lại toàn bộ lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng của KBC.
Kế hoạch mua lại toàn bộ lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng của KBC.

Như đã đề cập ở trên, lô trái phiếu này có giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, được phát hành ngày 3/6/2021 và đáo hạn 3/6/2023. Lãi suất được áp dụng cố định 10,5%/năm và trả lãi 6 tháng/lần.

Theo kết quả công bố, 1.000 tỷ đồng trái phiếu này được phân phối cho một công ty chứng khoán, một quỹ đầu tư chứng khoán trong nước, 27 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, hai tổ chức trong nước khác cùng một quỹ đầu tư chứng khoán nước ngoài. CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) là bên đứng ra sắp xếp cho thương vụ.

Thông qua việc cho công ty con vay 200 tỷ đồng

Trong cùng ngày công bố kế hoạch mua lại toàn bộ lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng trên, HĐQT Kinh Bắc còn thông qua việc cho Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Tràng Cát (công ty con của KBC) vay tối đa 200 tỷ đồng.

Thời hạn vay là 2 năm theo hình thức tín chấp. Mục đích vay nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Về phía Đô thị Tràng Cát, tính đến cuối năm 2022, KBC sở hữu 100% cổ phần tại công ty này.

Ở một diễn biến khác, Kinh Bắc cũng đã nhận được khoảng 1.188 tỷ đồng tiền cổ tức từ CTCP KCN Sài Gòn - Hải Phòng (SHP) (cũng là công ty con của KBC) khi SHP đã thực hiện chia cổ tức với tỷ lệ 330%/cổ phần, tương đương 330.000 đồng/cổ phần.

Tuy nhiên, thực tế KBC đang thế chấp 700.000 cổ phần của SHP tại CTCP Chứng khoán An Bình (ABS). Do đó, cuối tháng 1, Kinh Bắc có thể nhận được số tiền 957 tỷ đồng cổ tức, ứng với 2,9 triệu cổ phần SHP. 231 tỷ đồng còn lại sẽ được chuyển vào tài khoản phong tỏa liên quan.

Liên tục vay tín chấp nghìn tỷ đồng từ công ty con khác

Ở chiều ngược lại với việc cho công ty con vay tín chấp 200 tỷ đồng, trước đó, KBC lại liên tục vay vốn từ các công ty con khác cũng theo hình thức tín chấp.

Đơn cử như, vào ngày 29/11/2022, KBC đã công bố nghị quyết HĐQT về việc vay 110 tỷ đồng từ Công ty TNHH Phát triển Cơ sở hạ tầng Công nghiệp Tân Tập (là công ty con của Kinh Bắc khi Kinh Bắc đang sở hữu 86,54% vốn tính đến ngày 30/9).

Theo thông tin được KBC công bố, mục đích khoản vay nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hình thức tín chấp. Hạn mức vay là 110 tỷ đồng, kỳ hạn 1 năm. Khoản vay có thể được tất toán trước hạn, đúng hạn hoặc gia hạn bằng văn bản. Lãi suất cho vay theo thoả thuận tại từng hợp đồng vay, tiền lãi thanh toán một lần khi tất toán các khoản vay.

Ngoài khoản vay trên, trước đó, Kinh Bắc cũng đã thông qua việc vay vốn từ CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên với số tiền 1.080 tỷ đồng.

Nghị quyết HĐQT về việc vay vốn Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên của KBC.
Nghị quyết HĐQT về việc vay vốn Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên của KBC.

Hình thức vay là tín chấp. Khoản vay giải ngân nhiều lần tương ứng với từng hợp đồng vay vốn cụ thể. Thời hạn khoản vay tối đa hai năm, có thể được tất toán trước hạn, đúng hạn hoặc gia hạn bằng văn bản. Lãi suất cho vay theo thoả thuận từng hợp đồng vay, tiền lãi thanh toán một lần khi hoàn tất các khoản vay.

Kinh Bắc cho biết số tiền vay vốn được sử dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Số tiền 1.080 tỷ đồng vay vốn lần này bằng vốn góp của Kinh Bắc tại CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên.

Hay như thời điểm tháng 6/2022, HĐQT Kinh Bắc cũng đã thông qua nghị quyết vay tín chấp với hạn mức 200 tỷ từ công ty con là CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang (SBG). Mục đích vay vốn nhằm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khoản vay này có thể giải ngân nhiều lần tương ứng với từng hợp đồng vay vốn cụ thể cho đến khi giải ngân hết hạn mức. Thời hạn khoản vay tối đa là 3 năm, có thể tất toán trước hạn, đúng hạn hoặc gia hạn bằng văn bản.

Lãi suất cho vay theo thỏa thuận tại từng hợp đồng vay, tiền lãi thanh toán một lần khi tất toán các khoản vay.

Liên quan đến khoản vay giữa Kinh Bắc và SBG, vào năm 2021, HĐQT Kinh Bắc cũng hai lần thông qua chủ trương vay vốn với tổng hạn mức là 900 tỷ đồng từ CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn – Bắc Giang với cùng mục đích phục vụ sản xuất, kinh doanh, thời hạn vay tối đa đều là 2 năm.

Như vậy, có thể thấy, kể từ năm 2021 đến nay, Kinh Bắc đã nhiều lần vay vốn tín chấp từ các công ty con với số tiền lên đến 2.180 tỷ đồng.

AN NHIÊN

Kinh doanh và Phát triển