Hà Nội dự tính sẽ xây đô thị ngầm vào năm 2030

TNNĐ- Khu đô thị trung tâm của Hà Nội sẽ được xây đô thị ngầm với quy mô gần 76ha, đáp ứng khoảng 4,6 triệu dân vào năm 2030.

Ha Noi se xay do thi ngam vao nam 2030
Hà Nội quy hoạch xây đô thị ngầm năm 2030, tầm nhìn 2050.

Theo Quyết định số 6649/QĐ-UBND, TP. Hà Nội đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 hôm 3/12.

Theo đó, Đồ án quy hoạch không gian xây dựng ngầm với tỷ lệ 1/10.000 cho thấy phạm vi nghiên cứu thuộc các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín.

Quy hoạch Hà Nội ranh giới phía Bắc giáp sông Cà Lồ, phía Đông giáp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên, phía Tây và Nam giáp đường vành đai 4.


Khu đô thị ngầm dự kiến rộng 756km2, dân số đến năm 2030 khoảng 4,6 triệu người và sẽ tăng lên 5,4 triệu người vào năm 2050.

Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được thực hiện theo Quyết định số 1258/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 26/7/2011 về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Mục tiêu quy hoạch nhằm góp phần xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh, phát triển đô thị bền vững.

Quy hoạch được lập bởi Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thẩm định, trình duyệt tại Tờ trình số 4244/TTr-QHKT(P7) ngày 21/9/2015 và vừa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt.

UBND thành phố giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng trình tự, thủ tục lập quy hoạch theo quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố; loại bỏ khối lượng, kinh phí trùng lặp với các đồ án quy hoạch phân khu liên quan (nếu có); đồng thời phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương có liên quan trong quá trình lập quy hoạch, thẩm định hồ sơ trình UBND thành phố xem xét phê duyệt.

Trên lý thuyết, đô thị ngầm giúp tiết kiệm đất đai xây dựng, tránh ách tắc giao thông, bảo vệ môi trường.

Công trình ngầm đô thị chủ yếu gồm: Các công trình ngầm giao thông vận tải, công trình ngầm dân dụng, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm, công trình ngầm công nghiệp, phần ngầm của các công trình xây dựng-kiến trúc lộ thiên…

Quy hoạch của đô thị ngầm là một nội dung của quy hoạch đô thị. Do vậy, cần phải tiến hành quy hoạch đồng bộ với quy hoạch xây dựng đô thị chung để đảm bảo sự khớp nối với công trình trên mặt đất thành một thể thống nhất.

Ha Noi se xay do thi ngam vao nam 2030
Quy hoạch đô thị ngầm giúp tiết kiệm đất đai xây dựng, tránh ách tắc giao thông, bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa.


Về phương pháp quy hoạch đô thị ngầm cần theo cách hợp nhất các công trình ngầm đô thị như: giao thông vận tải, dân dụng, hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp và phần ngầm của các công trình xây dựng - kiến trúc lộ thiên sẽ tạo nên bức tranh toàn cảnh, hợp lý, đồng bộ trong không gian đô thị ngầm.

Trên thế giới, việc phát triển đô thị ngầm đã từng được ghi nhận. Tại TP. Montreal (Canada) từ năm 1962 đã đưa vào sử dụng “TP Ngầm”, đến nay đã bao trùm hơn 40 ô phố, với 32km đường đi bộ và hầm đi bộ trong nhà, nằm dưới 63 tòa nhà được nối với các ga metro, ga đường sắt và bến xe buýt, mỗi ngày có hơn 500 nghìn người đi bộ trong mạng lưới ngầm này.

Trung Quốc cũng đã ban hành Nghị định về xây dựng ngầm để quản lý khai thác không gian ngầm đô thị. Trung Quốc cũng đã tiến hành lập quy hoạch “đô thị ngầm” tại một số TP lớn như: Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh, Thẩm Quyến, Thanh Đảo, Vô Tích.

Theo Cúc Phương - Báo Đất Việt