Kinh Bắc (KBC): Doanh thu và dòng tiền đều âm nặng, còn hơn 17.000 tỷ đồng nợ phải trả
Trong quý IV/2022, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận lần lượt âm hơn 331 tỷ đồng và 482 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 2022, doanh nghiệp cũng còn hơn 17.000 tỷ đồng nợ phải trả.
Lợi nhuận cả năm của KBC giảm còn 1.550 tỷ đồng
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Tổng Công ty Phát triển Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Mã CK: KBC) vừa công bố, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu âm 331,2 tỷ đồng trong quý IV/2022, trong khi cùng kỳ 2021 đạt 1.169,35 tỷ đồng. Với giá vốn bán hàng âm 39 tỷ đồng, KBC ghi nhận lỗ gộp 292,3 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng hơn 77% lên 103,5 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm mạnh từ 70,4 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống còn 5,3 tỷ đồng, chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng lên, lỗ từ công ty liên kết là 10 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 407,6 tỷ đồng.
Kết quả, quý IV/2022 KBC lỗ ròng 482,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 523,2 tỷ đồng.
Với việc kết quả kinh doanh quý cuối cùng của năm 2022 không mấy khả quan đã kéo lợi nhuận cả năm của KBC giảm đáng kể.
Cụ thể, lũy kế cả năm 2022, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần đạt trên 957 tỷ đồng và lãi ròng chỉ còn 1.547 tỷ đồng, chủ yếu tới từ 2.199,24 tỷ đồng lãi từ công ty liên kết. Mặc dù giảm 77,5% về doanh thu nhưng tăng 41,3% về lợi nhuận so với kết quả đạt được trong năm trước.
Như vậy, so với kế hoạch kinh doanh trong năm 2022, Kinh Bắc mới chỉ thực hiện được 14,3% kế hoạch doanh thu và 35,5% kế hoạch lợi nhuận.
Phía Kinh Bắc cho biết, trong năm 2022, công ty đã ký cho thuê 107ha đất KCN với tổng giá trị gần 3.540 tỷ đồng. Tại KCN Quang Châu, tổng diện tích KCN đã ký cho thuê trị giá 2.460 tỷ đồng. Đặc biệt công ty đã cho thuê gần 50ha đất cho dự án "Nhà máy công nghệ chính xác Fulian" cho nhà đầu tư Ingrasys (Singapore) trực thuộc Foxconn - đơn vị sản xuất sản phẩm điện tử cho Apple, với tổng giá trị 1.624 tỷ đồng. Tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh đã ký cho thuê 30ha với giá trị 981 tỷ đồng.
Trong năm nay, KBC đang lên kế hoạch bàn giao và ghi nhận lợi nhuận Khu đô thị Phúc Ninh (TP Bắc Ninh). Theo ước tính của Kinh Bắc, doanh nghiệp có thể ghi nhận lãi gộp hơn 700 tỷ đồng từ các thỏa thuận đã ký này.
Dòng tiền kinh doanh âm trăm tỷ, nợ phải trả tăng kỷ lục
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Kinh Bắc trên 34.930 tỷ đồng, tăng 12,7% so với đầu năm. Chiếm phần lớn là tồn kho hơn 12.250 tỷ đồng (tăng 6%), các khoản phải thu ngắn và dài hạn trên 11.700 tỷ đồng (tăng 8%). Bên cạnh các dự án khu công nghiệp dở dang, Kinh Bắc đang triển khai dự án nhà ở xã hội thị trấn Nếnh (Bắc Giang).
Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn của doanh nghiệp cũng tăng thêm 19,22% so với cuối năm 2021 lên 11.142,23 tỷ đồng, chủ yếu tới từ 3.568,7 tỷ đồng trả trước người bán ngắn hạn và 4.051,6 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác.
2 khoản trả trước cho người bán ngắn hạn lớn nhất của Kinh Bắc là 1.847 tỷ đồng của CTCP Tư vấn và Đầu tư Kinh Bắc (tăng 14,6%) và 1.211,33 tỷ đồng của CTCP Dịch vụ Kinh Bắc (tăng 20,8%).
Khoản phải thu ngắn hạn khác lớn nhất của KBC là 1.919,8 tỷ đồng tạm ứng cho nhân viên, tăng 1.017,5 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm và hơn 288 tỷ đồng so với cuối quý 3. Khoản tiền chiếm 47,4% các khoản phải thu và tương đương 10,75% vốn chủ sở hữu của Kinh Bắc.
Tính đến cuối năm 2022, nợ phải trả của KBC tăng ở mức kỷ lục, đạt hơn 17.000 tỷ đồng (trong khi đầu năm là hơn 14.400 tỷ đồng), trong đó tổng nợ vay tài chính tăng 8% lên hơn 7.600 tỷ đồng (năm 2022 công ty phải chi hơn 522 tỷ cho các khoản chi phí lãi vay).
Trong cơ cấu nợ vay, tổng dư nợ trái phiếu của Đô thị Kinh Bắc đến cuối quý 4/2022 còn gần 3.900 tỷ đồng trong đó trái phiếu đến hạn trả là 2.900 tỷ. Nửa cuối tháng 2 tới đây, KBC sẽ phải thanh khoán dư nợ gốc một lô trái phiếu có giá trị 400 tỷ đồng.
Theo công bố, KBC đã vốn hóa chi phí đi vay tổng cộng 293.9 tỷ đồng trong năm 2022. Các khoản chi phí đi vay này liên quan đến khoản vay để đầu tư xây dựng phát triển KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, Khu đô thị Phúc Ninh, KCN và khu đô thị Tràng Duệ, Khu đô thị Tràng Cát và một số dự án khác.
Về dòng tiền, trong năm 2022, dòng tiền kinh doanh của KBC âm 212,6 tỷ đồng, dòng tiền tài chính dương 537,22 tỷ đồng và dòng tiền đầu tư 1.204 tỷ đồng, dẫn tới lưu chuyển tiền thuần trong năm âm 879,33 tỷ đồng, kém xa số dương 1.512,7 tỷ đồng của năm 2021.
KBC với tham vọng dự án 5 tỷ USD tại Quảng Ninh
Tại ĐHĐCĐ diễn ra vào thời điểm cuối tháng 12/2022, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Kinh Bắc đã tiết lộ: "Năm 2023, ngoài các khách hàng đang ký kết và chuẩn bị ký kết, KBC đang có vòng đàm phán với nhiều nhà đầu tư, có dự án của tập đoàn điện tử rất lớn lên tới 5 tỷ USD tại Bắc Ninh và chúng tôi nuôi hi vọng sẽ sớm thành công".
Ngoài việc thông tin về dự án 5 tỷ USD tại Bắc Ninh và kế hoạch doanh thu cùng lợi nhuận trong năm tới, ĐHĐCĐ cũng đã thông qua cho KBC phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu (tương ứng 13% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) nhằm mục đích giảm vốn điều lệ. Phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch nhưng không cao hơn 34.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, số tiền dự chi thực hiện thương vụ này là 3.400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cổ đông còn thông qua việc hủy phương án chào bán 150 triệu cổ phiếu riêng lẻ năm 2022 để huy động vốn, tái cấu trúc nợ và đầu tư vào các đơn vị thành viên.
Được biết, năm tới KBC sẽ chi trả cổ tức bằng tiền cho các cổ đông với tỷ lệ là 20%. Ông Đặng Thành Tâm nói thêm, với tình hình hiện tại, KBC có thể trả cổ tức tối thiểu 20%/năm trong vòng 5 năm tới cho cổ đông.