Doanh nghiệp bảo hiểm vẫn báo lãi dù chi phí tăng, hoạt động kinh doanh chính giảm
Trong quý 1 đầu năm, hoạt động kinh doanh chính của nhiều công ty bảo hiểm giảm, thậm chí lỗ, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm lại tăng mạnh so với cùng kỳ, nhưng doanh nghiệp vẫn ghi nhận lãi ròng tăng.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý 1/2021 doanh nghiệp bảo hiểm ước tính tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 6% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 11%.
Tại một số doanh nghiệp bảo hiểm, hoạt động kinh doanh chính trong quý đầu năm giảm hay thậm chí lỗ, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm lại tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng vẫn ghi nhận lãi ròng tăng trưởng. Nguyên nhân chính là do hoạt động đầu tư tài chính khởi sắc đã 'cứu cánh' lợi nhuận.
Kết thúc quý 1/2021, chi phí bảo hiểm tại BVH tiếp tục là gánh nặng, chiếm gần 8.878 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ khiến hoạt động kinh doanh bảo hiểm lỗ gộp gần 169 tỷ đồng.(Đây là doanh nghiệp bảo hiểm duy nhất có lỗ gộp kinh doanh bảo hiểm trong quý 1 năm nay).
Tuy nhiên, nhờ lợi nhuận từ hoạt động tài chính đạt gần 1.926 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ, BVH mới có lợi nhuận ròng hơn 469 tỷ đồng, gấp 3,9 lần cùng kỳ 2020.
Theo giải trình của BVH, lợi nhuận Công ty tăng mạnh chủ yếu nhờ diễn biến tích cực của thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, trong khi quý 1 năm trước thị trường chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19.
Cụ thể, BVH có doanh thu tài chính chủ yếu là lãi tiền gửi gần 1.271 tỷ đồng, giảm 6%, còn lãi từ đầu tư, kinh doanh chứng khoán hơn 168 tỷ đồng, gấp 20,2 lần cùng kỳ.
Tương tự, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Bảo hiểm Bảo Long (UPCoM: BLI) tăng 34%, chiếm gần 204 tỷ đồng dẫn đến biên lãi gộp giảm từ 29% còn 26%.
Thế nhưng, hoạt động đầu tư tài chính của BLI đạt 28 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 lỗ hơn 11 tỷ đồng. Đồng thời, hoạt động kinh doanh bảo hiểm tằn 28% lên 274 tỷ đồng. Kết quả, lãi ròng của BLI đạt 41 tỷ đồng, gấp 2,9 lần cùng kỳ năm trước.
Quý 1/2021, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) tăng đến 45% chiếm gần 358 tỷ đồng khiến lãi gộp giảm 15%, còn hơn 116 tỷ đồng. Bù lại, hoạt động đầu tư tài chính tại BIC có lãi gần 96 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước là yếu tố chính giúp lợi nhuận ròng đạt gần 79 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Trường hợp tại Tổng CTCP Bảo hiểm Hàng không (AIC) cũng tương tự. Trong kỳ, lợi nhuận hoạt động tài chính tại AIC đạt 15 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái và được hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính hơn 13 tỷ đồng giúp AIC có lãi hơn 27 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 5 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm và hoạt động tài chính tại Bảo hiểm Petrolimex (HOSE: PGI) đều tăng lần lượt 21% và 10% dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý 1/2021 tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 57 tỷ đồng.
Trường hợp tại Tổng CTCP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (HNX: VNR). Quý 1/2021 tuy có doanh thu chính là phí nhận tái bảo hiểm giảm đến 18%, còn hơn 517 tỷ đồng nhưng chi phí giảm mạnh hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp tăng 23% so cùng kỳ, đạt gần 54 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ hoạt động tài chính có lãi gần 95 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 3 tỷ đồng, giúp lợi nhuận ròng tại VNR hơn 113 tỷ đồng, gấp 5,2 lần cùng kỳ.
Đánh giá rủi ro đối với ngành bảo hiểm năm 2021, SSI Research chỉ ra rằng môi trường lãi suất thấp sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư gặp khó khăn và làm giảm lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vì phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu Chính phủ. Ngoài ra, nếu lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm hơn nữa, gánh nặng sẽ đặt lên dự phòng kỹ thuật bảo hiểm nhân thọ - ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận kế toán.
Cho nên, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam thua lỗ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản, đã khiến các nhà tái bảo hiểm quốc tế tăng giá tái bảo hiểm.
SSI Research tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong trung hạn. Hậu quả quan trọng của việc này là các công ty bảo hiểm có thể không thể duy trì các hợp đồng tái cố định (treaty) và buộc phải chuyển sang các hợp đồng tái tạm thời (facultative), ảnh hưởng đến năng lực của bảo hiểm phi nhân thọ.