Đô thị ngầm tại TP.HCM: Tiền đâu để xây?

Đây là câu hỏi của KTS Ngô Viết Nam Sơn đặt ra khi bàn về vấn đề xây đô thị ngầm dưới lòng đất tại TP.HCM.

Trong bài trả lời phỏng vấn VnEconomy, KTS Ngô Viết Nam Sơn, , Chủ tịch Công ty TNHH Tư Vấn Thiết Kế Ngô Viết cho biết, việc xây dựng đô thị ngầm dưới lòng đất không chỉ là thiết kế, mà còn là sự tổng hợp của nhiều vấn đề về hạ tầng, môi trường, hiệu quả đầu tư… và điều quan trọng nhất để dự án thành công là giải quyết bài toán tài chính. Tiền đâu để xây?

Theo ông, có thể việc xây dựng tuyến metro lấy nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, nhưng phần không gian ngầm dành cho thương mại chính quyền sẽ đưa ra các chủ trương, chính sách ưu đãi để mời gọi tư nhân tham gia xây dựng các công trình ngầm thương mại dọc tuyến metro.

Từ kinh nghiệm thực tế, vị kiến trúc sư cho biết, chi phí để xây dựng công trình ngầm không đến mức gấp 10-20 lần đối với xây dựng công trình trên mặt đất.

Khi xây công trình ngầm trong lòng đất có 2 loại chi phí. Thứ nhất, chi phí kỹ thuật, công nghệ xây dựng chỉ cao hơn 2-3 lần so với công trình xây trên mặt đất.

Thứ hai, chi phí vận hành, đây là chi phí rất lớn vì mọi thứ xây dựng ở công trình ngầm đều nhân tạo, không có điều kiện tự nhiên như trên mặt đất, do đó, để vận hành đòi hỏi nhiều quy trình, công đoạn hơn.

"Có thể, ước tính chi phí xây dựng công trình ngầm gồm cả chi phí vận hành mới cho ra con số gấp 10-20 lần công trình trên mặt đất. Điều này càng cho thấy sự  hợp tác công - tư là cần thiết để cân đối được chi phí vận hành quá lớn. Khi đó, nguồn thu để bù đắp chi phí được lấy từ các hoạt động thương mại, dịch vụ của các dự án ngầm mà tư nhân đã đầu tư…", KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.

Phối cảnh nhà ga trung tâm Bến Thành tuyến Metro số 1. Ảnh: MAUR.  
Phối cảnh nhà ga trung tâm Bến Thành tuyến Metro số 1. Ảnh: MAUR.  
 

Cho biết Việt Nam chưa có kinh nghiệm xây dựng đô thị ngầm, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP.HCM nên học hỏi các quốc gia đã đi trước như Canada, Singapore, Trung Quốc... để lựa chọn phương án tốt cho mình.

Một trong những vấn đề cốt lõi của việc xây dựng không gian ngầm là tính kết nối. Tại TP.HCM, nhiều cao ốc có các tầng hầm ngầm đã hoàn thiện, như: Vincome Center Tower, Saigon Centre, Vincome Center Landmark 81… hoặc những cao ốc đang hoàn thiện trong khu vực quận 1, tất cả đều chưa có cửa mở (tuynel kỹ thuật) để kết nối với không gian ngầm xây dựng dưới lòng đất.

Ngay cả cuộc thi "Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành", theo vị KTS, các đơn vị tham gia đã không đưa vào đồ án giải pháp kết nối với các không gian ngầm của các toà nhà trong khu vực.

Ông dẫn kinh nghiệm của thành phố Motreal (Canada), thành phố này bắt buộc các toà cao ốc xây không gian ngầm dưới lòng đất phải có cửa mở kết nối với không gian ngầm chung của thành phố.

Sự thành công của đô thị ngầm Reso nổi tiếng ở thành phố này, ngoài việc xây hàng loạt công trình ngầm, gồm: các trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở, khách sạn, bệnh viện, trường học … đều được kết nối với tất cả không gian ngầm của các toà cao ốc trên mặt đất tại khu vực trung tâm thành phố Motreal. Điều này không chỉ tạo ra tiện ích trong di chuyển ở không gian ngầm dưới lòng đất, mà còn tạo sự liên kết đồng bộ đến các công trình, khu vực trên mặt đất.

Việc kết nối đồng bộ với không gian ngầm khu vực tuyến metro, TP.HCM nên có chính sách bắt buộc các toà cao ốc có không gian ngầm dưới lòng đất phải có tuynel kỹ thuật kết nối vào hệ thống ngầm chung của thành phố.

"Thành phố Motreal xây dựng đô thị ngầm theo “vết dầu loang”. TP.HCM có thể thực hiện kinh nghiệm đó, bắt đầu từ không gian ngầm tại ga Bến Thành của tuyến metro số 1, nối qua các toà cao ốc xung quanh có không gian ngầm… Sau đó, nếu muốn mở rộng thêm không gian ngầm có thể thực hiện giai đoạn 2.

Theo tôi, TP.HCM chỉ cần xây không gian ngầm về thương mại dưới lòng đất theo tuyến metro, việc xây dựng hẳn một đô thị dưới lòng đất với nhiều công trình, chức năng khác nhau như đô thị ngầm Reso hiện chưa cần thiết. Vì điều kiện vị trí địa lý, khí hậu tại TP.HCM khác với Motreal.

Tại nhiều nước trên thế gới, việc xây dựng không gian ngầm vẫn làm nhưng chỉ làm ở những khu vực mang lại hiệu quả kinh tế, chứ không xây đô thị ngầm dưới lòng đất, bởi chi phí vận hành đô thị ngầm rất cao. Singapore cũng chỉ xây không gian ngầm thương mại dọc theo tuyến metro chứ không xây đô thị ngầm như Reso", vị KTS cho biết.

Kế hoạch khai thác không gian ngầm với các khu đô thị, thương mại dưới lòng đất đang được TP.HCM đẩy nhanh khi tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang tăng tốc hoàn thiện để đưa vào hoạt động.

Trong lộ trình khai thác không gian ngầm liên quan đến tuyến Metro số 1, tháng 4/2020, UBND TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch tuyển chọn "Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành".

Yêu cầu cho việc thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành là phải đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường. Khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành phải kết nối hài hòa với không gian đô thị các tuyến đường xung quanh như Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và các tòa nhà trung tâm thương mại lân cận.

Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành được thành phố dự kiến xây dựng có diện tích khoảng 45.000 m2 gồm khu vực cửa hàng thương mại rộng 18.100 m2, hành lang và quảng trường ngầm rộng 21.500 m2.

Trung tâm thương mại ngầm sẽ được triển khai xây dựng đồng bộ với gói thầu 1a của tuyến Metro số 1 nhằm giảm thiểu việc phải đào đường thi công, cũng như tránh ảnh hưởng đến tuyến Metro số 1 khi tuyến này đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, Sở Quy hoạch- Kiến trúc  TP.HCM cũng đang lên ý tưởng và kêu gọi các chuyên gia góp ý kiến về việc xây dựng không gian ngầm tại trung tâm thành phố và khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Hiện thành phố có 11 ha diện tích không gian ngầm, chủ yếu thuộc các trung tâm thương mại và các bãi xe. Tương lai sẽ có thêm 72 nhà ga ngầm thuộc 11 tuyến metro.

Theo lộ trình, trước năm 2025, TP.HCM sẽ xây dựng các cụm trung tâm thương mại liên kết với tuyến Metro số 1, Metro số 2. Lúc này, người dân có thể sử dụng mạng lưới không gian ngầm từ nhà ga đến các tầng hầm của các cao ốc lân cận. Điều này đồng nghĩa với việc một "thành phố dưới lòng đất" đáp ứng nhu cầu đi lại, mua sắm và ẩm thực sẽ hình thành trong giai đoạn này.

Minh Thái (Tổng hợp)

Theo Đất Việt