Doanh nghiệp BĐS 'kêu trời' vì nghẽn tín dụng, sếp VietinBank nói 'nên bán bớt tài sản'

Trước kiến nghị của loạt "ông lớn" bất động sản liên quan đến tín dụng, Phó tổng giám đốc phụ trách VietinBank cho rằng: "Doanh nghiệp đang có một đống tài sản lớn, lúc này cần bán đi để cơ cấu nợ, vấn đề các anh bán giá bao nhiêu thôi, đáng nhẽ 10 đồng giờ bán 6 đồng thôi, như vậy ngân hàng cũng sạch nợ".

Doanh nghiệp BĐS 'kêu trời' vì nghẽn tín dụng, sếp VietinBank nói 'nên bán bớt tài sản'
Doanh nghiệp BĐS 'kêu trời' vì nghẽn tín dụng, sếp VietinBank nói 'nên bán bớt tài sản'

Tại cuộc hội nghị tín dụng bất động sản vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản lớn như Vingroup, Sun Group, Novaland, Hưng Thịnh và các hiệp hội đã có 17 kiến nghị tới lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, kiến nghị nhiều nhất vẫn tập trung vào đề xuất nới room tín dụng và điều kiện cho vay đối với lĩnh vực bất động sản.

Trao đổi về các kiến nghị của doanh nghiệp bất động sản, lãnh đạo các ngân hàng thương mại khẳng định không có chỉ đạo siết tín dụng vào bất động sản và không thiếu room tín dụng cho lĩnh vực này.

Thống nhất giảm lãi suất cho vay

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết tính đến ngày 31/12/2022, dư nợ bất động sản tại Vietcombank chiếm trên 20%, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp bất động sản và cá nhân. Tăng trưởng tín dụng bất động sản khoảng 17%. Như vậy, Vietcombank vẫn luôn đáp ứng đủ room tín dụng cho bất động sản.

“Đối với bất động sản nhà ở, trong năm 2023, chúng tôi chia ra làm hai đối tượng. Đối với đơn vị phát triển dự án uy tín, tài chính minh bạch, chúng tôi sẽ áp dụng các chính sách lãi suất hợp lý. Đối với cá nhân mua nhà ở, chúng tôi sẽ thận trọng hơn đối với phân khúc giá trị cao”, ông Tùng cho hay.

Đối với phân khúc bất động sản du lịch, sinh thái nghỉ dưỡng, Vietcombank sẽ lựa chọn các doanh nghiệp uy tín để cho vay; tiếp đến là phân khúc văn phòng, trung tâm thương mại cũng sẽ tập trung cho vay trong năm 2023.

Ông Tùng cho biết thêm Vietcombank cũng gặp không ít khó khăn liên quan vấn đề pháp lý, có trường hợp cấp tín dụng xong thì chủ đầu tư bị thay đổi hồ sơ pháp lý dự án, điều này không chỉ ảnh hưởng đến chủ đầu tư mà cả ngân hàng.

Đối với cho vay nhà ở cá nhân, nếu so với mặt bằng chung, giá nhà đất hiện nay cao hơn so với thu nhập của người dân. Đây là một cái khó trong việc tìm nguồn trả nợ nên ngân hàng cũng thận trọng trong việc đánh giá nguồn trả nợ.

Về lãi suất, Tổng giám đốc Vietcombank thông tin ngay trước cuộc họp, các ngân hàng thương mại lớn đã thống nhất với nhau việc hạ lãi suất cho vay trong thời gian tới để hỗ trợ kinh tế, trong đó có đầu tư kinh doanh bất động sản.

Doanh nghiệp BĐS nên tự cơ cấu nợ, bán bớt tài sản

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc phụ trách VietinBank, cũng khẳng định việc duy trì tín dụng cho vay bất động sản là sự nỗ lực của ngành ngân hàng trong thời gian qua. "Doanh nghiệp bất động sản đang có một đống tài sản lớn, cần bán đi để cơ cấu nợ, và vấn đề các anh bán giá bao nhiêu thôi, đáng nhẽ 10 đồng giờ bán 6 đồng thôi, như vậy ngân hàng cũng sạch nợ", ông nêu ý kiến.

"Các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp đang ngồi trên chiếc thuyền ba lá chứ không phải thuyền lớn, nếu chèo không khéo thì lật thuyền, tất cả cùng ướt. Chúng tôi muốn cùng các anh chị vượt qua khó khăn hiện nay trong khuôn khổ pháp luật cho phép", Phó tổng giám đốc phụ trách VietinBank nói.

Ngân hàng và doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau

Tương tự, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV, khẳng định ngân hàng vẫn cho vay và không giảm hay kiểm soát đối với dư nợ tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, năm 2022 do khó khăn từ thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu, nhu cầu vốn tín dụng dồn vào hệ thống ngân hàng khá lớn.

“Thời gian qua, ngân hàng vẫn đáp ứng đủ vốn cho nhu cầu của khách hàng. Sắp tới, BIDV sẽ tập trung cho vay đối với bất động sản khu công nghiệp và ưu tiên những dự án có quy mô từ 50ha trở lên. Đối với bất động sản nhà ở, chúng tôi ưu tiên tại các địa bàn Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh và ưu tiên các doanh nghiệp có uy tín”, ông Lâm nói.

Để tháo gỡ sự lệch pha giữa hai bên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị ngân hàng và doanh nghiệp với tư cách là hai doanh nghiệp ngồi lại với nhau, rà soát những vướng mắc. “Biện pháp tháo gỡ không gì bằng trực tiếp ngồi lại với nhau để dự án nào cho vay được thì cho vay, dự án nào không cho vay được thì nói rõ vì sao”, ông Tú nhấn mạnh.

Lệ Chi

Theo VietnamFinance