Đô thị ngầm ở TP.HCM: Đừng nóng vội!

KTS.TS Võ Kim Cương cho rằng không cần nóng vội, gấp gáp làm đô thị ngầm vì có nhiều vấn đề phức tạp và là bài toán kinh tế cần tính kỹ.

TP.HCM đang lập quy hoạch thiết kế đô thị và không gian ngầm toàn tuyến metro. Trước đó, vào tháng 4/2020, UBND TP đã phê duyệt kế hoạch tuyển chọn "Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành".

Sau khi phương án thiết kế tối ưu được lựa chọn, Thành phố sẽ tiến hành quy hoạch chi tiết khu vực này và tiếp đó sẽ kêu gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Trao đổi về kế hoạch của TP.HCM, KTS.TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho biết, làm đô thị ngầm đang là xu hướng và là một mảng của không gian ngầm. Ngoài việc cất giấu hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm như đường điện, nước, các loại cáp, cống thoát nước; phát triển giao thông đường bộ, metro; tiêu thoát nước; không gian ngầm còn được khai thác để phát triển thương mại, dịch vụ.

Theo ông Cương, việc "dành chỗ cho tương lai", lập quy hoạch không gian ngầm đô thị bám theo các tuyến metro là cần thiết, tuy nhiên để biến nó thành hiện thực không phải là chuyện cần phải gấp gáp, nóng vội.  

"Đây là một bài toán kinh tế cần tính và có nhiều vấn đề phức tạp. Lâu nay, nhiều dự án bãi đậu xe ngầm còn nằm trên giấy, tính toán mãi không xong vì hiệu quả kinh tế không cao, nói gì đến làm đô thị ngầm dưới lòng đất.

Hiện nay, người dân ít đi vào bãi đậu xe mà vẫn đậu ngoài đường, giá đậu xe theo quy định của Nhà nước là quá rẻ. Bản thân nhà đầu tư cũng vì thế mà ngại ngần không dám đầu đầu tư bãi đậu xe vì không có lời.

Ở nước ngoài, vào trung tâm không có chỗ đậu xe, người sử dụng xe phải thuê chỗ đậu xe không khác gì thuê nhà ở và nếu vi phạm đậu đỗ xe ngoài đường sẽ bị xử nghiêm.  

Cho nên, nếu Việt Nam cũng nghiêm cấm đậu xe ngoài đường, mức giá giữ xe để  theo giá thị trường, theo quy luật cung cầu và Nhà nước chỉ định giá giữ xe ở trường học, bệnh viện... và có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư trong việc triển khai xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, bãi xe cao tầng thì mọi chuyện sẽ khác, khi ấy, giá khai thác sẽ hỗ trợ cho kinh phí đầu tư. Còn như bây giờ, giá giữ xe chỉ lớn hơn giá gửi ngoài vỉa hè một chút thì không thể nào khai thác bãi xe ngầm được", KTS.TS Võ Kim Cương phân tích và nhấn mạnh, đối với việc xây dựng đô thị ngầm tại TP.HCM, về mặt kinh tế, đây phải là một quá trình tính toán chu đáo, trừ trường hợp không gian ngầm phục vụ cho mục đích quốc phòng thì mới bất chấp giá thành ra sao.  

Hầm B1 nhà ga Nhà hát Thành phố của tuyến metro số 1 TPHCM. Ảnh: Lao động  
Hầm B1 nhà ga Nhà hát Thành phố của tuyến metro số 1 TPHCM. Ảnh: Lao động  
 

Một điểm khác khiến nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng phát triển đô thị ngầm không thể nóng vội chính là từ những bài học tại Trung Quốc vừa qua. Theo đó, hồi tháng 7, lũ lụt thảm khốc đã làm ngập một đường hầm đông xe ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Nước dâng ngập hầm chỉ trong vài phút khiến nhiều người không kịp chạy thoát. 

Sự việc này, theo KTS.TS Võ Kim Cương, là một bài học về công trình ngầm rất đáng lưu ý, cho thấy không gian ngầm phải có một hệ thống phòng chống lũ lụt kiên cố để đảm bảo an toàn, tránh chạy theo xu hướng khai thác không gian ngầm bằng mọi giá.

"Làm công trình ngầm bắt buộc phải tính đến vấn đề ngập. Các công trình chống ngập sẽ khắc phục được tình trạng này, nhưng đó là khắc phục trong điều kiện bình thường, còn phải tính cả điều kiện xảy ra rủi ro như tai nạn, mưa lũ cường độ quá lớn khiến nước không thoát kịp, tràn xuống công trình ngầm", vị KTS lưu ý.

Bên cạnh đó, chi phí xây dựng đô thị dưới lòng đất tốn kém gấp nhiều lần so với xây dựng trên mặt đất, chủ yếu là chi phí chống thấm, chống ngập, chống áp lực bên dưới. Thường thì nhà đầu tư chỉ lời về mặt bằng khi sử dụng không gian ngầm của khu đất mình đang sử dụng.

Nhấn mạnh quan điểm không nên nóng vội làm đô thị ngầm, KTS.TS Võ Kim Cương cho biết, các nước như Canada, Nhật Bản... phát triển công trình ngầm sau khi đã trở thành nước phát triển, thu nhập cao, dự trữ lớn. Còn Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng hiện nay còn nghèo, chi mỗi đồng đều phải tính toán chi li để có hiệu quả nên không cần gấp gáp với đô thị ngầm.

Ông dẫn ví dụ, đô thị ngầm Reso lớn nhất thế giới ở thành phố Motreal (Canada) được xây dựng và khai thác trong điều kiện đông người đi lại, trong khi chờ đợi metro thì có thể tham qua, mua sắm ở khu thương mại dịch vụ gần đó. Bên cạnh đó, các ga metro thường tập trung ở các khu đô thị nén, tức rất đông người ở phía trên, bởi trên mặt đất đủ chỗ làm trung tâm thương mại, dịch vụ nên người ta đưa xuống không gian ngầm bên dưới. Chưa kể, nhu cầu sử dụng không gian ngầm còn tùy thuộc vào sở thích của mỗi người.

"Quan điểm của tôi là nếu trên mặt đất có đủ không gian để khai thác dịch vụ tốt thì dưới ngầm chỉ để phục vụ cho hạ tầng, không nên bắt chước nơi khác cho bằng được vừa tốn kém vừa phiền hà, có khi không an toàn. Còn ưu tiên của TP.HCM hiện nay nên là các bãi xe ngầm hoặc bãi xe nhiều tầng nổi", KTS.TS Võ Kim Cương bày tỏ.

Thành Luân

Theo Đất Việt