‘Đổ xô mua vàng bình ổn giá, nhiều người đã bị lỗ’
TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia tài chính - ngân hàn cho rằng, chỉ nên mua vàng đầu tư khi giá vàng trong nước tiệm cận với giá vàng thế giới.
Giá vàng ngày 17/6/2024 trên thị trường thế giới đảo chiều giảm, vàng miếng SJC trong nước vẫn giữ nguyên gần 77 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới 5,5 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý, cho tới hiện tại, tình trạng người dân xếp hàng từ sáng sớm để mua vàng vẫn diễn ra. Trong khi đó, các ngân hàng cho biết, họ đã nhận được thông báo từ Ngân hàng Nhà nước là chỉ bán cho mỗi khách hàng tối đa 2 lượng vàng.
Về những rủi ro khi đầu tư vàng, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng người dân và cả các nhà đầu tư kinh doanh trên thị trường vàng cần phải lưu ý kinh doanh khi hướng giá vàng đang giảm dần, chênh lệch giá quốc tế và trong nước sẽ bị thu hẹp lại.
“Rõ ràng những người đã đổ xô đi mua vàng trong thời gian vừa qua, nhiều người đã lỗ, kể cả mua vàng bình ổn cũng đã lỗ. Những tháng gần đây, yếu tố đầu cơ đã giảm, bằng chứng là tiền gửi tiết kiệm của dân chúng tại các ngân hàng đã có dấu hiệu tăng trở lại mặc dầu tiền gửi của doanh nghiệp vẫn tiếp tục giảm”, ông Nghĩa nói.
Trước câu hỏi về thời điểm nào là thời điểm thích hợp để đầu tư vàng, các TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng chỉ nên đầu tư khi giá vàng trong nước tiệm cận giá thế giới hoặc giá chênh từ 1 tới 2 triệu đồng/lượng.
Vì vậy, ông Nghĩa cho rằng các nhà đầu tư và đầu cơ trên thị trường tài chính cần phải rà soát lại danh mục đầu tư theo hướng kinh tế phục hồi, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản ấm trở lại, thị trường vàng giá sẽ tiếp tục giảm.
Để bình ổn giá vàng, công cụ hữu hiệu nhất để điều tiết giá vàng là thuế, nếu không khuyến khích thì thuế cao, còn không thì giảm xuống. Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế.
Về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đánh giá với mặt hàng vàng sức hấp dẫn còn rất lớn do nhu cầu dự trữ vàng trong dân cao. Do đó, cần nghiên cứu khai thác nguồn lực vàng vào sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tình trạng đôla hóa, vàng hóa vẫn tồn tại trong nền kinh tế, việc xử lý cần thời gian.
Phó Thống đốc cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu Nghị định 24 về kinh doanh vàng, mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để vàng hóa tác động đến điều hành chính sách tiền tệ, đến tỷ giá, ngoại hối, cán cân thanh toán; không để giá vàng chênh lệch cao so với giá thế giới; không để vàng ảnh hưởng đến chính sách kinh tế, không tác động tâm lý xã hội; nghiên cứu từng bước đưa nguồn lực vàng trong dân vào sản xuất - kinh doanh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, sẽ tổng hợp ý kiến tham vấn, tham mưu Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 24, cân nhắc điều chỉnh cần thiết phương pháp trong thời gian tới khi chờ sửa Nghị định 24. Mục tiêu xuyên suốt của NHNN là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, để người dân chuyển vàng vào sản xuất - kinh doanh.
Mục tiêu xuyên suốt Nghị định 24 là ổn định vĩ mô, không ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ; không ảnh hưởng kinh tế vĩ mô. Cách thức điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng phải rà soát rất kỹ.